Ngân hàng Nhà nước hút thanh khoản dư thừa từ phát hành tín phiếu

Chỉ trong vòng 10 ngày (từ ngày 11/3 đến 20/3), Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp tổ chức 8 phiên chào bán tín phiếu với tổng khối lượng trúng thầu lũy kế đạt gần 115.000 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, việc Ngân hàng Nhà nước chào bán tín phiếu trở lại từ phiên 11/3 sau hơn 4 tháng tạm dừng cho thấy định hướng hút bớt thanh khoản dư thừa trong hệ thống ngân hàng. Qua đó, thúc đẩy lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng tăng, hãm đà tăng của tỷ giá USD/VND. Đây là hoạt động thường thấy từ các ngân hàng trung ương và không đồng nghĩa với việc Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện đảo chiều chính sách tiền tệ.

Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước) là giấy tờ có giá ngắn hạn do Ngân hàng Nhà nước phát hành để thực hiện Chính sách tiền tệ quốc gia. Các chủ thể tham gia mua bán tín phiếu có Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng có tài khoản thanh toán bằng VND tại Ngân hàng Nhà nước.

Mục tiêu ngắn hạn khi Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu là điều tiết thanh khoản trên thị trường trong ngắn hạn để tác động đến tỷ giá. Trong dài hạn, việc phát hành tín phiếu để ổn định tỷ giá, lãi suất, thanh khoản,…để phục vụ cho mục tiêu dài hạn của chính sách tiền tệ.

Theo BSC, qua việc phát hành tín phiếu, Ngân hàng Nhà nước điều tiết thanh khoản hệ thống đang dư thừa mà tổ chức tín dụng chưa dùng đến. Đây được xem là một biện pháp giúp hạn chế hiện tượng đầu cơ ngoại tệ.

Trước đó, trong giai đoạn 2018-2023, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nghiệp vụ này đều đặn nhiều lần trong năm. Thống kê của BSC cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện hút ròng trung bình khoảng 9,7 lần/năm trong giai đoạn này. Số ngày từ đầu chu kỳ đến cuối chu kỳ trung bình/đợt là khoảng 13,4 ngày. Giá trị hút ròng trung bình/chu kỳ đạt 43.385 tỷ đồng. Giá trị hút ròng lớn nhất/chu kỳ là 191.100 tỷ đồng vào năm 2022.

BSC dự báo quy mô hút ròng (khối lượng tín phiếu phát hành lũy kế - khối lượng tín phiếu đáo hạn lũy kế) cao nhất giai đoạn này có thể vào khoảng 150.000 tỷ đồng.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, mục tiêu phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước chủ yếu là hút tiền trên thị trường trong bối cảnh đang thừa tiền, không cho vay được.

Theo Công ty Chứng khoán SSI, mục đích phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước là hút bớt thanh khoản thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá trong ngắn hạn và hạn chế tác động lên mặt bằng lãi suất ở thị trường. Động thái này cũng có thể được xem như một cách thức điều chỉnh thanh khoản ngắn hạn trên trên hệ thống.

SSI cũng cảnh báo rằng, áp lực tỷ giá trên thị trường quốc tế vẫn khá mạnh, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ phải thực hiện các biện pháp mạnh hơn, bao gồm việc cân nhắc tăng kỳ hạn tín phiếu hay thanh tra việc mua bán ngoại tệ ở các ngân hàng thương mại.

Trước động thái hút về lượng lớn tín phiếu, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng lại giảm sâu xuống thấp hơn cả mức ghi nhận trước khi kênh tín phiếu được khởi động trở lại. Theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước công bố, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm khoảng 90% giá trị giao dịch) đã giảm về còn 0,5% trong phiên 18/3 từ mức 0,79% ghi nhận vào cuối tuần trước.

Lãi suất các kỳ hạn chủ chốt khác cũng xuống thấp hơn mức ghi nhận trước phiên 11/3: kỳ hạn 1 tuần giảm từ 1% xuống 0,81%; kỳ hạn 2 tuần giảm từ 1,47% xuống 1,17%; kỳ hạn 1 tháng giảm từ 2,05% xuống 1,6%. Đồng thời, tỷ giá USD tại các ngân hàng tăng.

Ngày 21/3, giá đồng USD tại Vietcombank được niêm yết ở mức 24.580 - 24,950 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng 30 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với hôm qua. Tại BIDV, giá đồng bạc xanh được niêm yết ở mức 24.630 - 24.940 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng 30 đồng ở cả chiều mua vào bán ra so với hôm qua. Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng nay được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.005 VND/USD, tăng 6 đồng so với chốt phiên hôm qua.

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc lãi suất liên ngân hàng giảm trở lại đi cùng số lượng thành viên tham gia chào thầu tín phiếu vẫn ở mức khá cao cho thấy thanh khoản hệ thống vẫn còn khá dồi dào, cùng với áp lực tỷ giá vẫn hiện hữu nên khả năng Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục phát hành thêm tín phiếu trong những phiên giao dịch tới.

Thùy Dương (TTXVN)
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hút gần 15.000 tỷ đồng tín phiếu
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hút gần 15.000 tỷ đồng tín phiếu

Ngày 13/3, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào thầu thành công 14.999,7 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 1,4%/năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN