Hàng năm, Bạc Liêu sản xuất từ 800.000 - 900.000 tấn lúa. Theo ngành nông nghiệp tỉnh, trong quá trình sản xuất, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch lên đến 12%-14% tổng sản lượng - một con số không nhỏ! Riêng vụ hè thu tổn thất sau thu hoạch có năm trên 15% vì thu hoạch ngay mùa mưa, trong khi phương tiện máy gặt đập, sân phơi, lò sấy đều thiếu nghiêm trọng. Vấn đề này đã tồn tại hàng chục năm nay, nên khi biết có Quyết định (QĐ) số 63/2010/QĐ-TTg và QĐ số 65/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản có hiệu lực, người dân rất vui mừng!
Người dân vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn để mua máy gặt đập khi thu hoạch lúa. Ảnh: Huỳnh Sử-TTXVN |
Mong chờ là vậy, nhưng chẳng biết bao giờ chính sách này mới thật sự phát huy tác dụng? Từ ngày 10/8/2012, Thông tư số 22 (năm 2012) của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hướng dẫn thực hiện hai QĐ này, nhưng từ khi có QĐ cho đến nay, vẫn chưa có cá nhân, tổ chức nào ở Bạc Liêu được vay vốn để mua sắm máy móc, thiết bị đưa vào sản xuất nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch.
Ông Hà Ẩn Long, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Theo các quyết định này, nông dân phải mua máy gặt đập, máy cày… là hàng nội địa mới được hỗ trợ. Song, do hàng nội địa kém chất lượng, thường xuyên bị hư hỏng, nên nông dân chỉ mua máy do Nhật Bản sản xuất” và như thế sẽ không nằm trong diện được hỗ trợ lãi suất, cho nên người dân không thể tiếp cận được vốn ngân hàng. UBND tỉnh Bạc Liêu đã có kiến nghị đến Chính phủ về vấn đề này nhưng vẫn chưa được tháo gỡ.
Nhiều tàu thuyền thiếu các thiết bị bảo quản sản phẩm sau khai thác. Ảnh: Huy Hùng -TTXVN. |
Cũng theo Sở NN&PTNT, trong lĩnh vực thủy sản, mỗi năm hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt trên 240.000 tấn. Mặc dù đạt sản lượng cao, nhưng tỷ lệ thất thoát sau nuôi trồng, khai thác khá lớn, nhất là trong lĩnh vực khai thác. Ước tính mỗi năm, nông dân phải chịu tổn thất từ 20% - 30% tổng sản lượng khai thác.
Nguyên nhân chính là do số lượng tàu khai thác, đánh bắt cá trên biển tuy nhiều, nhưng chủ yếu lại là tàu có công suất nhỏ, thiếu các thiết bị bảo quản sản phẩm sau khai thác, thường là áp dụng phương pháp bảo quản bằng nước đá xay. Vì vậy, độ lạnh không đủ ở mức cần thiết cho việc duy trì và bảo quản sản phẩm… Nên đến nay, cũng chưa có tàu cá nào được trang bị tủ đông để bảo quản sản phẩm khai thác được, đơn giản là vì chưa có dự án nào của ngư dân gửi đến ngân hàng được thẩm định cho vay, ngư dân vẫn ''làm'' theo cách ướp muối đá xay truyền thống và tổn thất cứ xảy ra!
Cần cụ thể hóa
Với Thông tư 22, NHNN đã cụ thể hóa thêm một bước chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch. Theo đó, Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng TMCP Công thương, Ngân hàng TMCP Ngoại thương là các tổ chức tín dụng được giao thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất theo các QĐ trên.
Riêng Ngân hàng NN&PTNT còn thực hiện cho vay áp lãi suất tín dụng đầu tư phát triển. Đối tượng được vay là các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vay vốn để mua máy móc, thiết bị giảm tổn thất sau thu hoạch; các tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư xây dựng kho dự trữ 4 triệu tấn lúa, bắp, kho lạnh bảo quản thủy sản, bao gồm cả kho lạnh trên tàu đánh bắt thủy sản, rau quả, kho tạm trữ cà phê và các dự án đầu tư chế tạo máy móc, thiết bị nông nghiệp, nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch.
Thông tư cũng hướng dẫn chi tiết về điều kiện được vay hỗ trợ lãi suất và vay theo lãi suất tín dụng đầu tư phát triển, trách nhiệm của các ngân hàng thương mại, trách nhiệm của khách hàng vay vốn… Tuy vậy, sự hỗ trợ này có đến được với nông dân và những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hay không thì còn phải tiếp tục… chờ.
Được biết NHNN ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất, nhiều nông dân trong tỉnh cho rằng: “Chủ trương, chính sách thì đúng và hợp lòng dân… nhưng bao giờ mới phát huy tác dụng? Đây là câu hỏi mà người dân luôn chờ đợi các ngành chức năng, để các quyết định trên thực sự đi vào đời sống.
Nhớ lại những cơn mưa liên tiếp trong những ngày cuối năm 2012 đã làm diện tích lúa thu đông chuẩn bị thu hoạch ở vùng ngọt phía Bắc quốc lộ 1A thuộc các huyện Phước Long, Hòa Bình và Vĩnh Lợi bị sập nặng. Một số nơi diện tích lúa bị sập gần như 100%, gây khó khăn cho thu hoạch của bà con. Lúc này nông dân trông chờ có máy gặt đập giúp thu hoạch lúa nhưng đành phải thu hoạch bằng biện pháp thủ công và tất nhiên tổn thất rất nhiều vì lúa bị sập.
Một chủ trương đúng đắn nhưng chưa phát huy được tác dụng hỗ trợ nông dân, ngư dân tháo gỡ khó khăn, còn tổn thất sau thu hoạch thì tiếp tục ''đến hẹn lại lên''!.
Cao Thăng