Nhiều lãnh đạo cảng biển đã bị đình chỉ làm việc thời gian qua sau khi phát hiện để lọt xe quá tải ra từ cảng.
Xử lý từ gốc
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) mới có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) báo cáo việc xảy ra vụ 5 xe chở hàng quá tải xuất phát từ cảng Cái Lân (Hạ Long, Quảng Ninh) hồi đầu tháng 5/2015. Qua xác minh, lực lượng thanh tra cho thấy có trách nhiệm của cảng Cái Lân. Theo đó, Công ty cổ phần Cảng Quảng Ninh đã đình chỉ chức vụ 10 ngày đối với Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc Xí nghiệp Giao nhận và kinh doanh kho bãi, Giám đốc Xí nghiệp kinh doanh Hạ Long và Trưởng phòng bảo vệ, để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan và làm báo cáo giải trình từ ngày 19/5.
Kiểm soát tải trọng hàng hóa ngay từ khâu bốc xếp tại cảng biển. |
Theo xác minh, 5 chiếc xe này đã chở cuộn cáp quá tải trọng ra từ cảng Cái Lân mà không có giấy phép lưu thông xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng do nhân viên bảo vệ cảng đã không thực hiện đúng quy trình kiểm soát trọng tải đối với lô hàng có tải trọng lớn. Sự việc như vậy đã nhiều lần diễn ra tại cảng và Vinalines cũng đã nhiều lần có văn bản yêu cầu Cảng Quảng Ninh phải tập trung kiểm soát tải trọng phương tiện theo các quy định của Bộ GTVT.
Mới đây, thực hiện chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công, Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng cũng đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác để làm rõ trách nhiệm quản lý và kiểm soát tải trọng đối với Giám đốc Chi nhánh cảng Hoàng Diệu Nguyễn Văn Thành vì để xảy ra tình trạng bốc xếp hàng quá tải. Chưa kể, nhiều mã hàng là cấu kiện máy móc, không thể tháo rời và theo quy định những mã hàng siêu trường, siêu trọng phải có giấy phép lưu hành đặc biệt, nhưng phía cảng Hoàng Diệu không có phép giấy này…
Tổng Thư ký Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, Phan Thông cho biết: Chiến dịch chống hàng quá tải tại cảng biển mà Bộ GTVT đang triển khai sẽ xử lý được từ gốc vấn đề chở hàng quá tải từ kho đến nơi tiêu thụ. Nhờ vậy, giúp giảm tải và đảm bảo an toàn cho đường bộ. Mặc dù sẽ có những ảnh hưởng đến doanh nghiệp vận tải, từ điều chỉnh số lượng xe đến số lượng lái xe, nhưng các cảng muốn hoạt động ổn định đều phải tuân thủ quy định chung.
Cảng biển nói không với xe quá tải
Theo thống kê của Bộ GTVT, tổng lượng hàng hóa vận chuyển cả nước lên đến 817 triệu tấn/năm, trong đó khối lượng vận chuyển qua đường hàng hải lên đến 370 triệu tấn, gồm cả hàng xuất và nhập. Trước khi thông qua cảng biển, hàng hóa đều được vận chuyển bằng đường bộ. Vì vậy, nếu kiểm soát tốt tải trọng tại cảng biển có thể kiểm soát gần một nửa số hàng hóa vận chuyển trên toàn quốc.
Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết: Mục tiêu kiểm soát tải trọng phương tiện nhằm bảo vệ hạ tầng giao thông, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong vận tải, giảm giá thành và tăng tính cạnh tranh. Bộ GTVT đã yêu cầu các cảng biển ký cam kết với các doanh nghiệp vận tải kiểm soát hàng hóa trước khi đến và đi khỏi cảng biển. Thời gian qua, các doanh nghiệp lớn thực hiện khá nghiêm túc, nhưng không ít doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp cổ phần nhà nước không chi phối thực hiện chưa tốt. Chủ trương của Bộ GTVT là bất kỳ cảng nào không thực hiện tốt kiểm soát xe quá tải đều bị xử lý nghiêm, nhằm thực hiện mục tiêu cuối năm 2015, cơ bản không còn xe chở quá tải trọng.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Công, Bộ GTVT sẽ tiếp tục có những chế tài mạnh đối với các chủ hàng nhằm chấn chỉnh tình trạng để lọt xe quá tải ra vào cảng. Những người thuê phương tiện phải có trách nhiệm với hàng hóa của mình và bản thân lái xe cũng chẳng muốn chở hàng quá tải mà chỉ do sức ép của chủ phương tiện. Với các doanh nghiệp Nhà nước, hay Nhà nước giữ cổ phần chi phối, Bộ GTVT sẽ quyết định kỷ luật, cách chức lãnh đạo cảng ngay. Riêng với các cảng tư nhân hay cổ phần, Bộ GTVT sẽ có văn bản yêu cầu xử lý hành chính. Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu các cảng cho Thanh tra vào tận cảng để kiểm soát xe quá tải.