Nâng cao hiệu quả mua lúa gạo tạm trữ

Trong buổi họp báo hôm qua (14/5) về kết quả thu mua tạm trữ lúa gạo vụ đông xuân 2012- 2013, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết: Chương trình thu mua tạm trữ gạo tại ĐBSCL đã kết thúc với lượng gạo thu mua tạm trữ đạt chỉ tiêu 1 triệu tấn. Tuy nhiên, Bộ cũng thừa nhận, hiệu quả của chương trình này vẫn chưa như mong đợi của người trồng lúa.

Ngăn giá lúa giảm sâu


Ông Nguyễn Trọng Thừa - Cục trưởng Cục Chế biến Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết: Đến 15/4, các tỉnh miền Nam đã thu hoạch được 1,8 triệu ha lúa, chiếm 90% diện tích. Riêng vùng ĐBSCL cơ bản thu hoạch xong lúa đông xuân với diện tích 1,55 triệu ha. Theo đánh giá sơ bộ, sản lượng lúa đã thu hoạch của các tỉnh này đạt 12 triệu tấn, riêng vùng ĐBSCL đạt 10,6 triệu tấn lúa.

Vận chuyển gạo dự trữ phục vụ xuất khẩu tại Xí nghiệp xay xát và chế biến lương thực Việt Nguyên (Tiền Giang). Ảnh: Đinh Huệ - TTXVN


Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo được triển khai vào thời điểm nhà nông các tỉnh ĐBSCL thu hoạch rộ nên đã giúp bình ổn thị trường. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám khẳng định, trong thời gian thu mua tạm trữ, giá lúa gạo trên thị trường tăng so với trước đó. Mức giá mua tạm trữ đảm bảo nông dân có lãi và giữ ổn định trong suốt thời gian thu mua tạm trữ, tạo điều kiện giữ được mặt bằng giá xuất khẩu, hạn chế tình trạng ép giá và cạnh tranh giá trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gạo đang bị cạnh tranh gay gắt.

Các ngân hàng thương mại đã giải ngân cho các doanh nghiệp vay mua tạm trữ lúa vụ đông xuân đạt 7.612 tỷ đồng. Dư nợ các khoản vay đến thời điểm 31/3/2013 là 7.571 tỷ đồng. Mức lãi suất cho các doanh nghiệp vay đều thấp hơn mức 11%/năm (6 ngân hàng ở mức 10%/năm; 5 ngân hàng ở mức 10,5%/năm).


Cụ thể, theo tính toán của Bộ Tài chính, giá mua định hướng đối với lúa gạo tại ruộng vụ này là 4.700 đồng/kg, đảm bảo nông dân có lãi trên 30%, trong khi thực tế giá mua tại ruộng là trên 5.000 đồng/kg. Trong quá trình triển khai chương trình mua tạm trữ, giá lúa khô loại thường tại kho từ 5.200 - 5.400 đồng/kg, giá lúa tại ruộng từ 5.100 - 5.300 đồng/kg, cao hơn giá trước thời điểm tạm trữ từ 100 - 200 đồng/kg. Theo Bộ Tài chính, với giá thành sản xuất lúa bình quân toàn vụ đông xuân 2012 - 2013 là 3.616 đồng/kg, thì mức chênh lệch giữa giá thu mua và giá thành là từ 38 - 46%.

 

Nông dân chưa được lợi nhiều


Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Thừa cũng cho biết, chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo hiện vẫn còn nhiều bất cập. Thứ nhất, việc phân giao chỉ tiêu thu mua tạm trữ chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ lúa gạo của người trồng lúa. Thực tế cho thấy, lượng lúa được thu mua dự trữ còn ít, chỉ chiếm 15% tổng sản lượng cần tiêu thụ.


Bên cạnh đó, thời điểm thu mua tạm trữ cũng được các địa phương cho là còn nhiều bất cập. Theo VFA, ngày 20/2, khi các doanh nghiệp bắt đầu thu mua lúa tạm trữ thì nhiều địa phương đã thu hoạch được già nửa diện tích. 10 ngày sau khi ban hành quyết định tạm trữ, giá lúa tăng trung bình 500 đồng/kg. Như vậy, với toàn bộ sản lượng thu hoạch trước đó được bán ở mức giá thấp hơn nên nông dân không được hưởng lợi nhiều.

“Nếu nói hiện trong dân đang tồn đọng một lượng lớn lúa là không đúng. Bởi có đến 96 - 97% nông dân ĐBSCL bán lúa ngay tại ruộng sau khi thu hoạch. Thực tế, bên cạnh việc mua lượng lúa theo chương trình tạm trữ, doanh nghiệp còn mua lúa ngoài chương trình để phục vụ chế biến, xuất khẩu. Hiện trong dân chỉ còn tồn lúa thơm, chất lượng không đảm bảo do trồng không đúng kỹ thuật”.

Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong


Ông Nguyễn Trọng Thừa cũng cho rằng, chương trình thu mua tạm trữ chưa tác động lớn đến giá lúa gạo trên thị trường. Về vấn đề này, ông Thừa giải thích thêm, nguyên nhân là do giá lúa gạo trong nước hiện không chỉ phụ thuộc vào quan hệ cung cầu trong nước mà còn chịu ảnh hưởng của giá xuất khẩu. Theo đó, so với cùng kỳ năm 2012, giá gạo xuất khẩu quý I năm 2013 giảm bình quân 44,52 USD/tấn. Hiện nay, giá gạo xuất khẩu vẫn tiếp tục giảm, các doanh nghiệp tham gia thu mua tạm trữ lúa gạo đang gặp khó khăn, thậm chí là bị lỗ do sức tiêu thụ của các thị trường nhập khẩu rất chậm.


Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ ban hành quy chế thu mua tạm trữ để tăng tính hiệu quả của chủ trương tạm trữ lúa gạo. Theo đó, Bộ sẽ chủ trì phối hợp với các Bộ Công Thương, Tài chính, VFA xem xét, nghiên cứu điều chỉnh chính sách tạm trữ với mục đích để nông dân có lợi nhiều nhất. Đặc biệt, sẽ xem xét đẩy sớm thời gian bắt đầu tạm trữ, số lượng, giá sàn thu mua phù hợp. Về hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định, trong chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo vụ hè thu và vụ mùa tới, các ngân hàng thương mại sẽ cho các doanh nghiệp vay với mức lãi suất thấp hơn mức lãi suất tại cùng thời điểm.


Huyền Tím

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN