Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh: Triển khai thực hiện Luật HTX năm 2012, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương đã có nhiều chính sách về đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả HTX nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cùng các Bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương nỗ lực chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp cụ thể.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Minh Tiến phát biểu tại hội nghị. |
Tính đến hết năm 2016, toàn vùng trung du và miền núi phía Bắc có 908 HTX hoạt động tốt và khá, chiếm tỷ lệ 38%, cao hơn bình quân cả nước. Đã có nhiều HTX hoạt động có hiệu quả ở những vùng sản xuất hàng hóa với quy mô phù hợp, trình độ cán bộ quản lý tương đối tốt và đặc biệt có sự liên kết tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp. Đây chính là những mô hình thiết thực về HTX kiểu mới để đánh giá, tổng kết nhân rộng.
Báo cáo sơ kết thi hành Luật HTX năm 2012 vùng trung du và miền núi phía Bắc cho thấy, sau 4 năm thực hiện Luật HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, tốc độ tăng về số lượng HTX nông nghiệp của vùng không nhiều, song chất lượng hoạt động thì được nâng lên rõ rệt. Đây là xu thế chuyển biến tích cực để nâng cao chất lượng, hiệu quả các HTX nông nghiệp hiện nay, góp phần thay đổi nhận thức của xã hội về HTX được tổ chức hoạt động theo Luật HTX năm 2012.
Khu vực trung du và miền núi phía Bắc đã có nhiều HTX hoạt động tương đối hiệu quả, điển hình như vùng sản xuất chè, cây ăn quả, dược liệu, rau hoa, lúa đặc sản, chăn nuôi, thủy sản (cá nước lạnh) như ở các tỉnh Hà Giang, Thái Nguyên, Lào Cai, Sơn La, Bắc Giang và Quảng Ninh. Ở các tỉnh này, các HTX đã có cơ hội tham gia vào các chương trình sản xuất hàng hóa của tỉnh, được hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa; đã có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư liên kết HTX.
Một số mô hình HTX hoạt động có hiệu quả tiêu biểu như HTX chè Tân Cương (Thái Nguyên); HTX Mai Anh (Lào Cai); HTX chăn nuôi Trường Thành (Bắc Giang).
Theo ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), bên cạnh những kết quả đã đạt được, HTX nông nghiệp hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, chỉ có 15% số hộ nông dân trong vùng tham gia vào HTX nông nghiệp.
Một số HTX đã tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX năm 2012 nhưng còn hình thức, chưa mang lại lợi ích rõ rệt cho thành viên. Các mô hình HTX kiểu mới trong các lĩnh vực chuyên ngành chậm được tổng kết và nhân ra diện rộng.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, là tỉnh vùng cao biên giới nằm ở cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang còn gặp rất nhiều khó khăn, song thực hiện Luật HTX 2012 và dựa vào điều kiện thực tế tại địa phương, UBND tỉnh đã chỉ đạo phát triển mạnh các tổ hợp tác, tổ sản xuất với các hộ cùng chung lĩnh vực, sở thích tham gia.
Bên cạnh đó, tỉnh Hà Giang đã ban hành chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong giao đất xây dựng trụ sở HTX; hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn trong thời gian 36 tháng. Đến nay, Hà Giang đã chuyển đổi được 179/196 HTX, về cơ bản các HTX hoạt động không hiệu quả đã được giải thể. Số HTX được thành lập mới có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng.