Càng về cuối năm, các ngân hàng (NH) càng chạy đua nước rút để hoàn thành kế hoạch doanh thu. Theo các NH, tuy nguồn thu từ lãi tín dụng giảm nhưng nguồn thu từ hoạt động dịch vụ lại tăng lên. Có được kết quả này là nhờ các NH tập trung đổi mới kênh phân phối, dịch vụ.
Đổi mới kênh phân phối, dịch vụ
Bà Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu trong thời gian qua, các ngân hàng muốn tăng doanh thu buộc phải đổi mới kênh phân phối, dịch vụ. Trong đó, kênh phân phối hoạt động bán lẻ được các NH khai thác mạnh, góp phần giảm thanh toán bằng tiền mặt.
Khách hàng khai báo sử dụng thẻ tín dụng, Internet banking tại Ngân hàng ANZ.CTV |
Trong khi đó, theo ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, mặc dù kênh bán lẻ của các NH đã có từ lâu, nhưng do ít được chú trọng nên nguồn doanh thu từ kênh này rất ít. Tuy nhiên, trong năm 2013, nhiều NH đã tập trung vào lĩnh vực này nên doanh số bán lẻ cao hơn bán buôn. Trong số các tổ chức tín dụng (TCTD), NH công bố báo cáo tài chính quý III, có đến 8 ngân hàng có lợi nhuận thuần từ hoạt động dịch vụ bán lẻ cao hơn so với những năm trước đó.
Theo NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh, có 3 NHTM nhà nước công bố số thu lãi từ dịch vụ rất cao, gồm: BIDV với 1.791 tỷ đồng, Vietcombank với 1.179 tỷ đồng, Vietinbank với 1.092 tỷ đồng. Các NHTMCP như Sacombank cũng đạt mức lãi từ dịch vụ đến 774 tỷ đồng; MB 603 tỷ đồng và ACB 563 tỷ đồng. Mới đây, VPBank cũng cho biết, đơn vị này có nguồn thu từ dịch vụ chiếm hơn 50% lợi nhuận trước thuế.
Ông Lê Công, Tổng Giám đốc MB cho hay, nếu mảng dịch vụ bán lẻ của các NH trước đây chủ yếu tập trung vào phát hành thẻ tín dụng, thanh toán quốc tế, chuyển tiền... thì nay chuyển sang dịch vụ Internet banking (giao dịch qua Internet) và Mobile banking (giao dịch qua điện thoại). Đây là kênh tiềm năng và là cơ hội tốt cho các NH cạnh tranh phát triển. Có thể thấy, 35 - 36% dân số đã tiếp cận với Internet. Theo đó, dịch vụ thanh toán qua Internet cũng phát triển mạnh.
Mạnh tay cắt giảm nhân sự
Việc ngân hàng hối hả chạy đua bán lẻ cũng là nguyên nhân khiến thị trường nhân sự xáo trộn mạnh trong hai năm gần đây. Theo đó, đã có hàng ngàn nhân viên NH đã bị sa thải, hoặc bị điều chuyển sang mảng kinh doanh, tín dụng, phát hành thẻ... Khảo sát của Công ty Towers Watson cho thấy, tỷ lệ nghỉ việc của nhân viên ngành NH năm 2013 khoảng 15%.
Theo ông Đỗ Minh Toàn, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), để tăng doanh thu từ dịch vụ, NH buộc phải cắt giảm nhân sự ở các mảng khác. Song song đó, NH cũng phải tuyển thêm nhân viên kinh doanh, đồng thời sử dụng tối đa công nghệ để giảm chi phí trả lương cho nhân viên.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Trần Thị Hồng Hạnh cho biết: Với cuộc chiến giành thị phần của các NHTM ngày càng khốc liệt, các ngân hàng bán lẻ phải tạo bước đột phá, trên cơ sở quản trị rủi ro, đổi mới kênh phân phối, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ mới với hàm lượng công nghệ cao. Theo đó, việc cắt giảm nhân sự ở những mảng không đem lại hiệu quả giúp tránh gánh nặng về chi phí cũng như tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh cho NH.
Bà Nguyễn Tú Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ Thẻ Smartlink cho biết, với sự chạy đua dịch vụ NH bán lẻ, các NH đang chứng tỏ vai trò của mình trong 3 năm trở lại đây. Chẳng hạn, các NH lớn Vietcombank, Vietinbank huy động vốn từ bán lẻ chiếm hơn 50% tổng huy động; thu từ dịch vụ bán lẻ chiếm 12 - 15%. Ở các ngân hàng nhỏ hơn, con số này lần lượt là 80% và 20%. Hiện nay, ngoài ATM và POS, các ngân hàng cũng quan tâm đến Mobile banking, Internet banking...
Bà Nguyễn Tú Anh cho rằng, với trên 33 triệu người sử dụng Internet đang thực hiện các giao dịch điện tử, trong tương lai, xu hướng thanh toán điện tử sẽ dần thay cho các giao dịch truyền thống.
Hải Yên