Chỉ sau vài năm được nâng cấp, hơn 1.000 m đê biển thuộc địa bàn xã Nghĩa Phúc, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định đã bị nứt, lún bề mặt, có vị trí nứt rộng tới 3 - 4 cm, vết nứt dài hàng chục mét. Ở nhiều vị trí nứt lâu ngày cỏ đã mọc cao tới 15 - 20 cm. Tình trạng này nếu không được xử lý khẩn cấp, thân đê sẽ bị ảnh hưởng do nước mưa ngấm qua các vị trí nứt.Ông Trần Văn H. (trú tại xã Nghĩa Phúc) cho biết, tình trạng trên đã xuất hiện từ hơn hai năm nay, nhưng tới nay vẫn chưa có ngành chức năng nào đến khắc phục.
Vết nứt mặt đê dài hàng chục mét. |
Ông Bùi Văn Thức, Giám đốc Ban quản lý xây dựng nông nghiệp và phát triển nông thôn - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định thừa nhận có tình trạng xuống cấp của hơn 1 km đê biển xã Nghĩa Phúc. Ông cho biết, cơn bão số 7 năm 2005 đã phá gần như toàn bộ tuyến đê biển Nghĩa Phúc. Các cấp, ngành địa phương tổ chức đắp lại, lõi và thân đê chủ yếu là đất cát khai thác tại chỗ, bọc ngoài 50 cm đất thịt sau đó lát bê tông dày 20 cm trên bề mặt đê. Vì làm khẩn cấp trong thời gian ngắn nên đê yếu. Các chỗ nứt, lún hiện nay là những vị trí xung yếu nhất của đê.
Cũng theo ông Thức, sau này, khi triển khai nâng cấp tuyến đê biển, Nam Định đã làm ngược quy trình về mặt kỹ thuật vì thiếu vốn, tức làm mặt đê trước rồi mới làm mỏ kè và mái đê. Hơn nữa, trong quá trình thi công mỏ kè và mái đê, nhà thầu thi công là doanh nghiệp Xuân Khiêm (có trụ sở tại tỉnh Ninh Bình) đã sử dụng tuyến đê làm đường thi công nên cũng góp phần làm mặt xuống cấp.
Theo ông Thức, trong năm 2015 tỉnh mới có thể tiến hành khắc phục vì doanh nghiệp Xuân Khiêm vẫn đang làm dở dang 4 mỏ kè nữa. Phương thức xử lý sẽ là lát asphalt lên trên các vị trí nứt, với kinh phí 1 tỷ đồng, trong đó có phần hỗ trợ bắt buộc từ phía doanh nghiệp Xuân Khiêm.
Thuộc chương trình nâng cấp đê biển tỉnh Nam Định với nguồn kinh phí hàng nghìn tỷ đồng chủ yếu do Trung ương cấp, huyện Nghĩa Hưng có hơn 12 km trong tổng số 26,3 km đê biển được đã nâng cấp. Với kết cấu mặt đê rộng 5 m, được gia cố bằng bêtông M250, dày 20 cm, đủ cao để chống với mức gió bão cấp 10, mức triều tần suất 5%. Công trình đê sau khi được thi công được đánh giá là đáp ứng yêu cầu của công tác phòng chống lụt bão, ngăn nước biển, bảo vệ an toàn tính mạnh và tài sản của nhân dân, đồng thời bảo đảm sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nam Định có 91 km đê biển và 474 km đê sông, đến nay tỉnh đã nâng cấp được 72,7 km đê biển và gần 98 km đê sông, với tổng khối lượng công trình gần 2.600 tỷ đồng, chủ yếu là nguồn kinh phí Trung ương. Để hoàn thiện chương trình nâng cấp đê biển, đê sông, Nam Định hiện cần tới hơn 5.500 tỷ đồng nữa.
Bài và ảnh: Nguyễn Trường