Mở hướng đi mới cho nghề nuôi cá nước lạnh đặc sản

Nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Văn Yên (Yên Bái) đã tận dụng lợi thế từ tự nhiên để phát triển nuôi cá tầm, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi cá nước lạnh đặc sản cho hiệu quả kinh tế cao tại huyện miền núi còn nhiều khó khăn này.

Chú thích ảnh
Gia đình chị Nguyễn Thị Lân, thôn Làng Bang, xã Đại Sơn là một trong những hộ đầu tiên nuôi cá tầm nước lạnh tại huyện Văn Yên.

Nhận thấy địa phương có lợi thế nuôi cá nước lạnh, năm 2022, sau khi tìm hiểu các mô hình nuôi cá tầm từ các trang trại lớn ở Sa Pa (Lào Cai) và Sơn La, chị Nguyễn Thị Lân, thôn Làng Bang, xã Đại Sơn, huyện Văn Yên bắt đầu xây dựng bể để nuôi cá tầm thương phẩm và cá giống.

Theo chị Lân, để nuôi được cá tầm, nguồn nước là yếu tố quan trọng nhất. Qua theo dõi, nhiệt độ nước để cá sinh trưởng và phát triển tốt từ 18 - 21 độ C, trong nước cần có độ PH phù hợp. Cá tầm thích nước chảy nhẹ giúp cung cấp đủ oxy để cá hô hấp. Đặc biệt, khi có dòng chảy liên tục sẽ cuốn trôi chất thải, thức ăn thừa và ngăn ngừa tích tụ các chất bẩn. Nhờ đó, sẽ giảm nguy cơ ô nhiễm nước và hạn chế dịch bệnh.

Song song với nuôi cá tầm thương phẩm, chị Lân còn học hỏi thêm kinh nghiệm nuôi cá giống. Điều này vừa giúp gia đình có cá nuôi, vừa cung cấp con giống cho các hộ dân trong huyện và ngoài tỉnh nhằm giảm chi phí mua con giống, mặt khác tạo thêm thu nhập.

Chị Nguyễn Thị Lân chia sẻ, cá tầm là loại cá nuôi khó tính, trong giai đoạn vừa nở từ trứng (thường từ 5-7 ngày tuổi), cá rất nhạy cảm dễ chết. Để đảm bảo tỷ lệ sống cao, cá cần môi trường nước sạch, oxy cao và nhiệt độ ổn định. Người nuôi cần thường xuyên theo dõi chất lượng nước và điều chỉnh chế độ ăn để cá phát triển tốt. Sau khoảng 45 ngày phát triển thành cá giống (7-10 cm), cá có thể chuyển sang ao nuôi hoặc bể lớn hơn để tiếp tục chăm sóc.

Hiện nay, gia đình chị Lân nuôi khoảng 4 - 5 vạn con, sản lượng thu về từ 100 - 120 tấn cá thịt/năm. Sau một năm chăm sóc, trung bình mỗi con cá sẽ có trọng lượng từ 2,5 - 3 kg/con, giá bán dao động từ 180.000-220.000 đồng/kg. Cá tầm giống nuôi từ 70-80 vạn con. Trung bình mỗi năm gia đình chị thu về hàng tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Sau một năm chăm sóc, trung bình mỗi con cá tầm sẽ có trọng lượng từ 2,5-3 kg/con, thời điểm hiện tại giá bán dao động 180.000 đồng đến 220.000 đồng/kg.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ nuôi cá tầm mang lại, nhiều hộ gia đình trong xã Đại Sơn chủ động mua con giống, học hỏi kỹ thuật chăm sóc từ chị Lân để phát triển kinh tế. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình có thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống.

Anh Chảo Láo Tả, thôn Làng Bang, xã Đại Sơn chia sẻ: thấy được tiềm năng nuôi cá tầm từ trang trại của chị Nguyễn Thị Lân, anh và nhiều hộ dân trong thôn học hỏi kinh nghiệm, mua con giống để nuôi. Anh liên tục học hỏi kỹ thuật chăm sóc, cách xử lý khi cá bị bệnh để đảm bảo tỷ lệ sống. Đến nay, đàn cá của gia đình sinh trưởng và phát triển tốt, mang lại thu nhập ổn định. Nhiều gia đình trong thôn thu về cả trăm triệu đồng mỗi năm.

Theo người dân xã xã Đại Sơn, trước đây bà con chủ yếu sống dựa vào trồng trọt, chăn nuôi truyền thống nên thu nhập bấp bênh. Sau khi chuyển sang nuôi cá tầm, nhiều hộ gia đình đã có nguồn thu nhập cao hơn gấp nhiều lần.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đại Sơn Đặng Tòn Sính, nhận thấy giá trị kinh tế cao từ nuôi cá tầm, một số hộ dân đã chuyển đổi sang mô hình này. Bước đầu cho thấy nuôi cá tầm giúp bà con nâng cao thu nhập cải thiện đời sống. Thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ rừng và nguồn nước, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ dân nuôi cá phát triển kinh tế.

Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Văn Yên Lê Văn Quyền cho biết, Văn Yên là huyện miền núi của tỉnh Yên Bái với gần 80% người dân có thu nhập chính từ sản xuất nông nghiệp. Những năm qua, huyện đã quy họach vùng sản xuất cụ thể dựa trên điều kiện khí hậu thổ nhưỡng như: vùng trồng cây sắn, cây quế, cây dâu nuôi tằm, lúa chất lượng cao và nuôi thủy sản tập trung.

Một vài năm trở lại đây, một số hộ dân chuyển đổi sang mô hình nuôi cá nước lạnh và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó giúp ngươi dân nâng cao thu nhập và làm giàu trên mảnh đất quê hương. Đến nay trên địa bàn huyện có 15 cơ sở nuôi cá tầm và thu về hàng chục tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, việc nuôi cá nước lạnh còn gặp một số khó khăn như nguồn nước phải đảm bảo sạch cho nên việc tạo mặt bằng còn hạn chế bởi ở những khu vực đầu nguồn lại thuộc rừng đặc dụng hoặc khu vực bảo tồn thiên nhiên; cá tầm là đối tượng vật nuôi đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao và kinh nghiệm sâu nên người chăn nuôi phải thường xuyên học hỏi kinh nghiệm.

Thời gian tới, để phát triển triển mô hình này, tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát các cơ sở trên địa bàn. Đối với mặt bằng nuôi trên đất lúa, hướng dẫn người dân làm thủ tục hồ sơ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên đất lúa, nhất là hướng dẫn chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang nuôi thủy sản theo quy định.

Tại khu vực có thể chăn nuôi tập trung, tỉnh Yên Bái có cơ chế liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa người nông dân và doanh nghiệp chế biến, nhằm phát triển tạo vùng nguyên liệu hàng hóa và tăng cường chế biến sâu, đóng hộp làm sản phẩm OCOP để xúc tiến thương mại; liên kết với các đơn vị có kinh nghiệm trong nuôi và chế biến cá nước lạnh để tiêu thụ sản phẩm giúp người dân có đầu ra ổn định, yên tâm phát triển nghề nuôi cá đặc sản này.

Bài, ảnh: Tiến Khánh (TTXVN)
Khuyến cáo không phát triển ồ ạt nuôi cá trong ao tôm
Khuyến cáo không phát triển ồ ạt nuôi cá trong ao tôm

Tại Sóc Trăng, con tôm là một trong những loại thủy sản chủ lực trong phát triển kinh tế của tỉnh. Thế nhưng, vì dịch bệnh, giá cả không ổn định nên nhiều hộ ở vùng chuyên canh nuôi tôm nước lợ chuyển dần sang mô hình nuôi cá nước ngọt, cá nước lợ mang lại thu nhập ổn định. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN