Nâng cao giá trị đặc sản cá bổi U Minh

UBND tỉnh Cà Mau đang nỗ lực chỉ đạo triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành hàng cá bổi U Minh theo hướng nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, phòng ngừa dịch bệnh.

Phơi cá bổi tại hộ gia đình ở ấp Đá Bạc A, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Ảnh: Thanh Hà/TTXVN

Theo định hướng phát triển ngành hàng đặc sản đến năm 2020, Cà Mau dự kiến quy hoạch diện tích nuôi cá bổi đạt 500 ha với sản lượng đạt 7.500 tấn, tăng 4.830 tấn so với năm 2016, trong đó áp dụng nuôi cá bổi theo hướng VietGAP là 400 ha.

Ngoài ra, tỉnh tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung gắn với đầu tư công nghệ chế biến, mở rộng thị trường tiêu thụ góp phần nâng cao thu nhập cho người nuôi.

Cùng đó, chú trọng việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã và thiết lập chuỗi giá trị ngành hàng cá khô bổi U Minh để nâng cao sức cạnh tranh cũng như khai thác sử dụng có hiệu quả nhãn hiệu tập thể cá bổi U Minh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh còn tập trung cải thiện chất lượng con giống, quy trình kỹ thuật nuôi, quản lý môi trường, dịch bệnh, tăng nâng suất và chất lượng. Mặt khác, xây dựng hoàn chỉnh các chuỗi liên kết từ hộ nuôi cho tới doanh nghiệp chế biến mặt hàng cá bổi xuất khẩu; từng bước áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình nuôi nhằm tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người nuôi cá bổi trên địa bàn tỉnh.

Cà Mau có nghề nuôi thủy sản phát triển mạnh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích nuôi cá đồng lớn nhất của cả nước với hai hệ sinh thái đặc trưng mặn, ngọt. Tuy nhiên, nếu nuôi cá nước ngọt mà chủ yếu là cá bổi thì huyện U Minh, Thới Bình và Trần Văn Thời có tiềm năng và lợi thế lớn nhất. Người dân ở các huyện nói trên có điều kiện áp dụng mô hình kết hợp nuôi cá bổi đan xen trên ruộng lúa và rừng tràm.

Theo nhận định từ cơ quan chức năng tỉnh, đây là mô hình được đánh giá là tiềm năng và chủ động trong các ngành hàng theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2015 -2020, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Trong năm 2016, Cà Mau có diện tích nuôi cá bổi đạt hơn 260 ha, sản lượng cá bổi thu hoạch đạt 2.670 tấn/năm, diện tích nuôi tập trung nhiều nhất tại hai huyện U Minh và Trần Văn Thời. Tuy vậy, cứ vào vụ thu hoạch cá bổi hàng năm nông dân Cà Mau lại lo lắng về giá cả và thị trường tiêu thụ.

Ông Nguyễn Đồng Khởi, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời cho rằng, cá bổi nuôi theo hình thức sinh thái cho chất lượng rất cao nhưng nguồn cá bổi ở một tỉnh lân cận vận chuyển đến địa phương tiêu thụ đã "lấn át" cá bổi đặc sản vùng rừng U Minh Hạ. Đây là nguyên nhân dẫn đến giá cá bổi sụt giảm mạnh, khiến nhiều hộ nuôi cá bị động về đầu ra và nguồn thu giảm mạnh.

Kim Há (TTXVN)
Mật ong không rõ nguồn gốc lấy thương hiệu mật ong U Minh hạ
Mật ong không rõ nguồn gốc lấy thương hiệu mật ong U Minh hạ

Tin từ UBND huyện U Minh (Cà Mau) cho biết, ngày 22/3, huyện đã có báo cáo nhanh số 02/BCN-UBND về việc một số người vận chuyển ong nuôi và mật ong từ tỉnh ngoài về huyện U Minh nuôi và bán mật với thương hiệu mật ong U Minh hạ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN