Vụ quất năm nay, gia đình ông Vũ Công Hưởng, xã Nam Phong, thành phố Nam Định có khoảng 150 gốc quất trên 3 năm tuổi phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán. Đợt cuối tháng 5 (âm lịch) vừa qua, ông Hưởng tiến hành chuyền quất, làm đứt rễ cây để kích thích hoa phát triển, tuy nhiên khi vừa chuyền xong lại gặp những trận mưa kéo dài trong nhiều ngày làm ảnh hưởng đến bộ rễ của cây khiến hoa phát triển chậm, không đủ thời gian để quả sinh trưởng chín kịp vào dịp cuối năm.
Anh Vũ Công Hưởng cho hay, gia đình ông có khoảng 50% diện tích bị thiệt hại, hiện nay ông đang cố gắng dùng mọi biện pháp như bón phân, kích rễ, cắt tỉa cành lá bị hỏng, tỉa hoa dưỡng quả, chăm sóc những cây bị ảnh hưởng với hy vọng vớt vát được một số cây để kịp bán vào dịp cuối năm.
Gắn bó với nghề trồng quất hơn 20 năm nay, nhưng chưa bao giờ ông Vũ Công Cao lại phải ngắt hết từng cánh hoa đang nở trên cây quất đi để không cho ra quả. Năm nay, ông có 120 cây quất để bán Tết, thời tiết không ủng hộ khiến 40% diện tích quất bị ảnh hưởng, một số cây xuất hiện tình trạng vàng rễ, hoa ra chậm không kịp bán vào dịp Tết nên ông Cao quyết định ngắt hết hoa đi để nuôi cây phát triển cho vụ sau.
Ông Vũ Công Cao giải thích, thông thường người trồng quất sẽ tiến hành chuyền quất trong tháng 5 (âm lịch), mỗi lần chuyền sẽ kéo dài khoảng 1 tuần. Những hộ có ít cây hoặc thuê được nhân công chuyền sớm từ đầu tháng sẽ không bị ảnh hưởng, những hộ chuyền muộn vào cuối tháng để cố gắng lấy thêm 1 lứa lộc hoa nữa sẽ bị dính những trận mưa kéo dài nhiều ngày, hoa sẽ nở chậm so với khung thời vụ.
Theo ông Vũ Công Cao, từ lúc hoa nở ra quả quất con phải đủ 6 tháng thì đến thời điểm Tết quả mới to đều, đẹp được. Tuy nhiên thời điểm này đã là cuối tháng 7 (âm lịch) những cây quất bị ảnh hưởng mới bắt đầu ra quả nhỏ, thậm chí nhiều cây bây giờ mới ra hoa thì quả sẽ không kịp chín đúng thời điểm Tết. Những cây đã có quả nhỏ, nhà vườn sẽ cố chăm sóc, nhưng chắc chắn quả sẽ không ra đều, quả chín, quả không chín, cây quất sẽ bị mất giá.
Ông Đoàn Xuân Công, người trồng quất lâu năm tại Nam Phong chia sẻ, người trồng quất rất phụ thuộc vào thời tiết, đặc biệt là trong thời gian chuyền quất và giai đoạn quả non phát triển nếu gặp trời mưa hoặc gió lớn thì hoa, quả non sẽ bị rụng. Hiện nay giá nhân công, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều tăng, mặt khác khoảng một nửa diện tích quất tại đây đã bị ảnh hưởng, hy vọng cuối năm giá quất sẽ nhích lên chút ít để người trồng có chút công.
Xã Nam Phong có khoảng 50 ha diện tích đất trồng quất, quất tại đây nổi tiếng với thế đẹp, quả to đều, vàng óng… được khách hàng ưa chuộng, mỗi năm cứ dịp tết đến, xuân về, các thương lái ở khắp nơi lại về đây mua quất mang đi các tỉnh, thành như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Sơn La, Thanh Hoá để bán. Xã Nam Phong có gần 1.200 hộ trồng quất, nghề trồng quất là một trong những nghề chủ lực tại địa phương giúp người dân làm giàu, sau khi trừ chi phí trung bình mỗi hộ dân trồng quất thu nhập từ 100 đến 300 triệu đồng/năm.
Ông Bùi Quốc Huy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Phong cho biết, toàn xã có khoảng 40% diện tích bị thiệt hại một nửa vườn, gần 10% diện tích bị mất trắng, quả không kịp chín để phục vụ thị trường Tết. Địa phương đang vận động người dân tập trung chăm sóc những diện tích quất còn khôi phục được để bán dịp Tết nhằm có thêm thu nhập trang trải cuộc sống sau những tháng ngày lao động vất vả.