Nhìn lại việc thu mua tạm trữ lúa gạo năm 2013 - Nhiều nông dân chưa được hưởng lợi

Chương trình thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ đông xuân 2013 tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã kết thúc và hoàn thành chỉ tiêu về lượng gạo thu mua tạm trữ. Tuy nhiên, để có được một vụ lúa có lợi nhuận cao, tiêu thụ dễ dàng và nông dân có một cuộc sống khá hơn thì vẫn còn nhiều khó khăn.


Giải phóng lượng hàng tồn kho, ngăn chặn giá lúa giảm sâu


Theo Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN&PTNT), vụ đông xuân 2012-2013, các tỉnh ĐBSCL đã xuống giống gần 1,6 triệu ha lúa và dự kiến đến cuối tháng 4/2013 sẽ thu hoạch dứt điểm. Với năng suất đạt khoảng 6,8 tấn/ha, sản lượng lúa vụ đông xuân năm nay sẽ đạt trên 10,6 triệu tấn, trong đó lượng lúa hàng hóa cần tiêu thụ chiếm gần 80%.

Giá lúa xuống thấp đang ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của nhà nông.


Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đến hết tháng 4, các đầu mối thu mua tạm trữ thóc gạo vụ đông xuân sẽ hoàn thành kế hoạch mua 1 triệu tấn quy gạo được giao. VFA cho rằng, như một biện pháp kích cầu đúng lúc, chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo được triển khai vào thời điểm nhà nông các tỉnh ĐBSCL thu hoạch rộ nên đã giúp bình ổn thị trường. “Trước thời điểm tạm trữ, giá lúa khô loại thường chỉ từ 5.100 - 5.200 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.300 - 5.400 đồng/kg; đến thời điểm doanh nghiệp bắt tay thu mua tạm trữ, giá lúa tăng thêm được khoảng 100 - 150 đồng/kg mỗi loại. Việc thu mua tạm trữ lúa gạo đã giúp thị trường giải quyết được bài toán bức xúc về lưu thông hàng hóa, kích thích sức mua góp phần giải phóng lượng lúa hàng hóa tồn kho lớn trong dân”, ông Trương Thanh Phong, chủ tịch VFA nhận định.


Hiện dư nợ của các tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp vay thu mua lúa gạo trong dân đạt doanh số cho vay hơn 7,6 tỷ đồng. Có tất cả 13 ngân hàng thương mại tham gia cho vay và nhiều đơn vị đã chủ động hạ lãi suất cho vay với mức thấp hơn mức lãi suất quy định tối đa của Ngân hàng Nhà nước và công tác triển khai đúng theo quy định, kế hoạch đề ra. “Tính đến cuối tháng 3, chúng ta đã xuất khẩu được khoảng 1,5 triệu tấn gạo các loại với giá trị hơn 641 triệu USD, tăng trên 35% về lượng nhưng giảm gần 45 USD/tấn gạo so với cùng kỳ năm 2012. Đến nay, các doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu đạt 3,6 triệu tấn, trong đó hợp đồng thương mại chiếm trên 80%. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của các tổ chức tín dụng, giá thu mua lúa tạm trữ đã được nâng, phù hợp với tình hình thực tế trong nước và giá thị trường quốc tế”, ông Phong nói thêm.

Theo Quyết định 311 của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 20/2 - 31/3, doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Lương thực Việt Nam triển khai thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ đông xuân 2012-2013 ở các tỉnh ĐBSCL. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay trong 3 tháng (từ 20/2 - 20/5). Doanh nghiệp thực hiện mua thóc, gạo tạm trữ theo cơ chế thị trường, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh và VFA sẽ tổ chức việc phân giao cho các đơn vị trực tiếp có kho chứa thóc, gạo đúng quy chuẩn.


Bộ NN&PTNT cũng đánh giá, quyết định mua tạm trữ năm nay là kịp thời, giúp nông dân hưởng lợi gián tiếp từ chính sách do giá lúa gạo trên thị trường giữ được ổn định và tăng lên. Những năm trước, việc tạm trữ thường được quyết định khi giá lúa hàng hóa trên thị trường thấp hơn giá định hướng, thời điểm tạm trữ vào cuối vụ, khi đã thu hoạch gần xong nên người nông dân được hưởng lợi từ chính sách tạm trữ không nhiều. Thời điểm mua tạm trữ thóc, gạo vụ đông xuân năm nay (kể từ 20/2 - 31/3) sớm hơn gần 1 tháng khi bắt đầu vào thu hoạch rộ, giá lúa có nguy cơ bị sụt giảm dưới giá định hướng là đúng lúc và kịp thời, ngăn chặn được tình trạng sụt giảm sâu của giá lúa, gạo. Quyết định đã tác động làm giá lúa, gạo trên thị trường giữ được ổn định và giá lúa có tăng lên so với thời điểm trước khi tiến hành thu mua tạm trữ.


Lợi nhuận chưa như mong muốn


Theo tính toán của Bộ Tài chính, giá mua định hướng đối với lúa gạo tại ruộng vụ này là 4.700 đồng/kg là đảm bảo cho nông dân có lãi trên 30%, trong khi thực tế giá mua tại ruộng được trên 5.000 đồng/kg, dù qua các khâu trung gian vẫn đảm bảo cao hơn giá mua định hướng.


Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều địa phương, chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo vẫn còn nhiều điểm bất cập. Thứ nhất, lượng lúa thu mua dự trữ theo quyết định của ngành chức năng chưa đáp ứng được cơn khát giải phóng nguồn cung của nhà nông, đã góp phần giảm sự tác động tích cực của chính sách. Cụ thể, tỉnh Long An dự kiến đạt sản lượng 1,5 triệu tấn lúa và chỉ nhận chỉ tiêu “nhỏ giọt” 88.000 tấn gạo, không thấm vào đâu so với nhu cầu. Còn tại tỉnh Đồng Tháp được phân bổ chỉ tiêu cho 6 doanh nghiệp thu mua tạm trữ 58.000 tấn gạo, ít hơn cùng kỳ năm 2012 là 25.000 tấn cũng chưa tương xứng với sản lượng lúa hàng hóa của tỉnh… Tại Bạc Liêu, sản lượng lúa vụ đông xuân ước đạt 340.000 tấn, trong đó có khoảng 80% sản lượng là lúa hàng hóa, trong khi chỉ tiêu tạm trữ chỉ có 15.000 gạo, tương đương 30.000 tấn lúa là quá ít ỏi.

Ông Nguyễn Văn Sánh - Viện trưởng
Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL:


Triển khai linh hoạt theo địa phương


Chính phủ nên ban hành Nghị định tạm trữ lúa gạo trước khi thu hoạch lúa và việc triển khai tạm trữ cũng cần căn cứ tình hình thực tế từng địa phương chứ không đồng loạt như hiện nay. Tùy theo cơ cấu mùa vụ từng địa phương, nơi nào thu hoạch vụ lúa đông xuân trước sẽ mua trước và ngược lại. Thực tế có nhiều tỉnh như Đồng Tháp, Long An… do việc triển khai thu mua lúa tạm trữ chậm đã gây thiệt hại lớn cho nhà nông.

Anh Nguyễn Văn Hùng, huyện Tam Nông,
Đồng Tháp:

Chưa đảm bảo quyền lợi của nông dân

Việt Nam đứng nhất, nhì thế giới về XK gạo nhưng quyền lợi của nông dân chúng tôi vẫn chưa được đảm bảo một cách căn cơ. Ví dụ như việc hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp thu mua gạo tạm trữ, theo tôi phải quy định luôn giá mua lúa cho nông dân theo hướng có lãi. Hiện dù có sự can thiệp của nhà nước, nhưng chúng tôi hoàn toàn thụ động về giá cả, thời gian thu mua… Cứ đến vụ thu hoạch chính, các doanh nghiệp lại được Chính phủ hỗ trợ lãi suất ngân hàng để triển khai thu mua lúa kinh doanh, trong khi nông dân, những người đầu tắt mặt tối làm ra hạt lúa lại không nhận được sự hỗ trợ nào. Ngoài ra, việc thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo chỉ đẩy giá lên trong thời gian ngắn và chủ yếu đối với lúa thường khó có tác dụng tích cực như chủ trương đề ra.


Thời điểm thu mua tạm trữ cũng được các địa phương cho rằng còn nhiều bất cập. Theo thông báo của VFA, thời điểm 20/2, khi các DN bắt đầu thu mua lúa tạm trữ thì diện tích lúa đông xuân đã thu hoạch của Đồng Tháp đạt 60%, Kiên Giang 50%, Long An và An Giang khoảng 20%, tổng diện tích thu hoạch khoảng 300.000 ha. Ghi nhận thực tế cho thấy, 10 ngày sau khi ban hành quyết định tạm trữ, giá lúa tăng trung bình 500 đồng/kg. Như vậy, với toàn bộ sản lượng thu hoạch trước đó ở mức giá thấp hơn, nông dân đã không được hưởng lợi nhiều.


Chương trình tạm trữ lúa gạo đã kết thúc, nhưng hiện lúa hàng hóa trong dân vẫn còn khá lớn và ngay trong tháng 4, vẫn còn 50.000 ha lúa đông xuân tương đương khoảng 300.000 tấn lúa đang tiếp tục được thu hoạch và khó tiêu thụ. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức, tại các huyện Châu Phú, Thoại Sơn… (An Giang); Tam Nông, Hồng Ngự… (Đồng Tháp) ngay khi đợt mua tạm trữ kết thúc, do thương lái và doanh nghiệp giảm lượng thu mua nên giá lúa đang giảm nhanh. Thời điểm hiện nay, giá lúa khô IR 50404 khoảng 4.500 đồng/kg, những loại lúa thuộc nhóm chất lượng cao cũng có mức giảm tương đương. Theo các thương lái, do phần lớn doanh nghiệp ngưng mua gạo nguyên liệu, nếu có cũng chỉ đặt hàng gạo xô để chế biến loại gạo 25% tấm, gần 10 ngày qua giá lúa gạo theo nhau tụt dốc. Cụ thể, giá lúa tươi tại nhiều tỉnh như: Long An, Đồng Tháp… chỉ còn 4.300 - 4.600 đồng/kg, lúa khô còn khoảng 5.100 đồng/kg, giảm tới khoảng 300 - 500 đồng/kg so với thời gian mua tạm trữ và với mức giá trên, nông dân hầu như lời rất ít hoặc thua lỗ.


Ông Lê Minh Đức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho biết, việc thu mua gạo tạm trữ là quyết sách đúng đắn và hợp lòng dân. Điều bức xúc của nhà nông là việc thực hiện chương trình này vẫn còn những hạn chế, trong đó thời gian thu mua còn chậm so với tiến độ thu hoạch lúa của nông dân và việc triển khai mua gạo dự trữ chưa hợp lý. Ông Phan Minh Quang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu cũng cho rằng, lượng lúa gạo được thu mua tạm trữ quá ít, sơ lúa còn lại lệ thuộc vào thương lái nên việc tiêu thụ vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Hiện nay, người nông dân cần bán lúa để trang trải chi phí và chuẩn bị cho vụ hè thu nên càng gặp khó và thương lái có điều kiện để ép giá thu mua.


Đặc biệt, tại đợt thu mua tạm trữ năm nay, nhiều ý kiến cho rằng, giá lúa sau tạm trữ năm nay tăng ít hơn so với các năm trước khi thực hiện chính sách tạm trữ, Bộ NN&PTNT cho rằng thời điểm mua tạm trữ năm nay là lúc giá lúa trên thị trường chưa xuống dưới giá định hướng (còn chênh 300 đồng/kg). Mặt khác, thị trường xuất khẩu gạo vừa qua gặp nhiều khó khăn, giá xuất khẩu thấp nên việc kích thích giá lúa tăng cao nhờ chính sách thu mua tạm trữ khó khăn hơn so với mọi năm.


Các địa phương phản ánh, trong suốt thời gian 1 tháng tiến hành triển khai thu mua tạm trữ, giá lúa lên xuống thất thường. Chỉ có một số ít người dân bán được giá cao còn phần lớn lợi nhuận thu được không đủ bù cho phần lúa còn tồn, để lâu, giảm chất lượng. Ở nhiều địa phương, người nông dân cho biết, khi thu hoạch xong, do doanh nghiệp chậm thu mua nên đành phải bán cho thương lái với giá thấp hơn. Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, do có sự lệch pha giữa thời gian thu hoạch lúa và thời gian mua tạm trữ, một bộ phận không nhỏ nông dân không được hưởng lợi từ chương trình này. Diện tích và sản lượng lúa được thu hoạch trước và sau thời gian mua tạm trữ chiếm từ 15 - 25% và giá lúa thị trường trong hai giai đoạn này đều thấp hơn trong thời gian mua tạm trữ nên sẽ có nhiều nông dân vẫn không được hưởng lợi. Hơn nữa, việc có quá nhiều tầng nấc trung gian trong hoạt động mua lúa gạo hiện nay, từ “cò ruộng”, thương lái đến nhà máy xay xát rồi mới đến tay doanh nghiệp mua tạm trữ, khiến chênh lệch giữa giá mua vào của doanh nghiệp với giá bán ra của nông dân khá lớn. Do đó, nông dân thậm chí không thể được hưởng lãi ít nhất 30%. Điều đáng nói là lúa thơm OM 4900 đạt chuẩn chế biến xuất khẩu trong vụ đông xuân năm nay chỉ được thu mua với giá 5.100 - 5.300 đồng/kg, bằng giá với giống lúa IR 50404, loại giống lúa phẩm cấp thấp được ngành nông nghiệp khuyến cáo hạn chế sản xuất. Trong khi đó, chi phí sản xuất lúa thơm lại cao hơn giống lúa IR 50404 khá nhiều.


Rà soát hiệu quả chính sách


Từ thực tế triển khai công tác thu mua tạm trữ lúa gạo, nhiều ý kiến cho rằng, do thời điểm thu mua, giá sàn và số lượng thu mua khống chế, cùng với công tác thông tin chưa sát với điều kiện thực tế nên chính sách vẫn chưa tạo hiệu quả thiết thực, đặc biệt cho người nông dân. Nhìn dưới góc độ dài hơi, việc thu mua lúa tạm trữ chỉ mang tính tình thế. “Về lâu dài cần có giải pháp mang tính dài hơi hơn nhằm giải quyết tốt bài toán sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu gạo. Để làm được vấn đề này, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa VFA và doanh nghiệp, chính quyền địa phương”, ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho hay. “Doanh nghiệp khi tham gia xuất khẩu gạo bắt buộc phải tự chủ nguồn nguyên liệu cũng như có trách nhiệm với nông dân. Nếu kéo dài cơ chế tạm trữ sẽ khiến một số doanh nghiệp ỷ lại, trông chờ vào nguồn kinh phí hỗ trợ nhà nước và chưa tính đến việc, những ngành nghề khác cũng thấy thế phân bì, đòi hỏi có cơ chế giống như lúa gạo”, ông Quốc nói.


Theo các chuyên gia kinh tế, những năm tới, chính sách tạm trữ cần có sự điều chỉnh nhất định để nông dân có lợi nhiều nhất. Các ngành chức năng cần kết hợp tạo điều kiện thuận lợi tối đa để công tác tạm trữ triển khai đúng tiến độ, đúng mục tiêu. Đặc biệt sẽ xem xét đẩy sớm thời gian bắt đầu tạm trữ, số lượng, giá sàn thu mua phù hợp. Về hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nên hỗ trợ trực tiếp cho nông dân thông qua những mô hình khác sẽ hiệu quả hơn.


Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết thời gian tới, để tăng tính hiệu quả của chủ trương tạm trữ lúa, gạo, cần đẩy mạnh hơn nữa tính liên kết giữa thương nhân chế biến, xuất khẩu gạo với người trồng lúa, xây dựng cơ chế phát triển cánh đồng mẫu lớn với thu mua tạm trữ và chế biến, xuất khẩu gạo, tiếp tục giảm giống lúa thường, chất lượng thấp và thay thế bằng giống chất lượng cao, lúa thơm.


Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì đánh giá toàn diện tình hình thực hiện mua tạm trữ thóc, gạo vụ đông xuân 2012 - 2013, công bố rộng rãi kết quả, làm rõ những mặt được, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.


Để kịp thời đánh giá cụ thể hơn, làm rõ những khó khăn, bất cập và có biện pháp khắc phục hiệu quả, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát thực tế việc mua tạm trữ thóc, gạo vụ đông xuân 2012 - 2013 tại các địa phương theo quy định; trên cơ sở đó đánh giá toàn diện tình hình thực hiện mua tạm trữ và kịp thời tổ chức họp báo, công bố rộng rãi kết quả, làm rõ những mặt được, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.


Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Lương thực Việt Nam nghiên cứu phương pháp tính, công bố giá thóc định hướng cho phù hợp thực tế thị trường, thực tế sản xuất và có lợi hơn cho người nông dân sản xuất lúa. Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 4/2013; trên cơ sở đó sẽ tiếp tục xem xét, giải quyết việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.


Lê Nghĩa - Thu Hường

Thu mua gạo tạm trữ để nhà nông được lợi
Thu mua gạo tạm trữ để nhà nông được lợi

Bắt đầu triển khai từ ngày 20/2, chương trình thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ đông xuân 2012 - 2013 cho bà con nông dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bước vào thời điểm kết thúc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN