Theo thông tin từ Hiệp hội Thẻ Việt Nam, trong năm nay sẽ chưa vội thu, tăng phí ATM nội và ngoại mạng, cần phải có lộ trình cơ chế tính phí, biểu mẫu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rồi mới đề xuất. Thế nhưng, trên thực tế ngay từ đầu tháng 4/2012 đã có nhiều ngân hàng “âm thầm” thu phí.
Tăng cả phí nội mạng và ngoại mạng
Ngân hàng làm cho khách hàng bất ngờ nhất trong việc thu phí ATM phải kể đến là Techcombank. Từ 3.300 đồng phí ngoại mạng, ngân hàng tăng lên 5.500 đồng/giao dịch. Và đi đôi với tăng phí, những ngày cuối tuần các hệ thống máy ATM luôn trong tình trạng hết tiền.
Chị Hà Linh, tại quận 9, TP.HCM, cho biết: “Do được trả lương qua Techcombank, nên tôi phải giao dịch với ngân hàng này. Với mức phí giao dịch tăng cao, tôi thấy rất bất ngờ”. Theo chị Hà Linh, các máy ATM chỉ cho rút tối đa mỗi lần từ 1 triệu hoặc 1,5 triệu đồng. Chính vì vậy, khi cần số tiền lớn, khách hàng buộc phải giao dịch nhiều lần. Theo đó, việc tăng phí giao dịch lên mức 5.500 đồng cho một lần giao dịch cũng khiến các khách hàng rất băn khoăn, nhất là khi phải rút nhiều tiền.
Để tăng thu phí ATM, các ngân hàng cần nâng cao chất lượng dịch vụ. Ảnh: Lê Phú |
Không “âm thầm” tăng phí ngoại mạng như Techcombank, nhưng các ngân hàng khác lại “âm thầm” thu phí giao dịch nội mạng. Như ngân hàng BIDV 2.200 đồng/giao dịch, Agribank, Vietcombank 3.300 đồng/giao dịch... Điều đáng nói, việc thu phí này lại không được thông báo rộng rãi, vì thế nhiều khách hàng sau khi đến ATM chuyển khoản nội mạng mới biết. Tuy nhiên, theo đại diện Vietcombank thì từ ngày 1/4, ngân hàng đã dán thông báo điều chỉnh một số loại phí đối với thẻ ghi nợ Connect24 và thẻ Visa tại các trụ ATM và ngân hàng. Cụ thể, phí quản lý tài khoản thẻ 3.300 đồng/tháng; phí chuyển khoản tại ATM trong và ngoài hệ thống là 3.300 đồng/giao dịch. “Thế nhưng, thông báo qua tin nhắn điện thoại thì ngân hàng lại “lờ” đi”, chị Minh Yên, ngụ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM, bức xúc.
Lý giải vì sao Hiệp hội Thẻ Việt Nam bảo chưa mà ngân hàng đã thu phí, nhân viên giao dịch tại ngân hàng Vietcombank tại quận 1 cho biết: Nguyên nhân là ngân hàng không thể tiếp tục gánh “lỗ” cho chi phí duy trì và bảo dưỡng các hệ thống ATM sau thời gian dài miễn phí. Hiện nay, ngân hàng phải mất hơn 50 triệu đồng/tháng để bảo dưỡng một máy ATM. Trong khi đó, tiền khách hàng gửi tại tài khoản ATM, ngân hàng không thể “sử dụng” được.
Thừa nhận vấn đề này, bà Nguyễn Thu Hà, Chủ tịch Hiệp hội Thẻ Việt Nam cho hay: Việc đầu tư cho hệ thống ATM ngốn chi phí rất lớn, trong khi các ngân hàng không có nguồn thu đối với khoản đầu tư cho hệ thống ATM. Thực tế, trong số tiền từ 3.000 - 5.000 đồng tiền phí ngoại mạng (chưa tính thuế VAT) hiện các ngân hàng đang thu của chủ thẻ, thì có 1.500 đồng được chuyển cho các tổ chức chuyển mạch thẻ. Các ngân hàng thanh toán chỉ còn giữ được 1.500 - 3.500 đồng/giao dịch. Trong khi đó, mức chi phí bình quân mà ngân hàng thanh toán phải bỏ ra cho mỗi giao dịch tại ATM là trên 7.000 đồng. Chưa kể, thời gian gần đây chi phí đầu tư còn tăng thêm do các ngân hàng phải tăng cường an ninh, báo động trước tình trạng máy ATM liên tục bị tấn công.
Thu hẹp địa điểm đặt máy ATM
Tính đến cuối tháng 4/2012, cả nước đã có 52 tổ chức đăng ký phát hành thẻ với hơn 300 thương hiệu thẻ, số lượng thẻ trong lưu thông đạt hơn 44,6 triệu thẻ (tăng gấp 12 lần so với cuối năm 2006). Trong đó, thẻ ghi nợ chiếm khoảng 94%, thẻ tín dụng chiếm khoảng 2,5%, thẻ trả trước chiếm khoảng 3,5%. Với cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động thanh toán thẻ, đến cuối tháng 4/2012 đã có trên 13.700 ATM và gần 83.000 POS (điểm thanh toán chấp nhận thẻ) được lắp đặt (tăng tương ứng gấp 6 và 5,9 lần so với cuối năm 2006). |
Trước việc phải bù lỗ để duy trì hoạt động hệ thống ATM, liên tục trong thời gian qua các ngân hàng đã đề xuất tăng, thu phí ngoại và nội mạng. Tuy nhiên, đề xuất này vẫn chưa được sự đồng tình của NHNN cũng như khách hàng bởi còn nhiều điểm chưa hợp lý. Vì thế, nhiều ngân hàng đã thu hẹp địa điểm đặt máy ATM để tiết giảm chi phí.
Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á cho hay, mảng dịch vụ thẻ của ngân hàng trước nay luôn lỗ nhưng vẫn duy trì vì tạo ra giá trị lớn trong việc thu hút khách hàng. Do đó, thời gian tới, ngân hàng sẽ bố trí lại địa điểm đặt máy ATM theo hướng tập trung mỗi buồng 2 - 4 máy để tiết giảm chi phí, đặt ở địa điểm khách có thể giao dịch 24/24 giờ, có bảo vệ canh giữ.
Tuy nhiên, theo người dân nếu muốn thu và tăng phí nội, ngoại mạng, ngân hàng cần nâng cao chất lượng dịch vụ. Thực tế cho thấy, hiện các dịch vụ thẻ của ngân hàng còn rất đơn điệu ở chuyển tiền, nạp tiền điện thoại, thanh toán vé máy bay, taxi. Một số lĩnh vực khác như du lịch, thanh toán và tiêu dùng cao cấp còn hạn chế. Mặt khác, việc tăng phí ATM có thể khiến lượng người sử dụng tiền mặt tăng lên còn số dư tiền gửi tại các tài khoản thẻ lại giảm. “Điều này cũng đồng nghĩa đi ngược với mục tiêu của Chính phủ về hạn chế sử dụng tiền mặt, tăng cường chi tiêu qua thẻ. Hơn nữa, việc tốn phí rút tiền qua ATM có thể khiến người dân tới rút tiền tại các ngân hàng và dẫn đến tình trạng quá tải”, Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bày tỏ lo ngại.
Hải Yên