Mức tăng lương tối thiểu năm 2016 sẽ đáp ứng 80% mức sống tối thiểu

Phiên họp thứ ba của Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã thống nhất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 là 12,4%, cụ thể, vùng 1 tăng 400 nghìn; vùng 2 tăng 350 nghìn; vùng 3 tăng 300 nghìn và vùng 4 tăng 250 nghìn. Nhân dịp này, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã có cuộc trao đổi với các phóng viên Thông tấn, báo chí về một số nội dung liên quan đến căn cứ tính lương tối thiểu; các giải pháp để thực hiện lộ trình tăng lương tối thiểu cho người lao động

PV: Ông có thể đánh giá sơ bộ về tình hình phiên họp lần thứ ba của Hội đồng Tiền lương Quốc gia?

Ông Phạm Minh Huân: Tại phiên họp này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra mong muốn làm sao sớm đạt được mục tiêu lương tối thiểu đáp ứng được mức sống tối thiểu theo quy định của Bộ Luật Lao động. Phía Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đưa ra các lập luận về việc tăng chi phí cũng như tác động đối với doanh nghiệp. Đây là khoảng cách giữa vấn đề thực tế và mong muốn. Nếu khả năng của doanh nghiệp tốt hơn, mức tăng lương sẽ được đi nhanh hơn để đáp ứng được mong muốn như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất.

Thứ trưởng Phạm Minh Huân. Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+


Phía các hiệp hội doanh nghiệp đề nghị mức tăng thấp hơn vì ngoài mức lương tối thiểu, việc điều chỉnh các chính sách trong quá trình hội nhập sẽ tác động lớn đến doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong quá trình tái cơ cấu. Trong quá trình hội nhập, ngoài việc phải chăm lo đời sống người lao động, doanh nghiệp sẽ phải dành chi phí đáng kể đổi mới công nghệ để có thể trụ vững và phát triển. Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã thực hiện 3 phiên họp. Các phương án của hai bên (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) đều có lý do chính đáng nhưng trong quá trình phân tích, thương lượng, Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho rằng phương án 12,4% là hợp lý.

Việc tăng lương sẽ đặt gánh nặng lên vai người sử dụng lao động. Vì vậy, nếu doanh nghiệp nào chỉ có thể chịu được mức tăng khoảng 6-8%, doanh nghiệp đó sẽ phải tiếp tục phải đẩy mạnh năng suất lao động, tìm các đơn hàng, tổ chức lao động hợp lý, tiết kiệm các chi phí để có thêm nguồn chăm lo cho người lao động, bởi người lao động chính là của cải, nguồn lực lớn giúp cho doanh nghiệp tồn tại, ổn định và phát triển.

Hội đồng Tiền lương Quốc gia mong muốn Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục động viên các doanh nghiệp tổ chức sản xuất kinh doanh với mức tiết kiệm chi phí thấp nhất, dành nguồn điều chỉnh lương cho người lao động. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục đánh giá việc thay đổi chính sách đóng bảo hiểm xã hội ở mức cao hơn để xem sự tác động và khả năng chịu đựng của doanh nghiệp như thế nào, báo cáo các cơ quan chức năng để kiến nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.

PV: Hiện nay khi tăng lương tối thiểu vùng, các doanh nghiệp lo sẽ tăng bảo hiểm xã hội. Trong điều kiện nhiều doanh nghiệp không thể chi trả được thì thực tế việc chi trả lương tối thiểu và bảo hiểm xã hội sẽ được doanh nghiệp thực hiện như thế nào? Cơ chế gì để giám sát việc thực hiện chi trả này của các doanh nghiệp không, thưa ông?

Ông Phạm Minh Huân: Hiện nay, việc chi trả lương tối thiểu theo nguyên tắc thị trường và theo thỏa thuận. Chính phủ quyết định lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để hai bên thỏa thuận, không được thấp hơn mức này, chứ không phải lấy mức lương tối thiểu để chi trả cho người lao động. Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp đều phải chi trả cho người lao động theo đúng công việc và mặt bằng tiền công trên thị trường, bởi, người lao động có quyền tự do, nếu trả lương thấp, điều kiện lao động không thuận lợi, họ sẽ chuyển sang làm việc tại doanh nghiệp khác có điều kiện tốt hơn. Đây là nguyên tắc của thị trường, vì vậy mức lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để hai bên thỏa thuận.

Về bảo hiểm xã hội, hiện nay tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội cao nhưng đóng trên nền lương thấp nên Quốc hội đã quyết định dần dần điều chỉnh chi phí đóng bảo hiểm xã hội đóng trên tổng thu nhập trong lộ trình 3 năm. Vấn đề là cần có lộ trình điều chỉnh như thế nào để từ năm 2016-2018 tăng cho phù hợp. Các cơ quan chức năng của Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sẽ phải đánh giá, xem xét, kiến nghị để thực hiện được chính sách điều chỉnh lương tối thiểu tăng lên, bảo đảm đúng luật; đồng thời thực hiện luật bảo hiểm xã hội để người lao động đang làm việc đóng bảo hiểm xã hội trong mức thu nhập hợp lý để sau này có mức lương hưu, bảo đảm cuộc sống cho phù hợp.

PV: Với việc tăng 12,4%, mức lương tối thiểu sẽ đáp ứng bao nhiêu phần trăm mức sống tối thiểu? Dự kiến đến khi nào mức lương tối thiểu sẽ đáp ứng mức sống tối thiểu, có theo đúng lộ trình không, thưa ông?

Ông Phạm Minh Huân: Trong quá trình thương lượng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Gs Nguyễn Thiện Nhân đã đưa ra phương án là cách tính dựa trên hệ số chi phí lao động 1 giờ bình quân của người lao động và GDP đầu người. (tham khảo Bài viết: "Chi phí Lao động: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất cho Việt Nam của Gs Nguyễn Thiện Nhân ngày 28/8/2015 trong đó nêu rõ yêu cầu: "Cần xây dựng lộ trình tăng lương để vừa đảm bảo khả năng thích nghi của các doanh nghiệp, vừa đảm bảo đời sống cho người lao động, tạo áp lực cần thiết để các doanh nghiệp đổi mới tư duy, đổi mới công nghệ, phát triển đúng theo quy luật là thu nhập, năng suất lao động ngày một tăng chủ yếu là do công nghệ mới, hiện đại và trình độ lao động ngày càng tăng quyết định" - Lời tòa soạn). Đây là cách tiếp cận từ mức lương trung bình.

Đối với mức lương tối thiểu cần có sự tính toán để giữa mức tối thiểu và trung bình có khoảng cách nhằm tăng tính thỏa thuận và thương lượng giữa người sử dụng lao động và người lao động. Mức tăng lương tối thiểu như hiện nay, theo tôi, sẽ đáp ứng khoảng trên 80% mức sống tối thiểu của người lao động. Khi lương tối thiểu tăng, lương trung bình tác động như thế nào sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào cơ chế thương lượng. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và hệ thống công đoàn trong các doanh nghiệp sẽ thỏa thuận với người sử dụng lao động để bảo đảm được mức lương cụ thể đáp ứng công việc cụ thể.

Kinh nghiệm của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy mức lương tối thiểu bằng khoảng 40-60% mức lương trung bình, còn lại một khoảng cách để hai bên thương lượng. Nếu quy định mức lương tối thiểu quá cao, sát với mức lương trung bình sẽ không có cơ chế thương lượng, lúc đó người sử dụng lao động và người lao động chỉ cần lấy mức lương tối thiểu để áp vào. Vấn đề này đang trong quá trình điều hành. Hiện, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã chỉ đạo bộ phận kỹ thuật đến cuối 2015, đầu 2016 sẽ chuẩn bị lại các số liệu tính toán, kể cả nhu cầu, yếu tố để xác định lại mặt bằng mới thực hiện lộ trình tăng lương tối thiểu.

Việc tính toán mức lương tối thiểu được Hội đồng Tiền lương Quốc gia tiếp cận bằng hai cách. Thứ nhất là tiếp cận từ nhu cầu mức sống tối thiểu. Thứ hai là cách Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân gợi ý. Hai cách tính này cũng cho kết quả gần giống nhau. Theo quy định, sau 5 năm, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ xem xét lại mặt bằng nhu cầu mức sống tối thiểu để có sự điều chỉnh cho phù hợp…

PV: Xin cảm ơn ông!


Phúc Hằng (TTXVN)
Đề xuất mức tăng lương tối thiểu năm 2016 là 12,4%
Đề xuất mức tăng lương tối thiểu năm 2016 là 12,4%

Hội đồng Tiền lương Quốc gia chọn mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 là 12,4%. Cụ thể, vùng 1 tăng 400.000; vùng 2 tăng 350.000; vùng 3 tăng 300.000 và vùng 4 tăng 250.000.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN