Sân chơi M&A không còn dành riêng DN ngoại
Tại hội thảo “M&A trong đại dịch - lớn mạnh chuỗi giá trị” được tổ chức sáng ngày 15/10 với chủ đề “Biến nguy thành cơ - Lối mở cho doanh nghiệp Việt”, ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam cho biết, dưới góc nhìn của của nhà tư vấn, trong năm 2020 tương đối nhàn bởi số thương vụ M&A có giảm đi đáng kể do ảnh hưởng của bệnh dịch. Tuy nhiên, bước sang năm 2021, khi các nước đã bắt đầu kiểm soát được đại dịch và đã chuẩn bị nguồn lực, nguồn tiền, các thương vụ M&A đã tăng lên đáng kể.
Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2021, hoạt động M&A toàn cầu tăng trưởng kỷ lục nhờ sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Mỹ. Tại Việt Nam, KPMG Việt Nam đã thực hiện thành công các thương vụ M&A qua hình thức trực tuyến. Thương vụ lớn nhất và mới nhất phải kể đến là Tập đoàn Thaco đã hoàn tất việc chuyển nhượng hoạt động kinh doanh siêu thị Emart tại Việt Nam vào tháng 9/2021.
Ông Nguyễn Công Ái tin tưởng, bước sang năm 2022, khi đại dịch được kiểm soát và phủ kín vaccine, hoạt động M&A sẽ sôi động trở lại và có thể đạt tốc độ tăng trưởng 100% so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã chỉ ra 3 đặc điểm về M&A rất đáng chú ý trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 bùng phát và ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu và Việt Nam. Thứ nhất, khối ngoại bị tác động lên M&A tại Việt Nam.
Cụ thể, M&A toàn cầu có sự sụt giảm trong 6 tháng năm 2020 với tổng giao dịch 917 tỷ USD, nhưng sự tăng trưởng lại rất nhanh trong nửa cuối năm khi được kiểm soát, giá trị đạt 2.200 tỷ USD. Trong năm 2021, giá trị M&A toàn cầu là 2.600 tỷ USD. Tương tự tại Việt Nam, M&A năm 2019 đạt giá trị 7,2 tỷ USD, nhiều tập đoàn kinh tế trong nước xuất hiện nhưng khối ngoại vẫn ảnh hưởng lớn. Cả năm 2020, tổng giá trị các thương vụ M&A chỉ 3,5 tỷ USD.
Không chỉ ở con số, M&A còn liên quan tới ngành nghề, hoạt động kinh doanh do bị tác động dịch bệnh. Cụ thể, ngành nghề tập trung nhiều trong M&A là bất động sản, tài chính ngân hàng, công nghệ, logistic, dược phẩm, công nghệ… Nổi bật nhất là ngành bất động sản tập trung hơn 40%, dịch vụ bị tác động mạnh bởi COVID nhưng M&A lại diễn ra mạnh mẽ với 18%…
Thứ 2, dưới tác động của dịch COVID-19, rất nhiều doanh nghiệp (DN) nội tham gia M&A với số lượng tăng lên mạnh mẽ. Cụ thể, năm 2018 chỉ có 18% DN Việt Nam là bên mua nhưng giai đoạn 2019 – 2020, DN Việt Nam tham gia đã tăng lên đến 30% trong tổng giá trị giao dịch; trong đó, thực hiện M&A tại Việt Nam là 70% và 30% tại nước ngoài. Điều này cho thấy, sự vươn lên của DN Việt và sân chơi M&A không còn dành riêng cho doanh nghiệp ngoại.
Thứ 3, việc M&A không còn dừng lại ở sự thôn tính, sát nhập mà là sự hợp tác và liên kết. Cụ thể, từ năm 2019 – 2021 có 80% là mua lại, 9% liên doanh và 11% là sát nhập. Mặt khác, 45% là giao dịch chiều ngang (DN hoạt động trên một thị trường có liên quan, chuyển đổi), 19% là giao dịch chiều dọc (DN hoạt động trên các thị trường có liên quan khác nhau) và 36% giao dịch hỗn hợp.
Theo các chuyên gia kinh tế, trước sự tác động của dịch COVID-19, dự báo M&A tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, chiến lược M&A không phải là thâu tóm, thôn tính mà là sự liên kết chuỗi, chuyển đổi mô hình kinh doanh, mở rộng sản xuất kinh doanh… nhằm nâng cao sự chống chọi, thích ứng với tình hình mới. Đây chính là con đường nhanh nhất, hiệu quả nhất để doanh nghiệp có thể thay đổi và nâng cao chuỗi giá trị của mình.
Triển vọng M&A trong “bình thường mới”
Bàn về vấn đề triển vọng hay số phận của DN Việt sau tác động của dịch COVID-19, đặc biệt là làm sao để DN Việt mạnh lên trong “bình thường mới”, ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, chỉ có M&A là cách nhanh nhất và tốt nhất để cấu trúc lại DN. Đồng thời, đây cũng là thời điểm hợp lý để “dọn dẹp” lại các DN sau khi bị “cơn bão” COVID-19 quét qua.
Nếu nói đến cơ hội, ông Trần Đình Thiên cho biết, có hai vấn đề cần lưu ý. Thứ nhất, tái cấu trúc doanh nghiệp Việt cần thay đổi điều kiện và tháo gỡ cơ chế chính sách, bởi đây không chỉ là cơ hội cho DN Việt thay đổi chân dung bản thân mà rộng hơn là cơ hội cho đất nước.
Thứ hai là nỗ lực từ phía DN, là cách thức thực hiện M&A sao cho hiệu quả nhất. Từ việc phân tích xu hướng, có thể nhận diện cơ hội mới mà các doanh nghiệp trong nước tham gia vào thay đổi DN, không chỉ trông chờ vào các đối tác quốc tế. Theo đó, cần tạo thêm áp lực cho Chính phủ trong việc đưa ra các cải cách, cải tiến… thúc đẩy chính sách để đẩy mạnh M&A.
Theo ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, để thực hiện M&A hiệu quả, vấn đề cơ bản là khả năng liên kết trong cộng đồng doanh nghiệp. Bởi trước đây, các DN chỉ chú ý câu chuyện hợp tác, phụ trợ nhau cùng lớn mạnh nhưng chí hướng lại khác nhau… Giờ đây, DN nên thay đổi cách nghĩ khác, đó là liên kết thông qua hợp tác, bắt tay nhưng có sở hữu lẫn nhau, thay vì đứng trên vai người khổng lồ và “dựa” vào người khổng lồ. "Cuộc chơi" cũng nên xóa đi những "tay chơi yếu kém" nhưng cũng không mong DN có triển vọng phát triển mà lại không có cơ hội phát triển.
Ông Nguyễn Công Ái cũng đồng tình chiến lược M&A là phải liên kết chuỗi, hợp tác nhau. Ví dụ, một ngành khó khăn lớn trong đại dịch là ngành F&B (dịch vụ nhà hàng và quầy uống). Sau thời gian kéo dãi giãn cách xã hội, ngành F&B bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó có khoảng 30% các nhà hàng độc lập biến mất sau đại dịch do không chịu nổi chi phí mặt bằng, nhưng có một loại DN khác có thể phát triển mạnh, đó chính là các chuỗi cà phê, nhà hàng… với khách hàng quay lại sau đại dịch. Đây chính là cơ hội lớn.
“Trong nguy có cơ, chúng tôi thấy trong đại dịch mỗi người có cơ hội ngồi lại, suy nghĩ về cuộc sống làm sao để cải thiện. Doanh nghiệp cũng vậy, họ thấy rõ ràng ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh là cực quan trọng. Chẳng hạn các chuỗi nhà hàng bán tại chỗ phải có dịch vụ bán mang về, như chuỗi Haidilao - bán gói lẩu ăn tại nhà. Điều này cho thấy, DN luôn rất sáng tạo và luôn có giải pháp”, ông Nguyễn Công Ái chia sẻ.
Cũng theo nhiều chuyên gia, trong giai đoạn mới này, chuyển đổi số là bắt buộc nhưng DN phải nhanh. Đây là các xu hướng không thể bỏ qua, là cơ hội cho DN chớp được thời cơ và có chiến lược phù hợp. Hơn nữa, M&A gần đây có tính định hướng rất cao. Trước đây, những DN có rất nhiều tiền và thích tham gia mỗi lĩnh vực một chút, điển hình như Vingroup có thời gian định thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, hàng không… nhưng hiện nay, tập đoàn này đang có định hướng chiến lược rất rõ ràng và cương quyết; hay Masan, Novaland đã mở rộng là NovaGroup, Nova Services Group, Nova Consumer Group… Có thể nói, định hướng chiến lược rõ ràng giúp định hướng M&A rõ ràng và cơ hội thành công cao hơn.
Theo dự đoán của các chuyên gia, năm nay, tăng trưởng M&A có thể chỉ khoảng 4,5 tỷ USD nhưng năm sau có thể quay lại con số trên 7 tỷ USD. Và định hướng M&A theo sự hợp tác cùng phát triển sẽ có tính bền vững hơn nhiều sự liên kết giữa 2 DN là 1 nhà sản xuất, 1 nhà cung cấp. Bởi sự liên kết của M&A theo hình thức hợp tác sẽ góp phần tăng tính liên kết của doanh nghiệp, hình thành chuỗi mới, phát huy điểm mạnh của doanh nghiệp.