Mua bán và sáp nhập bất động sản ngày càng tăng

Theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), thị trường bất động sản (BĐS) 6 tháng đầu năm 2015 tiếp tục đà hồi phục mạnh hơn trên tất cả các phân khúc thị trường. Trong đó, phân khúc nhà ở có quy mô vừa và nhỏ vẫn là phân khúc phát triển bền vững. Đáng chú ý, một loạt chính sách mới về đất đai, đầu tư, nhà ở, kinh doanh BĐS càng kích thích hoạt động mua bán, sát nhập (M&A) trong lĩnh vực này.

Triển vọng thị trường BĐS


Thống kê của Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, 6 tháng đầu năm 2015, TP Hồ Chí Minh đã có khoảng 7.050 giao dịch thành công, tăng gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2014, giá chào bán tăng nhẹ ở thị trường thứ cấp từ 3-5%.


Đáng chú ý, phân khúc BĐS cao cấp với rất nhiều dự án được khởi công xây dựng, chào bán trên thị trường có sự phát triển rất mạnh. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết phần lớn các phân khúc này có xu thế phát triển sang phía Đông thành phố, từ bờ Tây sông Sài Gòn (quận Bình Thạnh, quận 1, quận 4) qua quận 2 và một phần quận 9 giáp ranh quận 2. Đây là những vị trí có đường cao tốc đi qua, nhiều doanh nghiệp (DN) BĐS đã đón đầu những dự án để đầu tư như: Công ty Novaland, Công ty Phát triển Nhà Thủ Đức, Công ty Đầu tư Nam Long, Công ty Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh, Công ty Him Lam, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Phú Mỹ Hưng, Tập đoàn SSG, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Tập đoàn M.I.K, Tập đoàn C.T, Tập đoàn Bitexco, Công ty Đầu tư Thảo Điền, Capitaland...

Phân khúc BĐS cao cấp đang phát triển mạnh, đây cũng là phân khúc các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm mua lại hoặc góp vốn đầu tư.


Bên cạnh đó, phân khúc BĐS thương mại, văn phòng cho thuê, dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng, công nghiệp tăng trưởng tốt. Nhiều thương hiệu lớn như AEON, Vinmart, Mac Donald, Stabuck, Central, Family Mart đã tham gia thị trường… Tính đến hết tháng 6/2015, tổng công suất văn phòng cho thuê tại TP Hồ Chí Minh là 1.472.000 m2 (thuộc 224 dự án), công suất thuê trung bình đạt 93%, giá thuê trung bình là 541.000 đồng/m2/tháng (tương đương 25USD/m2/tháng)....


Tuy nhiên, song song với các phân khúc cao cấp thì phân khúc có quy mô vừa và nhỏ, như những căn hộ 1 - 2 phòng ngủ với giá bán trên dưới 1 tỷ đồng/căn hộ vẫn đóng vai trò chủ đạo trên thị trường, đáp ứng nhu cầu thật của đông đảo người tiêu dùng. Theo ông Lê Hoàng Châu, hiện phân khúc này trong tình trạng cung không đủ cầu, nguồn cung các dự án nhà ở và sản phẩm căn hộ với giá bán vừa túi tiền và dự án nhà ở xã hội hiện rất thiếu. Tiêu biểu là dự án của các đơn vị như Công ty Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH), Công ty Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh, Công ty Đầu tư Nam Long, Công ty Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang, Công ty Xây dựng Thương mại Lê Thành, Công ty Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia, Công ty Địa ốc Sài Gòn (Saigon Res), Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn (Resco), Công ty XD KD Nhà Gia Hòa, Công ty Nhà Hưng Ngân, Công ty Phước Thành, Công ty Khang Gia, Công ty Sacomreal, Công ty Bất động sản Sài Gòn Vina...


Theo ông Lê Hoàng Châu, để đạt được kết quả trên cũng nhờ sự các gói kích cầu cho vay mua nhà của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, với gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, tốc độ giải ngân quá chậm, khiến nhiều người có thu nhập thấp với nhu cầu mua nhà ở thật sự lại không thể tiếp cận được vốn vay. Có thể thấy, trong 6 tháng đầu năm 2015, toàn quốc mới giải ngân trên 25%. Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã giải ngân được 2.009 tỷ đồng/4.677 tỷ đồng các ngân hàng thương mại đã ký cam kết tín dụng (chiếm tỷ trọng 6,69% gói tín dụng ưu đãi). Trong đó, có 1.498,4 tỷ đồng cho cá nhân vay và 510,6 tỷ đồng cho 3  DN vay (Công ty CP TV TM DV Địa ốc Hoàng Quân vay 443 tỷ đồng, Công ty TNHH Đầu tư BĐS Tân Bình vay 19 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư Thủ Thiêm vay 48,6 tỷ đồng).


Nhiều cơ hội giải phóng hàng tồn


Trước hàng loạt chính sách về BĐS được thực thi từ ngày 1/7, ông Lê Hoàng Châu cho rằng thị trường BĐS từ nay đến cuối năm sẽ còn sôi động và phát triển hơn. Trong đó, hoạt động M&A, hợp tác đầu tư phát triển dự án BĐS diễn ra rất mạnh giữa các DN. Nổi bật vai trò thống lĩnh của các DN trong nước, đang dần dần hình thành những tập đoàn phát triển BĐS lớn cả về quy mô hoạt động, năng lực tài chính, sản phẩm đa dạng như Vingroup, Novaland, Đại Quang Minh, SSG, Bitexco, Phú Mỹ Hưng, Him Lam, M.I.K, TNR Holdings, Nam Long, Hưng Thịnh, Phúc Khang...


Đặc biệt, thông qua hoạt động M&A, thị trường BĐS sẽ có cơ hội giải phóng hàng tồn. Có thể thấy, lượng hàng tồn kho trên thị trường TP Hồ Chí Minh từ năm 2012 đến hết tháng 6/2015 đã bán được 8.501 căn, giảm 58,67 %. Không chỉ thế, M&A còn giúp các dự án BĐS thiếu vốn, ngưng hoạt động có cơ hội “hồi sinh”. Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh có 1.407 dự án phát triển BĐS, trong đó có 689 dự án tạm ngưng triển khai, 85 dự án bị thu hồi chủ trương đầu tư. Ông Lê Hoàng châu cho rằng, đây cũng là một nguồn dự án tiềm năng cho hoạt động M&A trong thời gian tới.

Dự kiến từ nay đến 2017, nguồn cung BĐS sẽ tăng mạnh thêm khoảng 59.200 căn hộ, chủ yếu là phân khúc cao cấp


Thực tế, trong các lĩnh vực đang thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thì BĐS đứng vị trí thứ 3. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2015, Công ty Đầu tư Nam Long đã hợp tác với quỹ đầu tư IFC thuộc World Bank, Công ty Hankyu Realty và Công ty Nishi Nippon Railroad của Nhật Bản; Công ty An Gia hợp tác với quỹ đầu tư CREED Nhật Bản với tổng mức 200 triệu USD... Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài thường thực hiện đầu tư vào các DN BĐS trong nước thông qua các phương thức chủ yếu là mua lại cổ phần, góp vốn đầu tư trực tiếp vào dự án đã hoàn thiện, các trung tâm thương mại, khách sạn có giá trị lớn.


Dự kiến từ nay đến năm 2017, nguồn cung thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh sẽ tăng mạnh do đón nhận thêm khoảng 59.200 căn hộ mới của 90 dự án hiện có và các dự án dự kiến sẽ triển khai. Trong đó, có nhiều dự án BĐS cao cấp nên dự báo sẽ có sự cạnh tranh diễn ra rất quyết liệt trong thời gian tới. Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, để cạnh tranh, các chủ đầu tư phải tạo ra sự khác biệt của sản phẩm, nâng cao chất lượng, tiện ích, dịch vụ, giá cả hợp lý, phương thức thanh toán linh hoạt, có nhiều giải pháp hỗ trợ người mua nhà, điều tiết tiến độ sản phẩm đáp ứng nhu cầu và sức mua của thị trường tại từng thời điểm, để đảm bảo tính thanh khoản, không để xảy ra tình trạng nguồn cung quá lớn so với nhu cầu thực.




Hải Yên (Tin Tức)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN