Mở rộng thanh toán không tiếp xúc từ việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip

Từ ngày 28/5, các ngân hàng thương mại sẽ phát hành thẻ ATM làm bằng công nghệ chip thay cho thẻ từ đang sử dụng hiện nay. Dự kiến cuối năm 2019, có ít nhất 21 triệu thẻ từ được chuyển đổi thành thẻ chip.

Chuẩn hóa an toàn cho thẻ ATM

Chú thích ảnh
Việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip không chỉ gia tăng độ bảo mật thẻ ATM mà còn gia tăng tiện ích thanh toán không tiếp xúc. Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), cho biết, đã có 7 ngân hàng tham gia chuyển đổi gồm: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, Sacombank, TPbank, ABBank. Đây là các ngân hàng có số lượng thẻ lớn, ước tính chiếm khoảng 70% tổng số thẻ trên cả nước.

Đến thời điểm này, hạ tầng, nguồn lực, kỹ thuật... đã sẵn sàng để hỗ trợ các ngân hàng thương mại (NHTM) trong quá trình chuyển đổi theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành tại Thông tư 41/2018/TT-NHNN, sửa đổi Thông tư 19 về hoạt động thẻ ngân hàng. Hạn chót cho việc chuyển đổi toàn bộ thẻ ATM trên thị trường sang thẻ chip là cuối năm 2021.

Theo các NHTM, việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip cho chiếc thẻ ATM sẽ tăng tính bảo mật, an toàn, an ninh, đa tiện ích hơn do việc áp dụng tiêu chuẩn công nghệ thẻ chip sẽ hạn chế tình trạng Skimming (cách đánh cắp thông tin thẻ ATM bằng đầu đọc giả mạo) cũng như các nguy cơ mất an toàn khác như hiện nay. Hiện nhiều nước trong khu vực cũng đang xúc tiến kế hoạch chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip.

Về lộ trình chuyển đổi, các NHTM cho biết sẽ không làm xáo trộn việc dùng thẻ của khách hàng. Trước mắt, sẽ phát hành thẻ chip mới, thẻ đến hạn... sau cùng đó mới đến thời điểm chuyển đổi theo yêu cầu cho tất cả khách hàng.

Hiện nay, chưa có văn bản chính thức nào của các bên về quy định liên quan đến phí chuyển đổi nhưng trong các cuộc họp ban chỉ đạo, các bên vẫn đang giữ quan điểm rằng ngân hàng sẽ phải có trách nhiệm chuyển đổi thẻ cho khách hàng. Theo đó, mỗi ngân hàng sẽ có chính sách riêng cho khách hàng. Tuy nhiên, theo tính toán của các NHTM, ước tính chi phí phôi thẻ chip khoảng 40.000 đồng/thẻ, chưa kể các chi phí khác. Với khoảng 21 triệu thẻ ATM làm bằng từ phải chuyển trong năm nay, chỉ tính riêng chi phí phôi thẻ đã trên 800 tỉ đồng.

Mở rộng thanh toán không tiếp xúc

Theo ý kiến nhiều chuyên gia kinh tế, việc áp dụng đồng bộ tiêu chuẩn thẻ chip giữa các tổ chức tín dụng, đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán không chỉ tăng tính bảo mật thẻ cho khách hàng mà còn giúp gia tăng nhiều tính năng, tiện ích cho khách hàng, góp phần quan trọng cho thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Đáng chú ý, việc dùng thẻ chip có thể tích hợp các ứng dụng thanh toán trong giao thông, bảo hiểm, y tế, giáo dục, thanh toán nhiều dịch vụ công ngay trên cùng một chiếc thẻ. Đặc biệt, thẻ chip còn có ưu điểm vượt trội là không tiếp xúc khi giao dịch. Cụ thể, với các giao dịch giá trị nhỏ, việc thanh toán không tiếp xúc đem lại tiện lợi cho người dùng là sẽ không cần nhập pin, chữ ký mà vẫn có thể giao dịch được. Thẻ có thể vẫn để trong ví, chỉ cần chạm vào thiết bị chấp nhận thẻ khi giao dịch.

NAPAS đề xuất ngưỡng thanh toán không xác thực chủ thẻ mỗi lần có giá trị tối đa 1 triệu đồng, lũy kế cộng dồn tối đa 3 triệu đồng. Sau ngưỡng này, chủ thẻ phải nhập mã PIN để xác thực lại giao dịch, đảm bảo an toàn, thuận lợi cho chủ thẻ cũng như yêu cầu quản trị rủi ro của các ngân hàng. Tuy nhiên, ngưỡng giá trị thanh toán sẽ do mỗi ngân hàng phát hành thẻ quy định.

Đại diện NAPAS cho rằng, khi thiết kế dự án, NAPAS xác định việc chuyển đổi này sẽ đáp ứng nhu cầu hiện tại và dự trù trước nhu cầu trong tương lai để đáp ứng nhu cầu thanh toán không tiếp xúc như dùng thẻ, dùng điện thoại táp lên máy POS để thanh toán. Song song đó, thẻ chip sẵn sàng tích hợp đa ứng dụng cho y tế, giao thông… Trong đó, việc ứng dụng cho giao thông công cộng mang ý nghĩa lớn nên bản thân bộ tiêu chuẩn chip nội địa thiết kế tối tốc độ thanh toán trong giao thông công cộng có thể hoàn thành dưới 300mns.

NAPAS hiện tích cực phối hợp với các địa phương như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tiến tới sẵn sàng ứng dụng thẻ chip nội địa Việt Nam trong giao thông công cộng. Theo đó, từ nay tới cuối năm, sẽ thí điểm với hai tuyến xe bus tại Hà Nội.

Hải Yên/Báo Tin tức
Mobile Money sẽ là giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
Mobile Money sẽ là giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Ngày 23/5, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì tổ chức hội thảo “Tiền điện tử trên thuê bao di động nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN