Mưa lớn kéo dài đã làm trên 1.100 ha lúa mùa tại huyện ven biển Nghĩa Hưng bị ngập; trong đó có 49ha bị thiệt hại rất nặng từ 50-70%, trên 24ha bị thiệt hại từ 30-50%; trên 50ha hoa màu, rau màu bị thiệt hại hoàn toàn. Để bảo vệ diện tích lúa và hoa màu, địa phương đã huy động tối đa phương tiện máy bơm điện, bơm dầu để bơm cưỡng bức kết hợp với tháo nước nhanh khi triều xuống để tiêu nước nhanh nhất trên các cánh đồng.
Ông Vũ Văn Nhiệm, Cụm phó cụm thuỷ nông số 3, Công ty TNHH Khai thác công trình thuỷ lợi Nghĩa Hưng cho biết, các vùng ngập nặng nhất là xã Nghĩa Lâm, Nghĩa Hải và Nghĩa Hùng. Công ty đã triển khai 100% các trạm bơm điện cố định để bơm nước, ngoài ra những vùng khác sẽ huy động máy bơm cơ động của công ty cũng như của người dân để bơm nước chống úng cho lúa. Dự kiến từ 2-3 ngày sẽ khắc phục xong những diện tích bị ngập.
Theo ông Khương Văn Toàn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hưng, huyện đã chỉ đạo công ty khai thác công trình thuỷ lợi phối hợp với các xã, thị trấn tập trung khoanh vùng tổ chức bơm tiêu từ ngày 8/9 và tiếp tục bơm đến khi nước rút. Đối với diện tích rau màu bị thiệt hại khuyến cáo người dân cần dọn sạch tàn dư thực vật, thân lá bị dập, nát do mưa bão và tiến hành trồng dặm bảo đảm mật độ và tận thu những diện tích rau màu bị ảnh hưởng sau bão.
Tại huyện Vụ Bản gió bão kết hợp với mưa lớn đã làm đổ 375ha lúa mùa. Theo ông Trần Đăng Lạp, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thuỷ lợi huyện Vụ Bản, để chủ động ứng phó với mưa bão ngay từ ngày 3/9, công ty đã chỉ đạo các trạm bơm tiến hành bơm tiêu nước đệm nên khi bão vào mực nước trên cánh đồng không cao. Tuy nhiên, một số diện tích lúa tại vùng trũng vẫn bị ngập, công ty đã yêu cầu Trạm bơm Cốc Thành hoạt động hết công suất để bơm nước ra đồng nhanh nhất. Đến thời điểm hiện tại mực nước đã ở mức an toàn cho lúa.
Ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định cũng đã yêu cầu các địa phương chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt giống rau để sẵn sàng gieo trồng lại. Khẩn trương tiêu rút triệt để nước đệm trên các tuyến kênh mương, đặc biệt là những vùng trũng; tăng cường nạo vét mương máng, khơi thông dòng chảy, huy động tối đa mọi phương tiện máy bơm điện, bơm dầu để bơm nước bảo vệ lúa mùa.