Riêng năm 2021, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhờ giá cao su liên tục tăng cao nên dù lượng xuất khẩu chỉ tăng 11,7%, nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng lên 36,2% so với năm 2020.
Trung Quốc vẫn duy trì là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, với 1,2 triệu tấn cao su, trị giá 1,96 tỷ USD trong 11 tháng của năm 2021, tương đương tăng 1,71% về lượng và 26,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài ra, một số thị trường xuất khẩu cao su tăng mạnh trong năm qua như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Malaysia, Hàn Quốc, Ấn Độ…
Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) dự báo, nguồn cung cao su thiên nhiên toàn cầu có thể thiếu hụt do ảnh hưởng bởi mùa mưa kéo dài ở một số nước châu Á cuối năm 2021. Vậy nên, đà tăng xuất khẩu cao su chưa có dấu hiệu giảm. Chưa kể, khi tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu cao su có thể tiếp diễn sẽ khiến giá mủ cao su tiếp tục tăng hoặc neo ở mức cao, cải thiện biên lợi nhuận của doanh nghiệp.
Ở góc độ phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect cho rằng, sự đi lên của ngành cao su, nhất là những doanh nghiệp thiên về hoạt động xuất khẩu trong ngành này trong năm 2022 được hỗ trợ thêm bởi sự tăng mạnh của giá dầu, cũng như kỳ vọng phục hồi kinh tế.
Nguyên nhân là do giá dầu tăng mạnh khiến gia cao su nhân tạo, cao su tổng hợp cao, đây cũng là động lực để giá cao su tự nhiên trong nước xuất khẩu giữ ở mức cao. Cùng với đó, nhu cầu sản xuất công nghiệp và phục hồi ở săm lốp ôtô, gỗ cao su làm nội thất tại các thị trường xuất khẩu cũng sẽ làm tăng giá cao su và thúc đẩy kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngoài ra, Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) cũng duy trì dự báo sẽ có tình trạng thiếu hụt cao su tự nhiên trung bình trong trung hạn. Bởi, năm 2021, sản lượng cao su tự nhiên thế giới chỉ đạt khoảng 13,8 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020, thấp hơn so với khảo sát nhu cầu 9% trước đó.
Trên cơ sở này, ANPRC cho rằng, việc mở rộng diện tích cao su trưởng thành dự kiến sẽ được hấp thụ phần lớn bởi nhu cầu mạnh mẽ trong giai đoạn này, góp phần tăng trưởng cho doanh nghiệp trong dài hạn.
Về phía Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – CTCP đã triển khai dự án thí điểm áp dụng chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn VFCS/PEFC cho các rừng cây cao su.
Tính đến nay, 55.000 ha diện tích rừng cao su đã đạt chứng chỉ VFCS/PEFC, và dự kiến đạt 100.000 ha vào Quý I/2022. Với diện tích đạt chứng chỉ hiện có này, 85.000 tấn cao su thiên nhiên và 300.000 tấn gỗ cao su có chứng nhận bền vững sẽ được khai thác, đưa vào sản xuất và thương mại. Từ đó, giúp gia tăng giá trị chuỗi khai thác cao su, hướng đến phát triển bền vững trong toàn bộ chuỗi cung ứng để đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu và nội địa về sản phẩm bền vững.
Trước đó, năm 2021, nhiều doanh nghiệp cao su ghi nhận kết quả sản xuất kinh doanh tích cực. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – CTCP thông tin tổng doanh thu hợp nhất ước đạt 28.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 6.100 tỷ đồng; lần lượt tăng gần 10% và 4% so với thực hiện năm 2020.
Báo cáo kết quả kinh doanh gần nhất của Công ty cổ phần Đầu tư Cao su Đắk Lắk còn chứng kiến sự vượt trội về doanh thu 9 tháng năm 2021 với 61,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 10 tỷ đồng.
Theo ban lãnh đạo công ty, thông thường quý IV sẽ có sản lượng cao su khai thác cao nhất, chiếm gần 40% sản lượng cả năm. Điều này sẽ giúp công ty duy trì được đà tăng trưởng cao trong 3 quý đầu năm, cũng như được kết quả kinh doanh vượt trội trong cả năm 2021.
Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch 14/1, cổ phiếu GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – CTCP có thị giá 35.700 đồng, cổ phiếu DRI của Công ty cổ phần Đầu tư Cao su Đắk Lắk có thị giá 16.000 đồng, cổ phiếu PHR của Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa có thị giá 79.400 đồng.
Nhóm cổ phiếu này có mức tăng trưởng trung bình gần 20% so với cách đây 1 năm và đây là nhóm cổ phiếu đang được các công ty chứng khoán đưa vào danh mục quan sát mua hoặc khuyến nghị tích cực trong thời gian tới.