Điều này thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về các nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội và Chính phủ để ổn định và phục hồi kinh tế vĩ mô, củng cố nền tảng chính trị - xã hội.
Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), đã trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.
Moody’s nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam từ BA3 lên BA2 có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Việc nâng hạn tín nhiệm là đánh giá của các nhà đầu tư quốc tế, hay người cho vay đến khả năng trả nợ của một quốc gia có tốt hay không. Do đó, nâng hạng đồng nghĩa với việc họ đánh giá tốt hơn so với trước đây. Vì vậy, chi phí đi vay sẽ giảm đi bao gồm cả khu vực nhà nước, khu vực doanh nghiệp khi bước chân vào thị trường.
Moody’s nâng hạng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên mức Ba2 phản ánh đánh giá của tổ chức này về sức mạnh kinh tế ngày càng được tăng cường và khả năng chống chịu của Việt Nam trước các cú sốc vĩ mô bên ngoài được ghi nhận là tốt hơn so với các nước cùng mức xếp hạng tín nhiệm thể hiện hiệu quả chính sách được cải thiện.
Moody’s đánh giá nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, đa dạng hóa xuất khẩu và khả năng tiếp tục thu hút dòng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất chế biến chế tạo. Kết quả nâng hạng cũng phản ánh nền tảng tài khóa vững chắc được hỗ trợ bởi chi phí vay được kiểm soát ở mức hợp lý, điều hành chính sách tài khóa cẩn trọng và thanh khoản của danh mục nợ Chính phủ được cải thiện.
Điều này cũng phản ánh xu hướng Chính phủ chuyển đổi dần từ vay ưu đãi nước ngoài sang huy động vốn vay trên thị trường trong nước với chi phí thấp và kỳ hạn dài hơn.
Tổ chức Moody’s nâng định mức tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động và thách thức là hết sức tích cực. Điều này thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về các nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam để ổn định và phục hồi kinh tế vĩ mô, củng cố nền tảng chính trị - xã hội; nỗ lực của Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan trong việc truyền tải các chính sách, thành tựu của Việt Nam đến các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và tổ chức quốc tế.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp dẫn đến hơn 30 lượt hạ bậc tín nhiệm trên thế giới trong 8 tháng năm 2022, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và là một trong bốn quốc gia trên toàn thế giới, được Moody’s nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay.
Vậy, việc nâng hạng này sẽ có tác động tốt như thế nào tới việc thu hút dòng vốn đầu tư trong thời gian tới?
Khi các quốc gia đánh giá mức độ tín nhiệm cao hơn đồng nghĩa với việc sẵn sàng đầu tư vốn vào Việt Nam với niềm tin lớn hơn khi khả năng mất vốn thấp đi thì sẽ tập trung vốn vào nhiều hơn với chi phí sẵn sàng sẽ rẻ hơn.
Cho nên, Việt Nam được nâng hạng tín nhiệm sẽ giúp cho việc huy động các nguồn vốn từ khu vực bên ngoài vào trong nước tốt hơn. Đối với khu vực Nhà nước, việc nâng hạng đồng nghĩa với việc huy động vốn bên ngoài sẽ rẻ hơn giúp các doanh nghiệp dựa trên mức sàn của Chính phủ sẽ huy động vốn rẻ hơn và các nhà đầu tư sẽ đầu tư vào các khu vực của nền kinh tế.
Theo ông, đâu là những điểm nhấn đáng chú ý cho việc nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam?
Có hai yếu tố quan trọng trong việc Moody’s nâng hạng cho Việt Nam từ BA3 lên BA2 là sức mạnh kinh tế và nền tảng về chính sách tài khóa.
Sức mạnh kinh tế được thể hiện ở khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, khả năng chống chọi của nền kinh tế trước các cú sốc từ bên ngoài của Việt Nam đoạn vừa qua tốt hơn hẳn các nước đồng hạng.
Yếu tố thứ hai là nền tảng về chính sách tài khóa. Việt Nam đã thực hiện chính sách tài khóa thận trọng. Lạm phát, bội chi được hạn chế, giảm xuống, nợ công được quản lý, kiểm soát chặt chẽ cũng như tái cơ cấu nợ công rất hiệu quả. Chi phí đi vay của Việt Nam đang thấp xuống và đang chuyển dần từ vay nước ngoài sang vay trong nước là chính. Đây là hai yếu tố hai yếu tố cơ bản để đánh giá trong thời gian vừa qua để nâng hạng Việt Nam.
Trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện giải pháp gì để có thể đạt được những bước nâng hạng tiếp theo đạt mức "Đầu tư"?
Có 2 yếu tố phải quan tâm và làm tốt hơn là sức mạnh về thể chế và quản trị. Cùng với đó là các cải cách của các khu vực của ngân hàng và khu vực doanh nghiệp nhà nước để giảm thiểu các rủi ro có thể có.
Đối với nghĩa vụ, sức mạnh thể chế và quản trị thể hiện ở tính hiệu lực, hiệu quả của các chính sách và thực thi chính sách. Quản trị thể hiện việc công bố công khai, kịp thời và đầy đủ các chỉ số về quản trị.
Đối với cải cách khu vực ngân hàng phải nâng cao tính hiệu quả của thực thi chính sách tiền tệ; tăng khả năng giám sát của khu vực ngân hàng và kiểm soát chất lượng tài sản.
Còn đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn còn đang hiện hữu tỷ lệ tương đối lớn và việc kiểm soát khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng như giảm thiểu nghĩa vụ nợ dự phòng từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đối với nghĩa vụ ngân sách.
Từ nay đến năm 2030, Chính phủ Việt Nam chủ động có đề án để từng bước tiến tới xếp hạng Đầu tư vào năm 2030. Với nền tảng về kinh tế, với quyết tâm về chính trị của Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng như với với các bước đi đã được định hình, cùng sự quyết tâm bền bỉ, kiên trì chúng ta sẽ đạt được mục tiêu xếp hạng lên mức “Đầu tư” vào năm 2030.
Khi đạt mức "Đầu tư" có nghĩa nhà đầu tư sẽ tin tưởng đủ khả năng trả nợ. Với các tiêu chí của Moody’s thì chúng ta còn có 2 bậc nữa, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings (S&P) S còn 1 bậc và Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings là 2 bậc.
Tôi tin rằng, trong thời gian tới dưới sự chỉ đạo của Đảng, của Chính phủ, toàn hệ thống chính trị sẽ quyết tâm để đạt được mục tiêu đề ra. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Moody’s, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng như tổ chức quốc tế khác để tiếp tục có đánh giá đầy đủ và cập nhật về hồ sơ tín dụng của Việt Nam.