Ngân hàng nỗ lực ứng dụng công nghệ số 

Những chuyển biến tích cực trong thanh toán không dùng tiền mặt, một phần đến từ nỗ lực của các ngân hàng và trung gian thanh toán.

Chú thích ảnh
Khách hàng đủ điều kiện có thể đăng ký mở thẻ tín dụng, vay thấu chi trực tuyến với hạn mức được phê duyệt trước.

Lợi ích “kép” cho ngân hàng và khách hàng

Đại diện MSB cho biết: Việc ứng dụng chuyển đổi số với sản phẩm, dịch vụ tại ngân hàng đã mang lại lợi ích “kép” cho ngân hàng và khách hàng, góp phần thúc đẩy thanh toán không tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam.

Hiện, ứng dụng MSB mBank đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng, từ gửi tiền, thanh toán và vay 100% số hóa. Đơn cử có thể kể đến công nghệ xác thực trực tuyến (eKYC), mở tài khoản online chỉ trong một phút mà không phải ra ngân hàng hoặc công nghệ thanh toán không tiếp xúc với Samsung Pay và Contactless…

Nhờ chiến lược kinh doanh theo phân khúc cùng việc gia tăng trải nghiệm trên hành trình số, đến nay số lượng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) mới qua kênh eKYC tăng 311% và 43% so với cùng kỳ 2022. Tính tổng thể, MSB đang phục vụ trên 4,5 triệu khách hàng cá nhân và gần 72.000 khách hàng doanh nghiệp.

''Sự đầu tư nghiêm túc vào 2 dự án công nghệ trọng điểm là Nhà máy số (Digital Factory) và Hiện đại hóa hệ thống ngân hàng lõi (Core Banking) đã giúp ngân hàng không chỉ tối ưu trải nghiệm khách hàng mà còn nâng cao hiệu suất nội bộ'', đại diện MSB cho biết.

Agribank cũng đang nỗ lực không ngừng trong việc ứng dụng công nghệ số. Hiện, Agribank đã hoàn thành kết nối hạ tầng thanh toán tới các địa phương, đơn vị là các bộ/cục/cơ quan để cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến cho các nhóm dịch vụ trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia gồm: Thanh toán phí, lệ phí thủ tục hành chính; nộp thuế cá nhân; nộp bảo hiểm xã hội; nộp thuế, lệ phí trước bạ về đất đai; nộp phạt xử lý vi phạm hành chính; nộp tạm ứng án phí…

Agribank đã phối hợp triển khai phương thức thanh toán dịch vụ công trực tuyến qua tài khoản hoặc ngân hàng điện tử Agribank E-Mobile Banking, E-Banking. Những phương thức này cho phép người dân dù ở bất kì nơi đâu có thể truy cập Cổng dịch vụ công Quốc gia và thanh toán trong ứng dụng thanh toán của ngân hàng nhanh chóng. 

Không chỉ ngân hàng, các trung gian thanh toán cũng nỗ lực mang đến các giải pháp thanh toán dịch vụ công hiện đại. Ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập MoMo cho biết: MoMo là một trong những ví điện tử đầu tiên kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia. Với lượng khách hàng trẻ, thành thạo công nghệ, lượng thanh toán qua MoMo đã tăng trưởng mạnh qua mỗi năm, chiếm 33,7% tổng giao dịch qua cổng dịch vụ công quốc gia trong năm 2022. 

''Việc triển khai thí điểm VietQR thanh toán, mở rộng hình thức thanh toán điện tử trong các lĩnh vực giao thông, giáo dục, tổ chức… đã thúc đẩy khách hàng chi tiêu, thanh toán không tiền mặt’, ông Nguyễn Quang Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết.

Đáng chú ý số lượng giao dịch VietQR trung bình/ngày gấp 7 lần giao dịch rút tiền mặt. Hàng tháng có hơn 20 triệu người sử dụng ứng dụng ngân hàng để quét mã VietQR; hơn 11 triệu mã VietQR được sử dụng để nhận tiền, trung bình gần 3 triệu mã VietQR mới được tạo mới/tháng. Nhờ đó, VietQR góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và phổ cập tài chính toàn diện quốc gia.

Giảm thời gian và chi phí giao dịch 

Đề cập về kết quả thanh toán điện tử trong khu vực chính phủ, dịch vụ hành chính công, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ Trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết: Việc phối hợp thu NSNN qua ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục được chú trọng và tăng cường. 

Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với NHNN đẩy mạnh công tác phối hợp thu NSNN với các NHTM. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH) của NHNN đã được kết nối với toàn bộ 63 Kho bạc Nhà nước (KBNN) cấp tỉnh trong cả nước, đáp ứng được nhu cầu thu, chi ngân sách của người dân và doanh nghiệp một cách nhanh chóng, kịp thời. NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động đầu tư cơ sở hạ tầng và công nghệ kết nối với các cơ quan liên quan (Thuế, Hải quan, KBNN) cải tiến, đa dạng hóa các kênh thu, nộp thuế, tạo nhiều tiện ích và thuận lợi cho doanh nghiệp và cá nhân nộp thuế. 

KBNN đã triển khai phối hợp thu NSNN và thanh toán sản phẩm điện tử với 20 NHTM hoạt động an toàn, ổn định, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định của Bộ Tài chính, góp phần tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực thu NSNN.

Trong lĩnh vực hải quan, tỷ lệ thu qua các NHTM phối hợp thu và KBNN tăng từ 53% (2014) lên 62,86% (2015), 87,63% (2016) và 99,8% (2022); cơ quan hải quan chỉ thu bằng tiền mặt đối với cá nhân có hoạt động xuất nhập khẩu.

''Tuy nhiên, hành lang pháp lý trong lĩnh vực TTKDTM cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện để phù hợp với các sản phẩm, dịch vụ mới, nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực thanh toán'', ông Phạm Anh Tuấn cho biết.

Theo lãnh đạo NHNN, việc thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ như: Viện phí, học phí, tiền nước ở một số tỉnh, nhất là các tỉnh miền núi còn thấp; phạm vi triển khai chủ yếu tập trung vào nhóm đối tượng khách hàng tại khu vực thành thị, điều kiện kinh tế phát triển, thu nhập ổn định, đối tượng khách hàng là công chức, viên chức (cá biệt có tỉnh Đắk Nông còn chưa có khoản thu liên quan đến viện phí qua ngân hàng). Nhiều người cao tuổi đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội không muốn sử dụng thanh toán qua ngân hàng vì sợ rủi ro, trục trặc kỹ thuật khi sử dụng.

Do vậy thời gian tới, theo ông Phạm Anh Tuấn, NHNN sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách cho hoạt động TTKDTM, thanh toán điện tử nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ nhằm khuyến khích phát triển thanh toán điện tử, hạn chế sử dụng tiền mặt và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán; chỉ đạo nâng cấp, phát triển Hệ thống TTĐTLNH, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử.

''Tiếp tục ứng dụng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động, như: Thanh toán qua QR Code, mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán di động (Mobile Payment), thanh toán phi tiếp xúc (Contactless), Ví điện tử tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp'', đại diện NHNN cho biết. 

Ngoài ra, triển khai có hiệu quả Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” nhằm từng bước làm sạch cơ sở dữ liệu khách hàng… để phát triển các ứng dụng nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công.

Minh Phương/Báo Tin tức
Phát động thanh toán không dùng tiền mặt tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Phát động thanh toán không dùng tiền mặt tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Sau Lễ phát động Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), quận Hoàn Kiếm sẽ chọn những tuyến phố đặc thù như phố đi bộ, phố sách, phố ẩm thực, một số trung tâm thương mại, chợ truyền thống… để gắn biển công nhận "Tuyến phố không dùng tiền mặt", từ đó nhân rộng mô hình trên toàn địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN