Du khách tham quan một gian trưng bày sản phẩm nghề truyền thống tại một Festival Nghề truyền thống Huế. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN |
Ngày 28/5, ông Hoàng Ngọc Khanh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, UBND tỉnh vừa có quyết định phê duyệt tiếp nhận số tiền này và giao cho Trung tâm Phát triển kinh tế và Bảo tồn văn hóa Huế (CPED) để triển khai các hoạt động marketing, phát triển sản phẩm của các nghệ nhân, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh và thực hiện việc trưng bày sản phẩm làng nghề truyền thống.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có quy hoạch phát triển nghề truyền thống và làng nghề trên địa bàn tỉnh định hướng đến năm 2025 với mục tiêu góp phần thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông thôn để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng giảm nhanh tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ; tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần làm thay đổi bộ mặt văn hóa - xã hội của các địa phương theo hướng bền vững, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, quy hoạch cũng nhằm phát triển các nghề và làng nghề các địa phương trên cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đa dạng hóa sản phẩm về mẫu mã, kiểu dáng, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh; chọn lọc, lựa chọn phát triển các ngành nghề và làng nghề của các địa phương có hiệu quả kinh tế cao phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương và gắn với việc bảo vệ môi trường, đồng thời quan tâm bảo tồn một số làng nghề gắn với phát triển dịch vụ du lịch.
Từ nay đến năm 2020, tỉnh Thừa Thiên - Huế đầu tư 144,3 tỷ đồng để hỗ trợ các làng nghề phát triển; tập trung vào một số nội dung như đào tạo nghề, truyền nghề và thu thập nghề mới; xúc tiến quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm của các làng nghề và công nghiệp nông thôn.
Trước mắt, tỉnh đầu tư, hỗ trợ phát triển 8 nghề và làng nghề gắn với du lịch nhằm tạo ra quá trình sản xuất tại chỗ thông qua việc cung ứng các sản phẩm hàng hóa của các làng nghề cũng như các dịch vụ du lịch, tạo thêm việc làm cho người lao động nông thôn.
Tại các làng nghề, tỉnh ưu tiên đầu tư khôi phục, phát triển các ngành nghề chủ yếu sau: làng nghề đúc đồng Huế (phường Phường Đúc và Thủy Xuân, thành phố Huế); làng nghề gốm Phước Tích và làng nghề điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền); làng nghề tranh dân gian làng Sình và hoa giấy Thanh Tiên (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang); làng nghề nón lá Thủy Thanh (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy) và làng nghề nón lá Mỹ Lam (xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang); làng nghề dệt Zèng tại các xã A Roàng, A Đớt (thị trấn A Lưới, huyện A Lưới); làng nghề đan lát mây tre Bao La, xã Quảng Phú và Thủy Lập, xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền).