Năm 2016 đã có 88 DN có sản phẩm đạt THQG, trong đó có 23 DN đã 5 lần đạt THQG. Việc có nhiều doanh nghiệp đạt THQG sẽ giúp khẳng định sức cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ Việt Nam ở cả thị trường trong nước và quốc tế.
Chủ động ứng phó với cạnh tranh và hội nhập
Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của các DN Việt Nam hiện nay phải cạnh tranh rất lớn với các DN nước ngoài ở cả thị trường trong nước và quốc tế. Các DN nước ngoài thường có ưu thế lớn so với DN trong nước về tiềm lực tài chính, công nghệ. Do đó, để có thể tồn tại và cạnh tranh với DN nước ngoài, các DN đạt THQG đã có nhiều cách làm tiên phong, đổi mới và sáng tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nhựa Tiền Phong, DN được công nhận THQG 2016 cho biết, DN đã có chiến lược đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, trong đó, ưu tiên đầu tư chiều sâu để đổi mới công nghệ sản xuất. Chính nhờ chính sách đầu tư này mà công ty đã tạo ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng hàng đầu trong ngành nhựa Việt Nam. Những sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu nhựa Tiền Phong cũng đã vươn ra thị trường các nước khó tính như: Australia, Newzealand. Hiện nay, DN đang đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tại Lào và tiếp tục tiến công ra thị trường châu Á. “Nếu không làm ra được những sản phẩm có chất lượng cao, có năng suất cao, có giá thành hợp lý thì DN không thể cạnh tranh được ở thị trường trong nước chứ chưa nói đến xuất khẩu.”, ông Trần Bá Phúc khẳng định.
Sản xuất bồn rửa inox tại Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà. |
Cùng với việc hội nhập của nền kinh tế Việt Nam, Công ty cổ phần quốc tế Sơn Hà, từ vị trí một DN tư nhân có quy mô nhỏ bé cũng đã vươn lên mạnh mẽ để trở thành một DN hàng đầu về sản xuất hàng gia dụng và trở thành DN lần đầu tiên đạt THQG. Hiện nay, các sản phẩm thiết bị nhà bếp, nhà tắm, đồ điện lạnh như bồn nước, chậu rửa inox... của Sơn Hà đã chiếm lĩnh thị phần cao ở thị trường trong nước.
Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần quốc tế Sơn Hà cho biết, trước đây, các sản phẩm như bình nước inox, chậu rửa inox trên thị trường đa phần là hàng nhập khẩu từ Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc)... Tuy nhiên, sau nhiều năm nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, đến nay, các sản phẩm trong nước của Sơn Hà và các công ty trong nước khác đã hoàn toàn chiếm lĩnh thị trường nội địa, đẩy lùi hàng nhập khẩu. Sơn Hà còn xuất khẩu được sản phẩm tới hơn 30 thị trường khác nhau trên thế giới. Trong đó, sản phẩm chủ lực được xuất khẩu là các ống inox phục vụ cho sản xuất công nghiệp. Sản phẩm này đã được xuất khẩu sang thị trường Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Âu, Trung Đông, Ấn Độ...
“Để việc hội nhập có thể mang lại nhiều cơ hội hơn thách thức DN phải chuẩn bị sẵn sàng tâm thế hội nhập. Công ty Sơn Hà nhận thấy, tiến trình hội nhập mang lại nhiều cơ hội để các DN trong nước hợp tác với các đối tác nước ngoài. Hiện nay, công ty đang chuẩn bị có liên doanh hợp tác với đối tác nước ngoài để sản xuất bình nước nóng cung cấp cho thị trường châu Âu. Đối tác này cũng mong muốn liên doanh với DN tại Việt Nam để sản xuất ra những sản phẩm tốt, giá thành hạ để cung cấp cho thị trường châu Á và xuất khẩu sang cả thị trường châu Âu”, ông Lê Vĩnh Sơn cho biết thêm.
Đối với lĩnh vực sản phẩm hàng hóa dịch vụ, các công ty bảo hiểm trong nước cũng đang chịu nhiều áp lực cạnh tranh với DN nước ngoài khi thị trường Việt Nam đã có mặt rất nhiều DN bảo hiểm hàng đầu thế giới đến từ Mỹ, Anh, Nhật Bản... Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Tổng Công ty Bảo hiểm Bưu điện Việt Nam (PTI), đơn vị vừa đạt THQG cũng đã có những bước phát triển vượt bậc để trở thành đơn vị bảo hiểm lớn với doanh thu mỗi năm đã vượt con số 3.000 tỷ đồng. Đến nay, PTI có gần 2.000 cán bộ nhân viên và hơn 18.000 điểm bán hàng để cung cấp sản phẩm và dịch vụ rộng khắp toàn quốc. PTI đang dẫn đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ về độ phủ của mạng lưới cũng như tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm liên tục.
Bà Lưu Phương Lan, Phó Tổng giám đốc PTI cho biết, các DN nước ngoài tuy có ưu thế về tiềm lực tài chính nhưng lại thua các DN Việt Nam về sự am hiểu thị trường Việt Nam, nhu cầu của khách hàng Việt Nam. Do đó, PTI đã mang đến cho khách hàng nhiều loại sản phẩm bảo hiểm phù hợp. Cho đến nay, bên cạnh sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới, DN đang chuẩn bị cho cung cấp thêm sản phẩm bảo hiểm bệnh hiểm nghèo... rất phù hợp với số đông người Việt Nam.
Quảng bá cho chương trình THQG
Với những nỗ lực của cộng đồng DN, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam gặp nhiều khó khăn thách thức, các DN THQG vẫn tăng trưởng và phát triển vững mạnh.
Ban Thư ký Chương trình THQG cho biết, hầu hết các DN đều duy trì tốc độ tăng trưởng cao cả về lợi nhuận và doanh thu, giữ vững thị trường nội địa và phát triển thị trường xuất khẩu, đặc biệt có DN tăng trưởng gần 70%. Những đóng góp của các DN đạt THQG vào nền kinh tế Việt Nam là vô cùng to lớn. Tổng doanh thu năm 2015 của các DN này đạt hơn 662 nghìn tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2013. Giá trị xuất khẩu đạt hơn 2 tỷ USD và đóng góp cho ngân sách Nhà nước là 59.093 tỷ đồng tăng hơn 27,6% so với năm 2013 với khoảng nửa triệu lao động đã được tạo công ăn việc làm tại các DN trên. Công tác xã hội và từ thiện cũng đã được các DN này tích cực thực hiện khi đã đóng góp gần 2.326 tỷ đồng trong năm 2015.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập ngày càng lớn, các DN cũng cho rằng, cần tiếp tục truyền thông quảng bá cho chương trình này để Việt Nam có nhiều DN đạt được giá trị THQG. Ông Nguyễn Hoa Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (GELEX) cho biết: “Là DN nhiều lần đạt THQG, GELEX nhận thức rất rõ giá trị của chương trình. Khi đã đạt được THQG, DN không chỉ có trách nhiệm với thương hiệu của DN mà còn có trách nhiệm xây dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn chưa biết đến chương trình THQG. Đặc biệt, DN rất mong muốn được chương trình hỗ trợ về kinh nghiệm xây dựng thương hiệu, quảng bá thương hiệu tại thị trường nước ngoài...”.
Cùng với đó, cộng đồng DN cũng mong muốn Chính phủ tiếp tục đổi mới hơn nữa môi trường kinh doanh để tạo điều kiện cho DN phát triển. Theo đánh giá của các DN đạt THQG, mặc dù môi trường kinh doanh đã được cải thiện, song DN vẫn còn gặp khó khăn về các thủ tục thuế, hải quan, tiếp cận đất đai...
“Các DN mong muốn Chính phủ tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, ổn định cho các DN phát triển. Nếu Việt Nam có nhiều DN đạt THQG thì đó là thực tiễn sinh động chứng minh vị thế của DN trên thị trường trong nước và quốc tế. Hơn nữa, điều đó cũng rất cần thiết để xây dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia có uy tín về sản phẩm hàng hóa và dịch vụ”, ông Trần Bá Phúc đánh giá.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Không vì thành tích mà nâng số lượng DN THQG là chương trình duy nhất của Chính phủ nhằm xây dựng, quảng bá hình ảnh THQG thông qua việc xây dựng hình ảnh sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Năm đầu tiên tổ chức chương trình (2008), chỉ có 30 DN đạt THQG nhưng đến năm nay đã có 88 DN được vinh danh. Những tiêu chí để chọn lựa DN đạt THQG được các chuyên gia trong và ngoài nước lựa chọn kĩ càng. Tôi xin khẳng định không vì thành tích hay bất kì sức ép nào để nâng số lượng DN đạt THQG. Tất cả các DN được chọn lựa đều phải đạt các tiêu chí của chương trình, không phân biệt DN lớn hay nhỏ. Việc các DN đạt THQG được vinh danh trong lễ công bố chỉ là bước khởi đầu của DN. Sau đó DN phải tiếp tục nỗ lực để bảo vệ thương hiệu bởi sau 2 năm sẽ tổ chức bình chọn lại. Nếu DN không đạt được tiêu chí sẽ không được công nhận THQG nữa. Sau lễ công bố THQG, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng DN để xây dựng thương hiệu vươn tầm quốc tế. Khi DN có thương hiệu đạt giá trị quốc tế thì sẽ mang lại hình ảnh cho cả DN và chương trình THQG. Có thể nói điểm yếu của Việt Nam khi so sánh với nước ngoài là DN Việt Nam đa phần là DN có quy mô nhỏ. Những DN lớn lại tập trung vào lĩnh vực bất động sản. Vì vậy, cần chú trọng hỗ trợ DN phát triển vào những lĩnh vực sản xuất hàng hóa theo định hướng phát triển của kinh tế Việt Nam. Ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Phó Tổng thư ký Ban Thư ký Chương trình Thương hiệu Quốc gia: Sẽ nghiên cứu đổi mới chương trình Chương trình hướng tới 3 giá trị: Chất lượng - Đổi mới sáng tạo - Năng lực tiên phong với hệ thống tiêu chí rất khắt khe. So với các chương trình thương hiệu khác thì có thể nói đây là chương trình nghiêm túc nhất, tiêu chí cao nhất. Từ năm 2017 trở đi, chương trình THQG sẽ có nhiều sự thay đổi để phù hợp với sự thay đổi của thị trường, nền kinh tế và quá trình hội nhập. Có thể chúng tôi sẽ thay đổi bộ tiêu chí xét chọn DN, các giá trị cũng được cân nhắc thay đổi để có thể thu hút nhiều DN tham gia hơn nữa. Chúng tôi sẽ xin ý kiến các chuyên gia để cập nhật các tiêu chí phù hợp nhất. |