Vụ Xuân năm nay, lúa cỏ đã lây lan ra nhiều cánh đồng trên địa bàn xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường. Những diện tích bị lúa cỏ nặng mất trắng phải cắt bỏ hoàn toàn lên tới gần 50 ha và có khả năng tăng thêm trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hồng cho biết, lúa cỏ lác đác xuất hiện trên các cánh đồng tại địa phương từ khoảng 3 năm trước. Do không được xử lý đúng cách, lúa cỏ đang lây lan mạnh, hiện có khoảng 30% diện tích lúa trồng bị nhiễm lúa cỏ nặng, địa phương đang vận động người dân cắt bỏ để tránh lây lan ra các diện tích khác.
Theo người dân địa phương, những năm gần đây, giá phân bón và các loại vật tư nông nghiệp khác đều tăng, trong khi giá lúa thương phẩm giảm khiến nhiều nông dân chán ruộng. Vụ lúa Xuân năm nay, cây lúa đang chuẩn bị bước vào giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng lại xuất hiện lúa cỏ phát triển mạnh, nhiều diện tích phải cắt bỏ hoàn toàn khiến người trồng lúa lại thêm khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Cậy ở xã Xuân Hồng cho hay, vụ Xuân năm nay gia đình bà cấy 2,5 sào (900m2) lúa Bắc thơm số 7. Ruộng lúa của gia đình hiện có khoảng 20% diện tích đang bị nhiễm lúa cỏ, vì thế những ngày này phải tập trung nhân lực để nhổ bỏ lúa cỏ.
Theo bà Cậy, lúa cỏ rất giống với lúa thường, tuy nhiên lúa cỏ thường sinh trưởng rất nhanh, trổ bông sớm hơn, có râu dài, tỷ lệ hạt lép cao. Lúa cỏ thường cạnh tranh dinh dưỡng và nguồn đất và lấn át lúa trồng nên khi phát hiện ra lúa cỏ phải nhổ ngay nếu không sẽ lan ra cả ruộng và ảnh hưởng tới cả những vụ lúa sau.
Ông Mai Trung Kiên, Trưởng xóm 17, xã Xuân Hồng thông tin, những diện tích bị nhiễm lúa cỏ năng suất thường giảm từ 30-40% so với nơi không bị nhiễm. Mặt khác, việc bán thóc thương phẩm ở đây cũng rẻ hơn khoảng một nửa so với những nơi không bị nhiễm lúa cỏ, thậm chí nhiều thương lái còn không mua.
Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, lúa cỏ bắt đầu xuất hiện trên địa bàn từ năm 2015 với diện tích rất nhỏ sau đó lan rộng. Hiện tại Nam Định đã có khoảng 250ha bị nhiễm lúa cỏ; trong đó, nhiều diện tích bị mất trắng.
Lúa cỏ có khả năng lây lan nhanh, phát triển mạnh, cạnh tranh trực tiếp về dinh dưỡng, ánh sáng với lúa trồng gây hại không kém bất cứ loại dịch hại nào. Nếu không xử lý đúng cách, lúa cỏ sẽ có nguy cơ bùng phát ra các địa phương khác và gây thiệt hại lớn ở các vụ kế tiếp.
Ngành nông nghiệp Nam Định khuyến cáo, đối với những diện tích đang bị lúa cỏ gây hại nhẹ, người dân cần phải nhổ bỏ ngay lúa cỏ bằng tay, thường xuyên cắt các bông lúa cỏ lẫn tạp khi mới trỗ bông. Những diện tích lúa bị nhiễm lúa cỏ từ 70-80% cần cắt bỏ hoàn toàn rồi tiêu huỷ để tránh nguồn lây lan. Khi thu hoạch, máy gặt lúa ở những cánh đồng bị nhiễm lúa cỏ cần phải được rửa sạch trước khi sang các cánh đồng khác gặt.
Về lâu dài, sau khi thu hoạch, các địa phương cần tiến hành đưa nước tạo ẩm trên ruộng để nhử hạt cỏ và các loại cỏ dại tiếp tục nảy mầm, sau đó tiến hành cày lật và ngâm dầm cho thối hạt lúa cỏ. Trước khi vào vụ gieo cấy cần tiến hành làm đất kỹ và san phẳng mặt ruộng mới tiến hành gieo cấy.
Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nam Định khuyến cáo, đối với những diện tích bị nhiễm lúa cỏ, người dân cần chuyển từ phương pháp gieo sạ sang phương pháp cấy lúa bằng tay để có thể phân biệt cây lúa cỏ lúc còn non khi chúng mọc ngoài hàng lúa. Người dân sử dụng giống lúa đạt tiêu chuẩn về chất lượng, tuyệt đối không sử dụng giống tại những vùng bị nhiễm lúa cỏ để gieo cấy.