Quang cảnh một công trường xây dựng ở New York, Mỹ ngày 2/11. Ảnh: AFP/TTXVN |
Dù Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh đến việc tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 17 năm và thị trường Phố Wall chinh phục các mức cao kỷ lục mới, các nhà kinh tế lo ngại về một chỉ dấu thường là tín hiệu báo trước một cuộc suy thoái - đó là đường cong lãi suất.
Nhà kinh tế trưởng của FTN Financial, Christopher Low cho biết kể từ năm 1950, mỗi cuộc suy thoái đều được báo hiệu bằng sự đảo ngược của đường cong lãi suất (trái phiếu).
Đường cong lãi suất là đồ thị biểu hiện mức chênh lệch giữa lãi suất trái phiếu chính phủ (nợ) ngắn hạn và dài hạn của Mỹ, thường là giữa trái phiếu kỳ hạn hai năm và kỳ hạn 10 năm. Thông thường, trái phiếu ngắn hạn thì lãi suất thấp và trái phiếu dài hạn thì lãi suất cao do rủi ro lớn hơn.
Tuy nhiên, trong năm qua, đường cong lãi suất đi ngang khi lãi suất trái phiếu ngắn hạn tiến gần tới mức lãi suất trái phiếu dài hạn, có thể báo hiệu sự giảm sút lòng tin vào hoạt động của nền kinh tế trong những năm tới.
Chênh lệch lãi suất trái phiếu kỳ hạn hai năm và kỳ hạn 10 năm giảm từ 135 điểm cơ bản vào tháng 12/2016 xuống còn 51 điểm cơ bản vào ngày 15/12 vừa qua, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2007 - thời điểm ngay trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Tình hình có thể tồi tệ hơn nếu đường cong lãi suất đảo ngược, tức lãi suất trái phiếu ngắn hạn cao vượt lãi suất lãi suất trái phiếu dài hạn và nếu giới chức phớt lờ cảnh báo.
Theo nhà kinh tế trưởng Gary Duncan của Oxford Economics, sự đảo ngược này có thể đang báo hiệu sự suy giảm của nền kinh tế.
Ông Gregori Volokhine, hiện làm việc cho Meeschaert Financial Services, giải thích sự đảo ngược của đường cong lãi suất cho thấy các nhà đầu tư không tin tưởng vào nền kinh tế trong tương lai.
Nguyên nhân chính đằng sau việc đường cong lãi suất đi ngang là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 5 lần kể từ cuối năm 2015, trong đó có ba lần trong năm nay, và dự kiến sẽ thêm ba lần trong năm tới.
Lãi suất trái phiếu dài hạn biến động theo những dự báo về tăng trưởng và lạm phát. Trong khi triển vọng tăng trưởng được điều chỉnh tăng cho năm tới, một phần nhờ việc cắt giảm thuế doanh nghiệp được Quốc hội thông qua, mục tiêu lạm phát mà Fed đề ra sẽ chưa đạt được cho tới năm 2019.
Trong lịch sử phát triển của nền kinh tế Mỹ, thông thường đường cong lãi suất đảo ngược trong 4-6 quý thì suy thoái bắt đầu diễn ra.
Tất nhiên không phải mọi đường cong lãi suất bằng phẳng "đi ngang" đều là tín hiệu của nguy cơ suy thoái, và một số nhà kinh tế cũng có chung quan điểm với Chủ tịch Fed Yellen rằng lo ngại ở thời điểm này là quá vội vã.