Mua tạm trữ lúa gạo – Giải pháp điều tiết thị trường

Chủ trương thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ đông xuân 2012-2013 tại Đồng bằng sông Cửu Long của Chính phủ chỉ đạt khoảng 15% tổng sản lượng gạo cần tiêu thụ nhưng đã góp phần giúp giữ giá lúa gạo trong thời kỳ cao điểm về thu hoạch, không xảy ra tình trạng giá giảm, ảnh hưởng đến người nông sản.

Vận chuyển lúa đã sấy khô xuống tàu cho nông dân tại Trung tâm nông sản Phú Cường, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN


* Điều tiết thị trường


Tại cuộc họp tổng kết về kết quả mua tạm trữ lúa gạo vụ đông xuân 2012-2013, một số ý kiến cho rằng chủ trương mua tạm trữ lúa gạo không hiệu quả khi người nông dân chưa thực sự hưởng lợi, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam khẳng định: Chính sách thu mua tạm trữ chỉ là giải pháp hỗ trợ gián tiếp cho người nông dân thông qua việc giữ giá lúa gạo trong thời gian cao điểm về thu hoạch khi lúa gạo tồn đọng, chưa tiêu thụ và xuất khẩu kịp chứ không phải là giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho nông dân mà thực chất đây là giải pháp bình ổn giá, điều tiết thị trường, tránh tình trạng rớt giá.

Về hiệu quả của chính sách mua tạm trữ, ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Khi thị trường có dấu hiệu chuẩn bị sụt giảm thì mới thu mua tạm trữ, đây là đòn bẩy góp phần kích thích việc thu mua toàn bộ sản lượng gạo tồn đọng. Chính sách mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo là để nâng giá lúa gạo chung cho toàn bộ thị trường vì không chỉ 1 triệu tấn gạo mua tạm trữ bán được giá cao, mà 1 triệu tấn gạo này là giá thị trường để tăng hiệu quả cho sản lượng gạo cần bán.

Theo báo cáo, trong quá trình tạm trữ, giá mua lúa khô loại thường tại kho dao động từ 5.200-5.400 đồng/kg, quy ra giá mua lúa khô tại ruộng từ 5.100 đồng/kg – 5.300 đồng/kg, cao hơn thời điểm trước tạm trữ 100-200 đồng/kg. Đặc biệt, tác động về giá do tạm trữ đều tăng tại các địa phương so với trước tạm trữ.

Tại Bạc Liêu, giá mua lúa tại kho từ 5.200-5.400 đồng/kg, tăng 150-300 đồng/kg; tại Cà Mau, giá mua lúa tại kho từ 5.400-5.420 đồng/kg, tăng so với thời điểm trước tạm trữ từ 150-170 đồng/kg; tại Vĩnh Long, Tiền Giang, Sóc Trăng giá mua lúa cũng tăng từ 100-200 đồng/kg… Điển hình tại Kiên Giang giá mua lúa thường từ các doanh nghiệp đã mua cao hơn từ 700-1.400 đồng/kg so với giá tối thiểu người nông dân có lãi do UBND tỉnh quy định.

Ông Nguyễn Trọng Thừa, Cục trưởng Cục Chế biến Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối khẳng định: Chủ trương mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo của Chính phủ ngoài việc điều tiết thị trường, tránh rớt giá còn tạo điều kiện cho nông dân, thương nhân, doanh nghiệp kinh doanh chủ động định hướng trong thu hoạch, tiêu thụ lúa hàng hóa góp phần kiềm chế tình trạng sụt giảm giá, đảm bảo có lãi cho người trồng lúa. Đồng thời, tạo điều kiện giữ được mặt bằng giá xuất khẩu, hạn chế ép giá và cạnh tranh phá giá trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang bị cạnh tranh gay gắt.

Ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cũng đánh giá cao hiệu quả nâng đỡ thị trường thông qua chính sách mua tạm trữ. Việc tạm trữ và thu mua của Việt Nam khác với Thái Lan và một số nước trong khu vực là lúa gạo sản xuất ra đến đâu được nhà nước thu mua hết đến đấy. Trước thực tế tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt khoảng 12 triệu tấn/năm, chiếm khoảng 25% tổng sản lượng gạo thì việc mua tạm trữ đã đạt được hiệu quả trong nâng đỡ thị trường. Hiện nay, cùng với các thị trường xuất khẩu gạo truyền thống thì Bộ Công Thương cũng đang tích cực triển khai mở rộng thị trường xuất khẩu sang Trung , Nam Mỹ và Châu Phi…

* Giải quyết tồn tại để tăng hiệu quả

Trong chính sách tạm trữ lúa gạo, ông Nguyễn Trọng Thừa, Cục trưởng Cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối cho biết: Bên cạnh những mặt đạt được vẫn còn tồn tại hạn chế như: Việc phân giao chỉ tiêu mua tạm trữ chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ lúa, gạo trên một số địa bàn; quá trình tạm trữ, tác động tăng giá mua lúa, gạo trên thị trường chưa lớn do giá lúa gạo trong nước phụ thuộc vào quan hệ cung cầu và chịu ảnh hưởng của giá xuất khẩu…

Để khắc phục hạn chế, việc phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Hiệp hội Lương thực Việt Nam và UBND các tỉnh và các thương nhân, doanh nghiệp xuất khẩu… Cũng có ý kiến cho rằng, nên phân bổ chỉ tiêu trực tiếp cho địa phương để việc mua tạm trữ tăng hiệu quả hơn nữa.

Để chủ trương mua tạm trữ của Chính phủ đạt hiệu quả hơn nữa, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết: Bộ NN&PTNT đang phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng Dự thảo quy chế liên quan đến tạm trữ lúa gạo để trình Chính phủ trong thời gian tới để chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu dùng, xuất khẩu chủ động, đồng thời đảm bảo 3 mục tiêu theo hướng: nông dân trồng lúa có lãi, điều tiết thị trường, tạo điều kiện xuất khẩu và tiêu thụ gạo trong nước.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, với giá thành sản xuất bình quân toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong vụ Đông Xuân 2012-2013 là 3.616 đồng/kg, thì chênh lệch giữa giá thu mua và giá thành là từ 38% đến 46%, tuy nhiên phần chênh lệch này không phải hoàn toàn là người sản xuất lúa được hưởng và không phải giống nhau ở các địa phương vì tỷ lệ lúa gạo mà doanh nghiệp thu mua trực tiếp của nông dân còn thấp và đặc thù của mỗi địa phương không giống nhau... Bên cạnh đó, giá lúa gạo trong nước không chỉ quan hệ cung cầu trong nước mà còn chịu ảnh hưởng của giá xuất khẩu.

Về giá thành bình quân, bà Đinh Thị Nương, Cục Quản lý giá, Bộ Tài Chính cho biết: Giá của Bộ Tài chính quy định dựa trên giá đề xuất của các tỉnh và thông qua giá thành định hướng vụ trước nhân với chỉ số CPI để tính giá trung bình, từ giá trung bình nhân với 30% để người nông dân có lãi, trên cơ sở đó các địa phương tự quyết định giá thực tế và giá thu mua.

Về chênh lệch giá người nông dân không hoàn toàn được hưởng, ông Trương Thanh Phong cho biết: Chênh lệch lãi tùy vào thời điểm mua và sự phân công lao động từng công đoạn, do có người thu hoạch lúa bán tại ruộng, có người lại vận chuyển từ ruộng đến nơi sấy, say xát… nên chỉ tính toán đến giá bình quân định hướng, từ giá định hướng nhân với 30% và giá mua tạm trữ không dưới 5.000 đồng/kg, đảm bảo người nông dân có lợi. Tuy nhiên, giá mua tạm trữ cũng phải tính toán trên cơ sở đảm bảo doanh nghiệp có lãi và bán ra được vì nếu không thì doanh nghiệp không tham gia tạm trữ.

Ngoài ra, một số vấn đề thu hút sự quan tâm như lượng gạo tồn kho trong các doanh nghiệp, vấn đề tiêu thụ lúa hàng hóa trong vụ hè thu, thị trường xuất khẩu không thuận lợi với giá gạo xuất khẩu giảm mạnh cũng được đặt ra với đại diện lãnh đạo các Bộ ngành liên quan đến chính sách thu mua tạm trữ gạo.

Liên quan đến vấn đề hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp mua tạm trữ gạo, ông Trần Xuân Châu, Phó vụ trưởng Vụ tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn được Ngân hàng Nhà nước xác định là 1 trong 5 lĩnh vực ưu tiên chỉ đạo tập trung các tổ chức tín dụng đầu tư về vốn và ưu tiên về lãi suất. Trong thời gian tới nếu tiếp tục thực hiện việc mua tạm trữ lúa gạo thì ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại áp dụng các gói lãi suất cho vay thấp hơn so với lãi suất của thị trường tạo điều kiện để doanh nghiệp mua tạm trữ cho nông dân.


Hoàng Linh

Nâng cao hiệu quả mua lúa gạo tạm trữ
Nâng cao hiệu quả mua lúa gạo tạm trữ

Trong buổi họp báo hôm qua (14/5) về kết quả thu mua tạm trữ lúa gạo vụ đông xuân 2012- 2013, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết: Chương trình thu mua tạm trữ gạo tại ĐBSCL đã kết thúc với lượng gạo thu mua tạm trữ đạt chỉ tiêu 1 triệu tấn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN