Do đặc thù về địa hình núi đá vôi cao và dốc đứng nên để thu hái na, người dân ở huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đã sáng tạo ra cách vận chuyển na từ trên đỉnh núi xuống đó là sử dụng ròng rọc (hay còn gọi là hệ thống tời).
Dọc tuyến quốc lộ 1A thuộc địa bàn các xã Chi Lăng, thị trấn Đồng Mỏ, thị trấn Chi Lăng, xã Mai Sao…, hàng chục hệ thống ròng rọc được vận hành để tải hàng chục nghìn tấn na từ vườn nằm sâu trong các thung lũng, đỉnh núi xuống đường lớn để tiêu thụ. Điều này không chỉ tiết kiệm nhân lực, thời gian, tránh được sự cố ngã núi khi người dân thu hái mà còn hạn chế thấp nhất những va đập, giữ được mẫu mã đẹp cho na.
Chị Vi Thị Thi, người trồng na tại thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng phấn khởi cho biết, trước đây, khi chăm sóc cũng như thu hái, bà con vẫn phải tự gánh thủ công, sử dụng sức người là chính. Khoảng hơn chục năm trở lại đây, bà con nhàn hơn rất nhiều khi có hệ thống ròng rọc vận chuyển đồ đạc, phân bón, cũng như hỗ trợ vận chuyển na từ núi về. Người dân chỉ cần lên đến vườn, sau khi thu hái, tập trung na lại ở điểm thả ròng rọc, từ đây dây cáp sẽ kéo na xuống cho người phía dưới núi thu nhận và chở đến nơi tiêu thụ. Như vậy, đỡ vất vả hơn nhiều so với thu hái thủ công.
Là thương lái thu mua na đến từ tỉnh Bắc Giang, chị Vi Thị Duyên cho hay, khi vào vụ na mỗi ngày tôi thu mua khoảng từ 2 - 3 tấn na. Nhìn chung, chất lượng quả na năm nay đồng đều, nhiều quả to tròn, mẫu mã trắng đẹp. Giá bán cao hơn so với năm ngoái, trung bình giao động từ 30 - 50 nghìn đồng/kg; loại quả to đẹp hơn thì 70 - 80 nghìn đồng/kg. Thị trường tiêu thụ na năm nay khá sôi động và kéo dài nên giá cả ổn định hơn.
Na Chi Lăng có hương vị và đặc điểm khác biệt so với những giống na ở những vùng khác. Quả na Chi Lăng có hai loại na dai và na bở; quả thường vỏ mỏng, màu xanh nhạt, kẽ mắt trắng hồng, cùi dày, ít hạt, vị ngọt thanh, thơm ngon đặc trưng.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng, năm 2023 ước tính sản lượng na thu hoạch vào khoảng 23.000 tấn (bao gồm cả na trái vụ). Huyện Chi Lăng có tổng diện tích trồng na hơn 2.500 ha; trong đó, diện tích đang cho thu hoạch khoảng 2.000 ha; giá trị kinh tế ước đạt trên 700 tỷ đồng/năm.
Diện tích na sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP đạt 740 ha. Nhờ phát triển cây na mà nhiều hộ dân đã có thu nhập khá từ vài chục đến vài trăm triệu đồng mỗi năm; nhiều thôn bản từ nghèo khó nay đã có từ 60 - 70% hộ giàu.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng Lương Thành Chung cho biết, để góp phần đảm bảo quyền lợi về kinh tế cho người trồng, ngay từ đầu vụ na, địa phương đã tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp, hợp tác xã thu mua nông sản trên địa bàn cũng như tại các địa phương khác để thỏa thuận tiêu thụ sản phẩm.
Hiện đã có 6 doanh nghiệp, hợp tác xã thỏa thuận thu mua thường xuyên với bà con trồng na trên địa bàn với giá ổn định và luôn đảm bảo cao hơn so với giá thị trường.
Ngoài ra, để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm Na, chính quyền huyện Chi Lăng đã tích cực xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong và nước ngoài, thúc đẩy tìm kiếm liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, định hướng phát triển vùng sản xuất tập trung, đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc và kiểm tra an toàn thực phẩm, có tiêu chuẩn đáp ứng thương hiệu, thị trường khó tính.
Đặc biệt, nhiều nông dân trên địa bàn huyện đã mở gian hàng trên các sàn thương mại điện tử, trực tiếp livestream "bán na tại vườn" qua các ứng dụng mạng xã hội… qua đó bắt kịp xu thế công nghệ trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Chi Lăng Vi Nông Trường thông tin: "Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo mở rộng và nâng cao diện tích trồng na trên địa bàn; cùng đó là tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như cắt gọt, tỉa cành, thâm canh na rải vụ, gối vụ… để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.
Cùng với đó, huyện chỉ đạo các cấp địa phương vùng trồng na tích cực mở các gian hàng trên các trang thương mại điện tử; chính quyền huyện sẽ kết nối với các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các ngân hàng để phục tráng lại các giống na quý của địa phương và hỗ trợ vốn cho người dân trồng na…".
Hiện thương hiệu Na Chi Lăng đã được thị trường trong nước biết đến, được phân phối trong hệ thống các siêu thị, cửa hàng thực phẩm lớn, với xu hướng ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.
Năm 2011, na Chi Lăng được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Na Chi Lăng" cho sản phẩm Na quả của huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn; được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục đặc sản "Na Chi Lăng" của tỉnh Lạng Sơn và công nhận nằm trong Top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam (theo Bộ tiêu chí công bố giá trị đặc sản Việt Nam).
Thương hiệu na Chi Lăng đã được Tổng Hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tôn vinh, trao giải thưởng cúp Vàng và chứng nhận đạt Top 10 Thương hiệu Vàng Nông nghiệp Việt Nam năm 2018, 2019.