Sau hơn 9 năm triển khai, chương trình củng cố, nâng cấp đê biển đã mang lại hiệu quả giúp tỉnh Nam Định phòng chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai và nước biển dâng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đắp gia cố các điểm xung yếu tại đê Cồn Xanh, Nghĩa Hưng, Nam Định. |
Theo chương trình này, Nam Định đã hoàn thành nâng cấp 64 km đê biển xung yếu (kết cấu mặt đê rộng 5 m, được gia cố bằng bê tông M250, dày 20 cm, đủ cao trình chống với mức gió bão cấp 10, mức triều tần suất 5%), xây dựng mới 9 cống qua đê, 64 mỏ kè giữ bãi, bảo vệ đê. Trên tuyến đê sông, tỉnh nâng cấp 45 km đê; xây mới hàng chục công qua đê, bê tông hóa hơn 100 km mặt đê.
Ông Bùi Hữu Cường, Trưởng Phòng quản lý xây dựng công trình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, cho biết: Xác định công tác phòng chống lụt bão là nhiệm vụ trọng tâm và trên cơ sở khảo sát thực trạng đê điều, Nam Định đã tiến hành sắp xếp thứ tự ưu tiên để lập dự án đầu tư theo nguyên tắc, theo đó ưu tiên là các đoạn đê tràn cơ và hư hại trong đợt bão số 7 năm 2005, tiếp đến là các đoạn xung yếu, trực diện với biển. Nam Định có khoảng 70 dự án được Chính phủ phê duyệt với tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng.
Việc củng cố, nâng cấp đê biển, đê sông ở trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng được yêu cầu của công tác phòng chống lụt bão, ngăn nước biển, bảo vệ dân sinh, góp phần phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đặc biệt, cơn bão số 8 năm 2012 có cường độ cấp 11, giật cấp 12-13 đã không ảnh hưởng đến các tuyến đê biển của Nam Định.
Khi triển khai các dự án, nhiều tiến bộ kỹ thuật mới đã được áp dụng. Cụ thể, tại chân kè áp dụng giải pháp tạo thêm cơ giảm sóng bằng cấu kiện bê tông khối lớn. Đỉnh mái kè tường chắn sóng bằng bê tông cốt thép. Mái kè lát bằng cấu kiện bê tông hình lục lăng chống bào mòn, chống được sóng tốt hơn. Ở những vị trí đê trực diện với biển (nơi thường xảy ra tình trạng bãi thoái), Nam Định đã áp dụng kỹ thuật xây dựng mỏ kỳ chữ T và hệ thống thềm giảm sóng bằng các tấm bê tông khối lớn, trên xếp cấu kiện Tetrapod. Công nghệ này đã phát huy hiệu quả, giúp tạo được bãi bồi, làm giảm độ sâu mực nước biển trước đê, hạn chế tối đa sóng vỗ vào mái đê.
Đối với đê sông, thân đê được gia cố bằng khoan phụt vữa. Mái kè được lát cấu kiện bê tông trong khung dầm bê tông cốt thép, đảm bảo chất lượng cũng như tuổi thọ cao cho công trình.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định cho biết, để tiếp tục chương trình đã được phê duyệt, trong năm 2015 và những năm tiếp theo, tỉnh Nam Định dự kiến hoàn thiện và triển khai hơn 10 dự án nâng cấp, củng cố đê biển với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó, Nam Định chú trọng tuyến đê kè dài hơn 13 km tại cửa Ba Lạt (huyện Giao Thủy) và hơn 2 km đê cửa sông Ninh Cơ với số vốn cần bố trí gần 600 tỷ đồng.
Bài và ảnh: Nguyễn Trường