Từ đầu tháng 9, nước từ thượng nguồn sông Cửu Long đổ về chảy vào các kênh rạch, tràn vào những cánh đồng. Mặc dù vẫn còn ở mức thấp so với nhiều năm trước, những khi con nước tràn về mang theo phù sa và tôm cá cùng các loài sản vật thiên nhiên cũng là lúc người dân tất bật mưu sinh với hy vọng có thêm nguồn thu nhập cải thiện cuộc sống.
Tất bật mưu sinh
Sau thời gian dài chờ đợi, con nước đỏ màu phù sa đã chạy vào các dòng kênh, tràn vào các cánh đồng. Đến các xã vùng thượng nguồn sông Cửu Long ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, dễ dàng nhìn thấy hình ảnh con nước nhảy bờ tràn vào các cánh đồng đã thu hoạch. Cùng với đó là cảnh người dân tất bật mưu sinh, khai thác các nguồn lợi thiên nhiên trong mùa lũ.
Mới hơn 4 giờ sáng, trong cái lạnh hanh hao của buổi sớm mai nơi đầu nguồn biên giới, vợ chồng anh Nguyễn Văn Vĩnh, ở xã Phú Hữu (An Phú, An Giang) đã giong thuyền ra cánh đồng trước nhà thả câu, giăng lưới. Với hơn 900m lưới, mỗi ngày cũng giúp gia đình anh Vĩnh kiếm thêm thu nhập từ 200.000đ-300.000đ/ngày.
“Cứ nghĩ năm nay lũ không về, người dân sống bằng nghề giăng lưới, thả câu mất kế sinh nhai. Nhưng may thay, lũ cũng về, dù tôm cá thu hoạch chẳng được bao nhiêu nhưng cũng đỡ hơn là không có việc làm. Hy vọng một vài ngày nữa nước sẽ lớn hơn, cá tôm sẽ về nhiều hơn” - anh Vĩnh chia sẻ.
Còn đối với vợ chồng anh Đặng Văn Đức , xã Thường Thới Hậu A (Hồng Ngự, Đồng Tháp), nghề đặt dớn bắt cá mang lại cho họ nguồn thu nhập kha khá trong mùa nước nổi. Vui mừng đón những mẻ cá đầu tiên, anh Đức cho biết: Sống trong vùng rốn lũ, mỗi năm khi con nước về, người dân ở đây tận dùng các ngư cụ như lưới, dớn, lợp, lờ, .. khai thác sản vật từ lũ.
Công việc tuy vất vả, thường bắt đầu từ đêm khuya cho đến rạng sáng nhưng đổi lại có thêm ít thu nhập giữa những tháng nông nhàn. Mỗi đêm đánh cá, người dân có thể kiếm khoảng chục kg cá đặc sản như cá linh, cá heo hay vài chục ký cá mồi (loài cá tạp dùng làm thức ăn chăn nuôi), bán ra cũng được vài trăm ngàn.
Dạt qua các cánh đồng rộng lớn ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An, không khí mưu sinh cùng con nước diễn ra khá rộn rã. Người đặt dớn, đặt lợp, người giăng lưới thả câu, ai ai cũng tranh thủ con nước để kiếm thêm thu nhập nhằm cải thiện cuộc sống. Cảm tưởng như họ đang khá vội vã trong nỗi lo con nước về nhỏ, sẽ nhanh rút đi và nguồn lợi thủy sản cũng rút theo.
Anh Lâm Văn Đẳng (ngụ xã Vĩnh Đại, Tân Hưng, Long An), cho biết: “Đợi mãi thì nước cũng về, mấy trăm chiếc lợp xếp đống ở góc nhà nay cũng có chỗ đặt. Dù nước nhỏ hơn những năm trước, cá cũng ít đi nhưng có còn hơn không. Đặt lợp mỗi đêm cũng kiếm thêm ít thu nhập trang trải cuộc sống”.
Cá tôm ít dần
Dù con nước về đã phần nào đáp ứng sự mong đợi của hàng ngàn người dân bao năm mưu sinh trong mùa lũ, nhưng nước về nhỏ, tài nguyên theo đó cũng ít dần đã làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của họ.
Theo kinh nghiệm của người dân vùng lũ, cứ vào độ tháng 4 (âm lịch) là bà con đã lo chuẩn bị ngư cụ, phương tiện khai thác thủy sản để chờ nước lũ về. Nhưng năm nay lũ về muộn, những ngư cụ như lợp, dớn, lưới… chuẩn bị xong lại được đem xếp vào góc nhà chờ đợi con nước. Mãi đến đầu tháng 8, nước lũ mới đổ về, các loại ngư cụ được ra “nằm đồng” những cá tôm thu về chẳng được bao nhiêu do lũ nhỏ.
Anh Nguyễn Văn Vĩnh (An Phú, An Giang) cho biết, với tình hình nước về muộn và thấp như hiện nay thì lượng cá tôm sẽ ít hơn so với các năm trước, nhất là cá linh một sản phẩm đặc trưng của mùa nước nổi. “Năm vừa rồi, vào tháng này nước sâu ngập đầu người luôn, tôm, cá rất nhiều; năm nay nước ít, sâu nhất chừng 7 - 8 tấc nước (70-80 cm), nên tôm, cá cũng ít theo” – anh Vĩnh nói.
Gắn bó với nghề đặt lợp cua đồng hơn chục năm nay, chưa bao giờ anh giờ anh Lê Văn Lành, ở xã Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú, tỉnh An Giang) thấy một mùa lũ “dị thường” như hiện nay.
“Chờ nước lũ về từ mấy tháng nhưng nay lũ về muộn hơn mọi năm và hiện nước đang thấp nên đặt cua cũng không được bao nhiêu; tôm, cua càng ngày càng ít, chắc phải chuyển đổi nghề khác mới sống nổi” - anh Lành than thở.
Người đánh bắt thất thu kéo théo người làm nghề sản xuất như cụ cũng bị ảnh hưởng. Tại xóm chuyên sản xuất lợp cá linh ở Cồn Cóc (xã Phước Hưng, An Phú, An Giang) không khí khá đìu hiu. Những năm trước đây, cứ mùa lũ về là cả Cồn Cóc nhộn nhịp hẳn lên, nhà nhà làm lợp, người người làm lợp.
Cái nghề này đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương, giúp họ có thêm thu nhập. Năm nay, lũ về muộn, người đặt mua lợp không nhiều nên cả Cồn Cóc chỉ còn lại vài nhà làm.
Ông Nguyễn Minh Hương, một hộ làm lợp cá linh lâu năm ở Cồn Cóc cho biết, khoảng chục năm trước thấy mà ham, mỗi năm làm mấy chục ngàn cái lợp, giao khắp các tỉnh, thành phố, có lúc bán sang tận Campuchia, lúc đó, cả xóm làm nhộn nhịp ngày đêm mới kịp giao hàng. Mấy năm nay lũ nhỏ và cá cũng ít dần nên người ta cũng bỏ nghề đặt lợp cá linh, ít người đặ mua lợp nên trong xóm chỉ còn vài nhà duy trì nghề.
Cũng như An Giang, nhiều người dân vốn quen nghề mưu sinh mùa lũ ở Long An cũng phải chịu cảnh khó khăn khi con nước ngày về càng ít, nguồn lợi thủy sản cũng vơi dần. Nhiều người phải bỏ xứ đi nơi khác làm ăn để kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống vốn đã khá eo hẹp. Người ở lại vẫn bám lấy con nước nhưng thu nhập ngày càng thấp dần do tài nguyên đang ít đi.
Anh Trần Văn Nghĩa (xã Vĩnh Đại, Tân Hưng, Long An) cho biết: “Những năm lũ về lớn, ba cha con tui đặt cả ngàn cái lợp thì mỗi ngày thu về cả triệu đồng. Mỗi mùa nước kiếm thêm vài chục triệu, cuộc sống cải thiện được phần nào. Nhưng năm nay lũ về muộn, đợi mãi không được nên hai thằng con trai phải đi nơi khác kiếm việc làm."
Không dữ dội như ở miền Trung, miền Bắc, lũ ở miền Tây hiền hòa mang theo phù sa bồi tụ cho ruộng đồng và tôm cá cho người dân. Khi lũ về lớn, con nước dâng cao thì cá tôm, sản vật cũng nhiều. Trái lại, khi lũ nhỏ, nguồn lợi thủy sản vơi dần ảnh hưởng đến sinh kế của hàng nghìn người dân vùng sông nước. Năm nay, dự báo lũ sẽ về rất nhỏ, cùng với đó là nỗi lo âu của những người bao năm sống chung với lũ.
Bài 2: Mở đồng đón phù sa