Tỉnh Nam Định đang đưa ra các giải pháp tập trung khắc phục thiệt hại về hoa màu, hỗ trợ người dân ổn định đời sống, hoạt động sản xuất sau mưa lũ.
Sau cơn bão số 3, nước lũ trên sông Đào dâng cao khiến 3.600 m2 cúc giống và cúc ăn hoa của ông Trần Văn Lý, xóm Hồng Hà 2, phường Mỹ Tân, thành phố Nam Định bị mất trắng, ước tính thiệt hại khoảng 300 triệu đồng. Khi nước đang dần rút, ông Lý ra đồng tháo giấy bóng, bạt che, khung, điện thắp sáng... trên các luống hoa chờ nước rút hẳn sẽ tiến hành lật đất, xuống giống để kịp phục vụ cho thị trường hoa Tết.
Ông Trần Văn Lý cho biết, nếu thời tiết tạnh ráo, nước rút nhanh, khoảng 12 - 15 ngày nữa người trồng hoa sẽ có thể cày phơi đất và xuống hạt giống. Tuy nhiên, hiện nay con giống để gieo lại cũng rất khó khăn vì hầu hết các giống hoa tại đây đều bị ngập, người dân sẽ phải chờ mua giống ở các tỉnh miền trong.
Là một trong những hộ trồng hoa lâu năm tại phường Mỹ Tân, ông Đặng Văn Tuyển, xóm Hồng Hà 2 cho biết, nhà ông có trên 700 m2 hoa cúc đang bắt đầu ra nụ, chuẩn bị thu hoạch và khoảng 500 m2 cúc giống, lũ ập đến khiến toàn bộ diện tích hoa bị mất trắng, ước tính thiệt hại khoảng 200 triệu đồng, cơn lũ này thiệt hại quá lớn, thiệt hại không chỉ 1 năm mà còn phải 2 - 3 năm sau người trồng hoa mới khôi phục lại kinh tế như lúc ban đầu. Hơn nữa, hiện nay các giống hoa đang đắt gấp 2 - 3 lần so với thông thường, nhưng người dân vẫn phải mua để khôi phục sản xuất.
Ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch UBND phường Mỹ Tân, thành phố Nam Định cho biết, nước lũ trên sông dâng lên quá nhanh khiến toàn bộ nhà cửa và khoảng 230 ha diện tích trồng hoa của các hộ dân ở ngoài đê bị ngập, địa phương đã phải sơ tán dân vào trong đê để bảo đảm an toàn. Hiện nay nước đang rút dần, địa phương đang vận động người dân dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, thu dọn đồng ruộng, cày đất, xuống giống để kịp cho vụ hoa Tết.
Mưa lớn kéo dài cũng khiến trên 18 nghìn ha lúa, chiếm 26% diện tích toàn tỉnh Nam Định bị ngập úng nặng; trong đó, khoảng 6.700 ha bị ngập trắng. Hiện ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định đang chỉ đạo các địa phương phối hợp cùng Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tập trung huy động mọi lực lượng, các phương tiện máy móc để bơm tiêu úng cứu lúa nhằm hạn chế tối đa tình trạng ngập úng và giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất.
Ông Khương Văn Toàn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hưng cho biết, mưa lũ đã khiến trên 1.100 ha lúa hè thu tại địa phương bị ảnh hưởng, trong đó có trên 50 ha bị thiệt hại rất nặng từ 50 - 70%. Hiện, Công ty khai thác công trình thuỷ lợi huyện đang phối hợp với các xã, thị trấn tập trung khoanh vùng, tổ chức bơm tiêu nước chống úng cho lúa và hoa màu.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, từ ngày 6 - 12/9, trên địa bàn toàn tỉnh Nam Định có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến trên 300 mm, có nơi xấp xỉ 500mm. Mưa lớn gây ngập úng nặng trên 18.100 ha lúa (chiếm 26% diện tích), trong đó khoảng 6.760 ha ngập trắng; tổng diện tích rau màu bị thiệt hại khoảng 3.800 ha; trên 2.145 cây hoa, cây cảnh các loại bị thiệt hại... Ước tính thiệt hại khoảng trên 500 tỷ đồng. Hiện nay, việc tiêu úng đang gặp rất nhiều khó khăn do nước trên các sông Đào, sông Ninh Cơ, sông Hồng còn rất cao.
Để khắc phục, giảm thiểu thiệt hại về hoa màu giúp người dân nhanh chóng ổn định sản xuất, ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định đang hướng dẫn người dân tranh thủ thu hoạch những diện tích hoa màu đã đến thời kỳ thu hái để đảm bảo năng suất. Với những diện tích không có khả năng phục hồi, sau khi nước rút người dân cần tiến hành thu gom tiêu hủy, vệ sinh đồng ruộng. Chủ động gieo trồng lại những loại rau ngắn ngày, rau ăn lá nhằm cung cấp rau kịp thời cho thị trường. Đồng thời yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước các loại vật tư nông nghiệp như giống cây trồng, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật… không để xảy ra tình trạng khan hiến, thiếu các loại vật tư nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Hữu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định khuyến cáo, đối với diện tích lúa đã trỗ bông và bị đổ, người dân cần buộc, dựng (buộc từ 3 - 4 khóm/cụm) để cho cây đứng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lúa vào chắc, chín. Với những diện tích lúa đang làm đòng, chuẩn bị trỗ bông, người dân cần nhanh chóng khoanh vùng và ưu tiên tiêu thoát nước kịp thời không để thời gian ngập đòng lâu, cây lúa sẽ ung thối đòng.