Mục tiêu trở thành doanh nghiệp phát điện hàng đầu khu vực từ chuyển đổi số

Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang hướng tới mục tiêu trở thành một trong những tổng công ty phát điện hàng đầu khu vực. Để thực hiện được mục tiêu này EVNGENCO1 đã, đang và sẽ triển khai các giải pháp gì xung quanh chiến lược chuyển đổi số?

Phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Thịnh, Thành viên HĐTV, Tổng giám đốc EVNGENCO1 xung quanh nội dung này. 

Chú thích ảnh
EVNGENCO1 đảm bảo than cho vận hành mùa khô năm 2022. Ảnh: Đức Dũng/Bnews/TTXVN

Ông có thể khái quát những thành quả nổi bật nhất mà EVNGENCO1 đã đạt được đến thời điểm này sau 1 năm thực hiện chuyển đổi số?

Với việc tiếp cận chuyển đổi số một cách nghiêm túc, thực chất, trong năm 2021, chuyển đổi số của EVNGENCO1 đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Đầu tiên có thể kể đến những sản phẩm/giải pháp chuyển đổi số bắt đầu được đưa vào ứng dụng trong hoạt động quản trị, điều hành sản xuất kinh doanh của Tổng công ty và các đơn vị thành viên, những hiệu quả trực tiếp mà chuyển đổi số đem lại.

Cụ thể, Tổng công ty đã hoàn thành nhiệm vụ hoàn thiện cơ sở dữ liệu của hệ thống phần mềm PMIS, số hoá các quy trình vận hành thiết bị, từng bước tạo ra một hệ thống cơ sở dữ liệu đồng nhất, được lưu trữ, quản lý khoa học và phù hợp để có thể khai thác cho nhiều chức năng khác nhau như sửa chữa-bảo dưỡng theo RCM, cung cấp thông tin vận hành, quản lý vật tư thiết bị xuất/nhập kho bằng QR code... Đồng thời, cơ sở dữ liệu này cũng tạo nền tảng để EVNGENCO1 áp dụng các giải pháp bảo dưỡng sửa chữa, điều tra sự cố thiết bị, quản lý/vận hành tiên tiến hơn trong tương lai gần.

EVNGENCO1 cũng triển khai một số ứng dụng chuyển đổi số như D-Office đến các đơn vị trực thuộc, triển khai được tin học hoá các tiện ích văn phòng (đăng ký nghỉ phép, văn phòng phẩm, đăng ký xe...), hoàn thành việc xây dựng phần mềm quản lý giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh trên nền tảng di động (App EVNGENCO1), ứng dụng Quản lý điều độ tàu và tự động lập kế hoạch điều độ tàu (tại Trung tâm Điện lực Duyên Hải)...

Các ứng dụng này khi được triển khai đều đem lại hiệu quả rất tốt trong hoạt động của Tổng công ty và mang đến trải nghiệm tốt hơn cho người lao động Tổng công ty trong khi thực hiện các nhiệm vụ của mình.

Là đơn vị quản lý vận hành nhiều nhà máy nguồn điện khác nhau trải dài trên cả nước, điều này gây thách thức như thế nào cho EVNGENCO1 trong chuyển đổi số?

Với đặc thù của một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất điện có nhiều đơn vị thành viên đóng quân trên nhiều địa bàn khác nhau, việc triển khai chuyển đổi số của EVNGENCO1 không thể tránh khỏi các khó khăn và thách thức.

Có thể kể đến như: Văn hóa vùng miền khác nhau đối với lực lượng lao động tại các đơn vị hay quá trình xây dựng và phát triển của các nhà máy khác nhau, có nhà máy mới, công nghệ hiện đại, lực lượng lao động trẻ nhưng cũng có những nhà máy cũ, đã hoạt động hơn 60 năm... Cùng với đó, lãnh đạo Tổng công ty luôn trăn trở với hạ tầng về thiết bị (nhất là hạ tầng về công nghệ thông tin còn khiêm tốn) và con người hiện có, mô hình chuyển đổi số nào là phù hợp? Có nên áp dụng từ Tổng công ty xuống, từ các đơn vị lên hay kết hợp cả hai? Việc thống nhất áp dụng một công nghệ số vào các hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty trong điều kiện các đơn vị đang áp dụng sẵn các công nghệ khác nhau.

Trước những vấn đề đặt ra như trên, trên cơ sở xác định được hiện trạng của mình, đánh giá được nhu cầu chuyển đổi số là cấp bách nhưng phải đảm bảo yếu tố hiệu quả, thực chất, ban lãnh đạo Tổng công ty đã thống nhất xác định mô hình triển khai sẽ theo hướng tập trung từ cơ quan Tổng công ty, sau khi triển khai thành công sẽ nhân rộng ra cho các đơn vị. Tổng công ty cũng đề ra được các giải pháp huy động được nguồn nhân lực chất lượng cao tại các đơn vị nhằm hỗ trợ cho quá trình triển khai chung của Tổng công ty như biệt phái, lập tổ công tác....

Riêng đối với việc thống nhất công nghệ áp dụng, EVNGENCO1 sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham khảo thêm ý kiến của các đối tác có kinh nghiệm để triển khai các bước tiếp theo. Mục tiêu cuối cùng là quản lý thống nhất chung mọi công nghệ cốt lõi trong Tổng công ty.

Xin ông cho biết lộ trình và những bước đi tiếp theo của Tổng công ty Phát điện 1 trong thực hiện chuyển đổi số là gì?

Trong chuyển đổi số, EVNGENCO1 cũng tự nhận thức được những điểm yếu của mình và vì vậy, để đi được xa hơn trên con đường phát triển của mình, Tổng công ty rất cần hợp tác cùng những đối tác có kinh nghiệm để hỗ trợ, tư vấn giúp trong lĩnh vực chuyển đổi số.

Sau khi tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy Tập đoàn FPT là đối tác hoàn toàn phù hợp. Do đó, EVNGENCO1 và FPT đã cùng nhau ký một thoả thuận hợp tác chiến lược về Chuyển đổi. Theo đó, FPT đang hỗ trợ Tổng công ty xây dựng lộ trình chuyển đổi số và lộ trình hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin, bảo mật giai đoạn 2022-2025, định hướng tới 2030.

Lộ trình chuyển đổi số này được xây dựng đồng bộ với chiến lược sản xuất kinh doanh tổng thể của Tổng công ty, tập trung vào 4 mục tiêu trọng tâm là vận hành nhà máy điện; tối ưu hóa quản lý tài sản; nâng cao năng lực quản trị điều hành và phát triển năng lực của lực lượng công nghệ trong các đơn vị

Chúng tôi cũng đang bám sát quá trình triển khai của FPT để cùng thống nhất cho ra một lộ trình phù hợp và khả thi nhất với EVNGENCO1 trong tương lai.

Trong việc thực hiện lộ trình này, GENCO1 mong muốn nhận được sự hỗ trợ gì từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị liên quan, thưa ông?

Là một đơn vị thành viên trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong thời gian qua, Tổng công ty luôn nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ của tập đoàn, của Ban Viễn thông và Công nghệ thông tin trong Tập đoàn,  của Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT), nhờ đó EVNGENCO1 đã đạt được những kết quả nổi bật trong chuyển đổi số.

Trong thời gian tới, để chuyển đổi số của EVNGENCO1 nói riêng và toàn EVN được hiệu quả, đồng bộ trong toàn Tập đoàn, chúng tôi mong muốn EVN có định hướng phát triển trong dài hạn các phần mềm dùng chung trong EVN để các tổng công ty có kế hoạch chủ động khai thác dữ liệu hoặc phát triển thêm ứng dụng khai thác dữ liệu phù hợp với nhu cầu của riêng mình. Đồng thời có chính sách, hướng dẫn để các tổng công ty chủ động đầu tư, xây dựng các sản phẩm công nghệ thông tin từ bên thứ 3.

Xin cảm ơn ông!

Đức Dũng/TTXVN (thực hiện)
Ban hành Quy chế hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số
Ban hành Quy chế hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Ngày 3/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 24/QĐ-UBQGCĐS ban hành Quy chế hoạt động của Ủy  ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN