Từ đầu vụ đến nay, nông dân vùng U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang đã thực hiện mô hình luân canh tôm - lúa với diện tích hơn 77.100 ha. Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng kéo dài, hệ thống thủy lợi thiếu đồng bộ, chất lượng con giống không đảm bảo, giá tôm sụt giảm sâu khiến nông dân gặp nhiều khó khăn. Thất thu do nắng nóngNhiều nông dân vùng U Minh Thượng cho biết, sản xuất luân canh tôm - lúa được nhiều cái lợi: giảm lượng phân bón, thuốc trừ sâu, giống, tạo môi trường tốt cho vụ thả tôm nuôi tiếp theo.Với việc thực hiện mô hình này, nếu trúng mùa lúa thì hầu hết vụ tôm cũng trúng mùa. Tuy nhiên, mô hình sản xuất này chưa thực sự bền vững khi gặp thời tiết bất lợi.
Nhiều hộ nuôi tôm ở Kiên Giang đang gặp khó khăn do thời tiết nắng nóng. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN
|
Cụ thể, tại huyện An Biên, đến đầu tháng 6, nông dân thả nuôi tôm hơn 10.750 ha, tăng trên 11% so với kế hoạch. Tuy nhiên, tình hình khô hạn, nắng nóng kéo dài nên thiếu nước cung cấp cho tôm nuôi. Độ mặn trong các ao đầm cao ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của đàn tôm. Toàn huyện thu hoạch gần 1.500 ha, năng suất bình quân 170 kg/ha, giảm 60 - 70% so với cùng kỳ.
Vùng sản xuất luân canh tôm - lúa U Minh Thượng gồm các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng. Những năm qua, nông dân tại các địa phương này đã chuyển đổi sản xuất hai vụ lúa, năng suất thấp sang mô hình luân canh tôm - lúa, tăng giá trị kinh tế lên 100 - 150 triệu đồng/ha/năm. |
Ông Lê Văn Liền, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Biên cho biết, qua khảo sát ban đầu, toàn huyện có hơn 466 ha tôm nuôi bị thiệt hại; trong đó, 387 ha thiệt hại trong giai đoạn cận thu hoạch và 80 ha tôm chết sớm. Nguyên nhân do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ trong ngày và đêm chênh lệch cao, thiếu nước cục bộ, chưa đảm bảo những yếu tố kỹ thuật cần thiết trong quá trình nuôi tôm.
Ông Trần Văn Sen, ấp Thành Trung, xã Đông Thái, huyện An Biên với diện tích đất nhà gần 3 ha và thuê thêm 2,5 ha thực hiện mô hình vụ tôm, vụ lúa. Tuy nhiên, vụ tôm năm 2015, nắng nóng kéo dài, xuất hiện những cơn mưa trái mùa khiến tôm chết gần 100% diện tích, thua lỗ trên 80 triệu đồng.
Theo nông dân Trần Văn Trường, ấp Yên Bình, xã Nam Yên, huyện An Biên, nước cần cho nuôi tôm khoảng 6 tấc trong ruộng nhưng năm nay chỉ đạt 3 - 4 tấc nên tôm chậm phát triển. Năm trước, độ mặn năm trong ruộng thời điểm cao nhất 30‰, năm nay lên 40 - 45‰, tôm rất khó sống, độ mặn để tôm phát triển tốt khoảng 15 - 20‰.
Bên cạnh đó, giá tôm năm nay so với năm trước giảm từ 30 - 50% nên lãi thu được không cao. Anh Nguyễn Phước Vĩnh, thương lái thu mua tôm ở ấp Bào Trâm, xã Nam Yên, huyện An Biên cho biết, năm trước, tôm sú loại 30 con/kg giá bình quân 260.000 đồng/kg nhưng năm nay chỉ đạt khoảng 160.000 đồng/kg. Hộ gia đình anh Trần Văn Trường ở ấp Yên Bình, xã Nam Yên, huyện An Biên thả nuôi 2 ha tôm theo mô hình sản xuất tôm - lúa. Mùa vụ năm 2014, sản lượng tôm thu hoạch 600 kg, sau khi trừ chi phí lợi nhuận thu được 150 triệu đồng. Năm nay lợi nhuận khoảng 80 triệu đồng, giảm hàng chục triệu đồng so với mùa vụ trước.
Khuyến cáo nuôi tôm đúng quy trìnhTrước diễn biến phức tạp của thời tiết, ngành chức năng tỉnh Kiên Giang tập trung đầu tư nạo vét hệ thống các công trình thủy lợi cấp thiết, thi công xây dựng công trình trọng điểm nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nước cho sản xuất. Nông dân được khuyến cáo tuân thủ các quy trình kỹ thuật nuôi tôm nhằm hạn chế rủi ro, thiệt hại, ổn định sản xuất.
Theo ông Lê Văn Liền, ngành đã khuyến cáo nông dân khi nuôi tôm tuân thủ các khâu kỹ thuật. Đặc biệt trong quá trình nuôi, bà con phải có ao trữ nước để chủ động cấp thoát nước, giữ mực nước ổn định khoảng 6 tấc để khi gặp thời tiết nắng nóng môi trường không bị thay đổi, hạn chế dịch bệnh xảy ra trên tôm.
Ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương vùng nuôi tôm chủ động giám sát dịch bệnh tôm nuôi trong giai đoạn thời tiết chuyển mùa, hướng dẫn nông dân bao vây, dập dịch khi mới phát sinh. Công tác tập huấn kỹ thuật cho nông dân thực hiện nuôi tôm theo mô hình này được chú trọng, nhất là xử lý môi trường nguồn nước. Riêng về giá tôm, kiến nghị Trung ương cần có chính sách bình ổn giá, giải quyết đầu ra cho tôm giúp nông dân yên tâm sản xuất, tạo nguồn sản phẩm sạch cung ứng cho chế biến xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh quy hoạch vùng sản xuất tôm - lúa U Minh Thượng gắn với đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi phục vụ trồng lúa và nuôi tôm, nhất là đảm bảo nguồn nước cho tôm trong mùa khô hạn. Việc đầu tư nâng cao chất lượng trại giống hiện có và kiểm soát chặt chẽ nguồn giống di nhập vào tỉnh được chú trọng, tăng cường công tác khuyến nông - khuyến ngư trong sản xuất luân canh tôm - lúa, hướng dẫn nông dân nắm biện pháp kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất.