Tiềm năng ngành nhựa
Theo Tổng cục Thống kê, ngành nhựa hiện có gần 4.000 doanh nghiệp trên cả nước, trong đó 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam. Tổng doanh thu ngành nhựa đã đạt trên 25 tỷ USD, trong đó xuất khẩu chiếm 22%.
Các doanh nghiệp nhựa Việt Nam có thể sản xuất đầy đủ các chủng loại sản phẩm nhựa phục vụ cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Đến nay, sản phẩm nhựa Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 160 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và có mặt khắp các thị trường khó tính như Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha, Nhật, Úc…
Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội nhựa Việt Nam (VPA), Chủ tịch HĐQT CTCP Rạng Đông Holding (mã RDP) chia sẻ, tốc độ tăng trưởng ngành nhựa Việt Nam đang có dấu hiệu chậm lại từ cuối năm 2022 đến nay do những ảnh hưởng từ tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu nói chung và tác động dai dẳng của đại dịch COVID-19 nói riêng.
Cụ thể, tính đến tháng 9/2023, kim ngạch xuất khẩu nhựa giảm 12,2%; tháng 8 giảm 0,5% nhưng vẫn tăng 6,8% so với tháng 7. Hiện tại, tồn kho ở các thị trường lớn của sản phẩm nhựa Việt Nam đã có dấu hiệu giảm nên VPA kỳ vọng tiêu thụ sản phẩm nhựa Việt Nam sẽ có nhiều khởi sắc trong các tháng cuối năm 2023, đơn hàng các doanh nghiệp sẽ nhiều hơn; đồng thời, kỳ vọng đầu ra nội địa và quốc tế cũng có tiến triển tích cực trong cả năm 2024.
Nhìn về xu hướng trong cả giai đoạn 2023 - 2028, Chủ tịch VPA chỉ ra ngành nhựa thế giới nói chung và Việt Nam sẽ có 5 vấn đề lớn. Thứ nhất, tăng trưởng sản xuất và tiêu thụ của ngành nhựa thế giới và Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng sản xuất và tiêu thụ nhựa trong tương lai, do nhu cầu sử dụng nhựa trong nhiều lĩnh vực như đóng gói, ô tô, điện tử, y tế và nông nghiệp vẫn đang tăng lên.
Thứ hai, do tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, ngành nhựa thế giới và Việt Nam sẽ hướng đến chuyển đổi sang sản xuất các loại sản phẩm thân thiện với môi trường, như nhựa tái chế, nhựa sinh học, nhựa tái sử dụng.
Thứ ba, ngành nhựa thế giới và Việt Nam sẽ tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ mới về nhựa, nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Thứ tư, do cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong ngành, các doanh nghiệp sản xuất nhựa sẽ phải nỗ lực để tăng năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm và giảm chi phí sản xuất để cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Thứ năm, Chính phủ Việt Nam sẽ đưa ra các chính sách hỗ trợ cho ngành nhựa nhằm thúc đẩy sản xuất, đầu tư và xuất khẩu, đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất nhựa thực hiện các quy định về môi trường và bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng.
Theo ông Hồ Đức Lam, trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập toàn cầu hiện nay và định hướng xu hướng kinh tế tuần hoàn, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành nhựa cần có sự đầu tư nghiêm túc về công nghệ, thiết bị máy móc, đẩy mạnh các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và có sự phát triển trong tương lai.
Do vậy, để hội nhập thành công, doanh nghiệp ngành nhựa Việt Nam cần chuẩn bị kỹ càng đón đầu cơ hội, đa dạng mẫu mã, nâng cao chất lượng, tìm kiếm nguồn nguyên liệu là những vấn đề mà ngành phải đối mặt và cải thiện nhiều hơn nữa.
Nguyên liệu xanh - chìa khóa thu hút đầu tư
Tuy nhiên, ngành nhựa Việt Nam được ví như ngành gia công vì phần lớn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ 70 - 80%, máy móc thiết bị cũng được nhập khẩu gần như 100% từ các thị trường chính như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Đức, Italy, Malaysia, Singapore…
VPA cho biết, sản lượng nguyên liệu nhập khẩu tăng trưởng đều qua các năm, từ 5,58 triệu tấn trong năm 2018 tăng lên 7,12 triệu tấn trong năm 2022. Đến nay, Việt Nam có thể sản xuất được các nguyên liệu như PVC, PP, PET, PS, PE với tổng công suất gần 3 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu trong nước chỉ mới đáp ứng 30% nhu cầu thị trường nội địa, 70% còn lại được nhập khẩu từ các quốc gia trên thế giới.
Trong khi đó, ông Đinh Đức Thắng, Phó Chủ tịch VPA, Chủ tịch HĐQT CTCP Stavian Hoá Chất thông tin, giá nguyên liệu của ngành nhựa phụ thuộc nhiều vào giá dầu. Trong một năm qua, giá dầu dao động quanh mức 80 - 90 USD/thùng. Nguyên liệu chủ lực là PP biến động quanh mốc 1.000 USD/tấn, các nguyên liệu khác như HDPE FILM CFR, PET, PVC… có mức biến động khoảng 10 - 15%. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp nhựa gặp khó về giá thành khi cạnh tranh xuất khẩu.
"Với xu hướng chung của thế giới về phát triển kinh tế tuần hoàn cũng như tại Việt Nam, Chính phủ đang xây dựng ngành công nghiệp tái chế nhựa trong nước để tạo nguồn cung nguyên liệu nhựa tái sinh. Điều đó sẽ góp phần gia tăng đầu tư máy móc công nghệ mới phục vụ nhu cầu thị trường, tạo cơ hội cho các nhà cung ứng thiết bị máy móc và nguyên vật liệu mới trong tương lai", ông Hồ Đức Lam nhận định.
Bàn về vấn đề này, ông Chung Tấn Cường, Chủ tịch Hiệp hội nhựa TP Hồ Chí Minh cho biết, trong những năm tới, Hiệp hội xác định với các công ty thành viên là thu hút thêm đầu tư xanh để nâng cao năng lực cạnh tranh và có thêm đơn đặt hàng. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng khuyến khích các doanh nghiệp nhựa tập trung vào việc cung cấp đầy đủ và minh bạch dữ liệu để các nhà đầu tư đánh giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, nhờ đó giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn tài chính xanh.
Tuy nhiên, hiện nay ngành nhựa đang gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư xanh phần lớn đến từ việc hạn chế thông tin cho nhà đầu tư đánh giá hiệu suất ESG của các doanh nghiệp nhựa. Do đó, ngành nhựa Việt Nam cần tích cực tìm kiếm các giải pháp tài chính xanh để đáp ứng các mục tiêu bền vững, đồng thời chủ động đối phó với thách thức về rủi ro thanh khoản thông qua việc kết hợp với các tổ chức tài chính trích lập quỹ dự phòng và quản lý rủi ro tín dụng từ khách hàng.
Một giải pháp để giúp các doanh nghiệp triển khai hiệu quả là sử dụng bảo hiểm tín dụng thương mại (TCI), có thể giúp doanh nghiệp giảm rủi ro và đảm bảo ổn định tài chính. Theo Atradius Việt Nam, một trong các tập đoàn bảo hiểm tín dụng lớn thứ hai thế giới với 25% thị phần toàn cầu cho biết, TCI được ví như là một "tấm lá chắn" giúp đội ngũ kinh doanh của doanh nghiệp tự tin hơn khi bán hàng cho đối tác.
“Với TCI, các doanh nghiệp nhựa sẽ có khả năng giảm thiểu rủi ro giao dịch và thúc đẩy phát triển bền vững. Hơn nữa, TCI có thể nâng cao uy tín tín dụng của doanh nghiệp và giúp việc tiếp cận nguồn vốn trở nên dễ dàng hơn, bao gồm cả các khoản tín dụng xanh", bà Vũ Thị Đức Hạnh, Giám đốc Quốc gia của Atradius Việt Nam chia sẻ.
Theo đó, TCI được Hiệp hội nhựa Việt Nam khuyến nghị các doanh nghiệp nên sử dụng để có thể cung cấp thông tin về các thực tiễn thanh toán, quản lý dòng tiền và những giải pháp ổn định dòng tiền, giúp doanh nghiệp nhựa áp dụng các chiến lược quản lý rủi ro tín dụng, đặc biệt khi cân nhắc và thực hiện giao thương với khách hàng mới.