Năm 2011: Bùng nổ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp? - Giảm bớt ngân hàng nhỏ

Theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2011 tiếp tục là một năm bùng nổ của các thương vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) cả về số lượng và giá trị. Nhất là trong bối cảnh thị trường Việt Nam vẫn còn được bảo hộ theo lộ trình cam kết gia nhập WTO, M&A sẽ là con đường ngắn nhất để các nhà đầu tư có tiềm năng tiếp cận thị trường mà không phải mất chi phí xây dựng thương hiệu.

Giảm bớt ngân hàng nhỏ

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn cùng với sức ép tăng vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng vào cuối năm 2011, các ngân hàng nhỏ không đủ sức cạnh tranh với ngân hàng lớn buộc phải tìm đối tác để M&A. Việc M&A này không phải là “xóa sổ” mà để tồn tại và phát triển, nâng cao năng lực.

Lớn mạnh từ M&A

Thực tế cho thấy, từ năm 2010 đến nửa năm 2011, đã có nhiều thương vụ đáng chú ý về M&A. Có thể kể đến thương vụ của Ngân hàng Commonwealth (CBA – Ôxtrâylia) mua lại 15% cổ phần của Ngân hàng Quốc tế (VIB). Ngân hàng bán lẻ hàng đầu Ôxtrâylia này còn có ý định tiến xa hơn, khi hai bên thỏa thuận CBA sẽ sở hữu lên đến 20% vốn của VIB trong năm 2011 nếu được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Ngân hàng TMCP Liên Việt đã được Chính phủ đồng ý cho mua lại Công ty Dịch vụ tiết kiệm bưu điện từ Tổng công ty Bưu chính – Viễn thông. Ảnh: internet


Tiếp đến là Ngân hàng Liên Việt (LienVietBank) được Chính phủ đồng ý cho mua lại Công ty Dịch vụ tiết kiệm bưu điện (VNPost) từ Tổng công ty Bưu chính – Viễn thông. Theo ông Nguyễn Đức Hưởng, PCT thường trực HĐQT LienVietBank, lý do để ngân hàng mua lại VNPost là mối quan tâm của ngân hàng với các tổ chức tài chính trong nước. Chính vì vậy, vụ hợp thương này đã giúp cho LienVietBank như “hổ thêm cánh” khi được tiếp nhận toàn bộ hệ thống tiết kiệm bưu điện tương đối đồ sộ và đang hoạt động hiệu quả trên toàn quốc... Có thể thấy, sau hơn ba năm thành lập, tổng tài sản của LienVietBank đã tăng gấp 5 lần, vốn điều lệ tăng gấp đôi, mạng lưới mở rộng gấp 7 lần, nhân sự tăng gấp 3 lần. Và tính đến tháng 5/2011, tổng tài sản của LienVietBank đạt trên 40.000 tỷ đồng, vốn điều lệ đạt 5.650 tỷ đồng. Điều được nhất, theo ông Nguyễn Đức Hưởng là “rút ngắn được khoảng cách 100 năm phát triển so với một ngân hàng thương mại trung bình muốn trở thành một ngân hàng có thế mạnh về bán lẻ, với số lượng điểm giao dịch lớn nhất nước”.

Cơ hội trong thách thức

Ngoài những thương vụ sáp nhập trên, ngành ngân hàng cũng ghi nhận có 4 thương vụ M&A khác đã được thực hiện như Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Viettinbank) bán 10% cổ phần cho Công ty Tài chính quốc tế (IFC), Ngân hàng An Bình (ABBank) bán 600 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho IFC và Maybank, Ngân hàng Phát triển Mê Công (MDB) bán 15% cổ phần cho đơn vị đầu tư thuộc Temasek. Từ nay đến cuối năm, những đơn vị đã có hoạt động M&A sẽ tiếp tục thực hiện việc mua bán và sáp nhập.

Hoạt động M&A trong lĩnh vực ngân hàng sẽ giảm bớt các ngân hàng nhỏ, nâng cao tính cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh.


Có thể thấy, hoạt động M&A trong lĩnh vực ngân hàng đang ngày trở nên phổ biến, mạnh lên cả về số lượng và giá trị các thương vụ. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là “mảnh đất” màu mỡ với nhiều điều kiện thuận lợi để hoạt động M&A phát triển. Tuy nhiên, ông Tô Hải – Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho rằng: “Hoạt động M&A trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng vẫn khó hơn các lĩnh vực khác và chỉ hoạt động “ngầm” là chủ yếu. Nói cách khác, việc M&A được tiến hành, nhưng công bố cụ thể, đầy đủ về giá trị thương vụ hay các điều khoản liên quan đối với lĩnh vực tài chính, ngân hàng là điều khó xảy ra”.

Theo ông Tô Hải, vì đây là lĩnh vực đặc thù, hơn nữa là lĩnh vực huyết mạch của nền kinh tế nên dù đã mở cửa theo lộ trình, nhưng vẫn có những mức độ ràng buộc nhất định. Do đó, khó có thể mong chờ một quy mô lớn, hay một thương vụ ồn ào. Cụ thể, trong năm 2010, tuy các ngân hàng nhỏ khó khăn trong việc huy động vốn để đạt mức vốn tối thiểu 3.000 tỷ đồng, nhưng các ngân hàng vẫn chưa có ý định sáp nhập với nhau do vấn đề hậu sáp nhập đối với lĩnh vực này khá phức tạp. Trong khi đó, việc thâu tóm ngân hàng sẽ khó thực hiện, vì luật quy định một tổ chức chỉ được sở hữu 15% vốn của ngân hàng, mỗi cá nhân chỉ sở hữu 15% vốn ngân hàng. Do đó, tiến hành M&A trong lĩnh vực này đòi hỏi những yêu cầu riêng, bởi lợi nhuận được sinh ra qua một quy trình vận hành các sản phẩm dịch vụ, tài chính. Vì vậy, giải bài toán này đồng nghĩa phải dùng tiền... mua tiền.

Tuy nhiên, TS.Nguyễn Mạnh Dũng - Phó TGĐ Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cho rằng, M&A giúp các ngân hàng thu hút được thêm vốn và nguồn nhân lực giỏi, đồng thời phát triển hệ thống công nghệ thông tin, mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng thị phần, thu được lợi thế về quy mô, tăng hiệu quả hoạt động, từ đó làm tăng lợi nhuận. Lợi ích này đã trở thành động lực thúc đẩy các ngân hàng tìm kiếm các đối tác phù hợp để tham gia các hoạt động M&A.

Ý kiến:

Ông Phạm Quang Huy – TGĐ CTCK Dầu khí (PSI):
M&A thành công là tạo ra giá trị mới
M&A không nhất thiết là các bên phải mua – bán lượng lớn cổ phần, mà có thể chỉ với một lượng mua nhỏ, các bên hợp tác cùng phát triển một thị phần mới, phát triển một sản phẩm mới hoặc phát triển một hệ thống khách quan mới. Điều quan trọng nhất trong một thương vụ M&A là chủ thể hình thành sau đó phải tạo ra giá trị mới cho cả bên mua và bên bán.

Ông Nguyễn Thành Long – Phó vụ trưởng Vụ Quản lý Quỹ, UBCKNN:
DN cần bảo vệ mình trước khả năng bị thâu tóm
Hoạt động M&A có thể là thân thiện, dựa trên sự đồng thuận của tất cả các bên, nhưng cũng có thể là không thân thiện – được gọi là hoạt động thâu tóm. Do đó, rất nhiều doanh nghiệp đang lo lắng bị thâu tóm sau khi niêm yết. Để hạn chế các hoạt động bị thâu tóm, các doanh nghiệp có thể sử dụng một số quy định quản trị công ty để phòng ngừa theo nguyên tắc làm tăng tối đa chi phí cho hoạt động thâu tóm, làm giảm mức độ kiểm soát của bên đi thâu tóm sau khi M&A. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng có thể thực hiện được dễ dàng. Do đó, UBCKNN đang hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến M&A để hoạt động M&A được minh bạch, đồng thời bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư.


Hải Yên
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN