Theo đánh giá xếp hạng mới nhất của tạp chí Banker, thuộc tờ Thời báo Tài chính (Financial Times - Anh), Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC) đã vượt xa các ngân hàng lớn của Mỹ để chiếm vị trí dẫn đầu trong hệ thống ngân hàng thế giới.
Lần đầu tiên ICBC được xếp hạng cao nhất trong danh mục 1000 ngân hàng hàng đầu thế giới. Ảnh minh họa. |
Đây là lần đầu tiên ICBC được xếp hạng cao nhất trong danh mục 1000 ngân hàng hàng đầu thế giới do tạp chí Banker bình chọn hàng năm.
Tạp chí này cũng lần đầu tiên hạ thứ hạng của Ngân hàng Trung ương Mỹ xuống vị trí thứ ba, trong khi ngân hàng JPMorgan Chase của Mỹ vẫn duy trì vị trí thứ 2. Năm ngoái, ICBC mới chỉ xếp thứ 3.
Việc xếp hạng được đánh giá dựa trên Chỉ số về an toàn vốn cấp 1 (Tier 1 capital), là thước đo chủ yếu đánh giá sức mạnh, tiềm lực tài chính của một ngân hàng.
Ngân hàng HSBC của Anh, thu được lợi nhuận khá nhiều từ khu vực châu Á, xếp vị trí thứ 4 trong danh mục, và tiếp đó là vị trí thứ 5 thuộc về Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB).
Trong danh sách 1000 ngân hàng hàng đầu, Trung Quốc có tới 4 ngân hàng trong Top 10, và 96 ngân hàng nằm trong Top 1000.
Bốn ngân hàng hàng đầu của Trung Quốc, ICBC, CCB, Ngân hàng Trung ương và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, đều dẫn đầu về lợi nhuận thu được năm 2012. Trong đó, ngân hàng ICBC thu được 49 tỷ USD lợi nhuận, dần đầu danh sách trong 3 năm liên tiếp.
Tổng lợi nhuận của 1000 ngân hàng lớn nhất hiện gần bằng mức đạt được trước giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007/09, tuy nhiên, đã có sự chuyển dịch rõ rệt về cơ cấu khu vực.
Tạp chí Banker cho biết, năm 2006, các ngân hàng khu vực châu Âu chiếm tới 46% tổng lợi nhuận toàn cầu và 58% tổng giá trị tài sản, tuy nhiên, năm ngoái, khu vực này đã giảm xuống dưới 2% lợi nhuận và còn 43% giá trị tài sản.
Cùng thời gian này, các ngân hàng của châu Á đã nâng mức lợi nhuận từ 19% lên 56% và tăng giá trị tài sản từ 22% lên 35%.
Cũng theo Banker, năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha bị lỗ nặng nhất, 21 tỷ bảng (tương đương 31,3 tỷ USD). "Xứ đấu bò" cũng có tới 10 ngân hàng bị thua lỗ nhiều nhất.
Lê Hoàng (theo S.N)