Giai đoạn 2019 - 2020 được đánh giá là đầy thách thức với sự biến động và khủng hoảng thị trường toàn cầu. Đối với Việt Nam cũng như những nước khác, đại dịch COVID-19 tạo ra hàng loạt áp lực cho cả nền kinh tế nói chung và từng ngành nghề, lĩnh vực nói riêng.
Tuy nhiên, thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) vẫn chứng kiến những thương vụ đáng chú ý như thương vụ mua lại hoặc tái cấu trúc của những tập đoàn tư nhân. Dự báo giai đoạn 2021 - 2022 thị trường sẽ phục hồi; trong đó khối ngoại, nhất là nhà đầu tư đến từ các quốc gia như Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản... tiếp tục tích cực tham gia hoạt động M&A tại Việt Nam.
Bài 1: Nhiều tín hiệu lạc quan
Trên phạm vi toàn cầu, giá trị M&A năm 2020 đã ghi nhận suy giảm; trong đó Việt Nam được đánh giá ít bị tác động nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á. Trạng thái bình thường mới đã có tác động hai mặt cả tích cực và tiêu cực đến thị trường M&A. Kế hoạch M&A của bên mua và bên bán cũng như tác động đến công việc của nhà nhà đầu tư, nhà tư vấn. Do đó, nắm bắt tín hiệu thị trường là những yêu cầu cấp thiết đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp trong chiến lược M&A.
Hấp dẫn vốn ngoại
Thống kê giai đoạn 2019 – 2020, thị trường M&A Việt Nam vẫn tiếp tục được dẫn dắt bởi nhà đầu tư ngoại; trong đó tập trung vào 4 quốc gia là Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Singapore. Thương vụ M&A tại Việt Nam tập trung vào ngành bất động sản, tài chính – ngân hàng, công nghiệp, bán lẻ; còn những lĩnh vực có thương vụ đáng chú ý gồm: logistics, nông nghiệp, dược phẩm – y tế, xây dựng...
Ghi nhận thực tế trên thị trường Việt Nam, các thương vụ đáng chú ý của giai đoạn 2019 - 2020 là KEB Hana bank và BIDV; Vinacapital và Bệnh viện Thu cúc; Masan Consumer và VinCommerce & VinEco; Stark Corporation và Thipha Cables & Dovina; FWWD và VCLI; Vinamilk và GTN - Sữa Mộc Châu...
Những thương vụ M&A điển hình mà doanh nghiệp Việt Nam thực hiện trong giai đoạn 2019 – 2020 chủ yếu liên quan đến các tập đoàn Masan, Vingroup, Vinamilk, Gelex, REE, Thaco, PAN Group... Bên cạnh những thương vụ thành công, nhiều kế hoạch M&A trong tương lai gần cũng đã được định hình như Kido Group lên kế hoạch sáp nhập các công ty thành viên, Thadi tiếp tục đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp...
Giai đoạn 2019 – 2020, thị trường ghi nhận thêm nhiều thương vụ M&A của nhà đầu tư Nhật Bản. Lĩnh vực doanh nghiệp Nhật bản tham gia là bất động sản, xây dựng, tài chính – ngân hàng và dược phẩm – y tế. Đáng chú ý là Mitsubishi Corporation và Nomura Real Estate mua lại 80% trong giai đoạn 2 Dự án Grand Park của Vingroup; Ngân hàng Aozora mua 15% cổ phần của Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông; Tập đoàn bất động sản Haseko mua 36% cổ phần của Công ty Xây dựng Ecoba...
Tương tự, nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc thời gian gần đây cũng tích cực tham gia thị trường M&A Việt Nam với nhiều hoạt động sôi nổi. Cụ thể, một số thương vụ đáng chú ý như SK Investment III (công ty con của SK Group) đã nhận được hơn 12 triệu cổ phiếu, tương đương gần 25% cổ phiếu của Imexpharm Corporation; Lotte Chemical (thuộc Tập đoàn Lotte) đã mua lại Công ty VinaPolytech; GS Caltex đã chi 39 tỷ đồng (gần 1,7 triệu USD) để mua 16,7% cổ phần của VI Automotive Service (công ty mẹ của VietWash)...
Trong khi đó, nhà đầu tư Thái Lan tiếp tục có những thương vụ M&A tại thị trường Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất. Điển hình, Thương vụ Tập đoàn Stark mua lại Công ty cáp điện Thịnh Phát và Dovina, Tập đoàn SCG mua lại Công ty Bao bì Biên Hòa...
Liên quan đến cơ hội thị trường M&A Việt Nam đối với nhà đầu tư ngoại, ông Masataka “Sam” Yoshida - Giám đốc toàn cầu Dịch vụ mua bán - sáp nhập xuyên quốc gia, RECOF Corporation, Tổng giám đốc RECOF Việt Nam cho rằng, hiện tại có xu hướng M&A của nhà đầu tư Nhật Bản vào khu vực Đông Nam Á. Việt Nam là một trong những nước đạt số thương vụ cao nhất khu vực. Tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2020, giữa Nhật Bản và Việt Nam có 21 giao dịch M&A công bố, chỉ đứng sau Singapore.
Còn xét về giá trị giao dịch, Việt Nam đứng thứ hai với giá trị 282 triệu USD. Việt Nam thậm chí còn chiếm vị trí cao hơn so với năm 2019 trong bảng xếp hạng giá trị giao dịch. Điều này cho thấy, sự quan tâm của nhà đầu tư Nhật Bản đối với thị trường M&A Việt Nam là rất lớn ngay cả trong đại dịch. Còn việc chậm lại trong hoạt động đầu tư hoàn toàn chỉ là vấn đề về thời gian, vì trước bối cảnh đại dịch thì doanh nghiệp, nhà đầu tư cần tái cấu trúc lại ngành nghề, lĩnh vực đầu tư, kinh doanh là vấn đề tất yếu.
"Xu hướng M&A của công ty Nhật Bản vào Việt Nam sẽ sôi động trong giai đoạn tới, bởi doanh nghiệp Nhật Bản cần thị trường mới để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hiện tại, hầu hết ngành nghề, lĩnh vực ở Nhật Bản đã phát triển chạm trần, gần 1/3 dân số tuổi trên 65 tuổi, khiến độ tuổi trung bình của người Nhật Bản là 48,4 tuổi (hơn người Việt Nam gần 20 tuổi) và dân số giảm khoảng 276.000 người mỗi năm" - ông Masataka “Sam” Yoshida cho biết thêm.
Chiến lược thận trọng
Báo cáo tổng quan thị trường M&A Việt Nam 2019 - 2021 của Viện nghiên cứu Đầu tư và Mua bán sáp nhập – CMAC Institute cho thấy, tình hình kinh tế toàn cầu thay đổi, tác động của COVID-19 làm cho doanh nghiệp cũng như quỹ đầu tư phải điều chỉnh chiến lược; trong đó xem xét thận trọng hơn đối với kế hoạch M&A. Hơn thế nữa, chính sách cách ly được áp dụng trên toàn cầu, cũng như tại Việt Nam đã dẫn đến nhiều thương vụ phải tạm dừng do bên mua, tư vấn không thực hiện được thẩm định chi tiết, gặp gỡ, đàm phán...
Báo cáo này cũng chỉ rõ, khó khăn về tài chính đòi hỏi doanh nghiệp phải ưu tiên tập trung vào ngành nghề chính và hủy, hoãn thương vụ mở rộng, nhất là thương vụ mua lại ngoài ngành nghề, lĩnh vực hoạt động chính; mua lại dựa vào nguồn vốn vay... Bên mua thay đổi chính sách giá và chỉ chấp nhận mua với giá thấp hơn, nên trong nhiều thương vụ cả bên bán và bên mua gặp khó khăn, cũng như không chốt được thỏa thuận. Trong khi đó, những thương vụ liên quan đến nhà nước vướng phải thách thức khi quá trình định giá đã được thực hiện từ trước giai đoạn bình thường mới.
Một số chuyên gia đánh giá, nhiều yếu tố không chắc chắn của cả bên mua và bên bán dẫn đến giao dịch khó thành công hơn trong giai đoạn này. Vì vậy, ưu thế trên thị trường và lựa chọn sẽ dành cho những nhà đầu tư và doanh nghiệp có tiềm lực tài chính tốt, bởi lẽ khủng hoảng khiến nhiều doanh nghiệp phải tái cấu trúc, bán bớt tài sản, kêu gọi đầu tư...
Trên thực tế, không chỉ giai đoạn hiện nay mà trong thời gian trước đây, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện thương vụ mua lại hoặc đầu tư ngoài ngành nhưng không hiệu quả. Do đó, muốn thành công trong M&A, doanh nghiệp bắt buộc phải đánh giá lại khoản đầu tư và tái cấu trúc lại doanh nghiệp để tập trung vào ngành nghề, lĩnh vực chính hoặc ưu tiên cho chiến lược phát triển bền vững hơn là mở rộng.
Thời gian cách ly kéo dài đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nhà đầu tư có thời gian nhiều hơn để tìm hiểu, đánh giá những thương vụ M&A tiềm năng. Khi doanh nghiệp và nhà đầu tư có cơ hội thận trọng hơn trong việc "đo lường" sự tăng trưởng bền vững của thương vụ M&A, cũng là một cách hiệu quả để thẩm định chi tiết kỹ càng hơn và có những quyết định tốt hơn.
Ông Phạm Duy Khương - Giám đốc Công ty ASL Law cho rằng, doanh nghiệp và nhà đầu tư trước nay vẫn rất chú trọng về những vấn đề hậu M&A liên quan đến tranh chấp thường phức tạp, chẳng hạn tranh chấp về tổ chức đoàn thể, lao động... ở doanh nghiệp Việt Nam. Mặt khác, vấn đề tài chính công nợ, pháp lý... trong M&A mặc dù đã thẩm định kỹ lưỡng nhưng cũng không lường trước hết được 100% rủi ro của thương vụ vì luôn có khoảng trống nhất định để lại cho các bên.
Còn theo ông Warrick Cleine - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia, tình hình thị trường thay đổi là nguyên nhân các bên phải thay đổi yếu tố đầu vào cho mô hình định giá và dẫn đến kết quả định giá sẽ thấp hơn so với trước đây. Mặt khác, do khó khăn và đứng trước sức ép về tài chính, nên bên bán sẽ phải chấp nhận mức giả thấp hơn so với kỳ vọng và bên mua có cơ hội mua doanh nghiệp với giá rẻ hơn.
"Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư lạc quan về những giao dịch M&A theo những hình thức sở hữu mới trực tiếp và gián tiếp hay vốn chủ sở hữu. Ngoài ra, nhóm doanh nghiệp gia đình có những tín hiệu tích cực trong thị trường vốn tại Việt Nam, hay những lĩnh vực tăng trưởng tốt sẽ thu hút được nhà đầu tư và doanh nghiệp thực hiện M&A" - ông Warrick Cleine nhận định.
Bài 2: Kênh thu hút đầu tư tiềm năng