Cụ thể, lợi nhuận ròng của Saudi Aramco trong giai đoạn ba tháng tính đến ngày 30/6 dừng ở mức 6,6 tỷ USD so với con số 24,7 tỷ USD được ghi nhận trong cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, nếu tính trong sáu tháng đầu năm 2020, lợi nhuận ròng của Saudi Aramco cũng giảm 50% xuống còn 23,2 tỷ USD so với mức 46,9 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái.
Giám đốc điều hành Amin Nasser cho biết trong một tuyên bố: “Những ‘cơn gió ngược’ xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ và giá dầu giảm đã được phản ánh trong kết quả kinh doanh quý II của chúng tôi”.
Trong giai đoạn tháng 4 và 5/2020, nhu cầu tiêu thụ năng lượng trên toàn cầu giảm mạnh đã khiến giá dầu “rơi” xuống dưới ngưỡng 20 USD/thùng - mức thấp nhất của hai thập kỷ, trước khi phục hồi lên quanh ngưỡng 44 USD/thùng. Mức giá này có được là do Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đối tác (OPEC+) đã đồng ý cắt giảm mạnh sản lượng, trong đó Saudi Arabia hạ sản lượng xuống chỉ còn 7,5 triệu thùng/ngày trong tháng 6/2020, so với mức trung bình 10 triệu thùng/ngày của năm 2019.
Saudi Arabia - quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - đã chịu ảnh tác động nặng nề từ môi trường giá năng lượng thấp và phải thực hiện cắt giảm sản lượng.
Bên cạnh yếu tố vĩ mô, lợi nhuận của Saudi Aramco cũng chịu ảnh hưởng từ các khoản lỗ do công ty hóa dầu khổng lồ Saudi Basic Industries Co. (SABIC), vốn được Saudi Aramco mua lại với giá 69 tỷ USD trong một thỏa thuận vào năm 2019.
Trước đó, vào tháng 12/2019, Saudi Aramco đã được niêm yết trên thị trường chứng khoán của Saudi Arabia sau lần chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng lớn nhất thế giới, với doanh thu 29,4 tỷ USD từ việc bán chỉ 1,7% cổ phần.
Giám đốc điều hành Nasser cho biết Saudi Aramco sẽ chi trả khoản cổ tức trị giá 18,75 tỷ USD trong quý II/2020 để thực hiện lời hứa được đưa ra vào thời điểm được niêm yết, đó là phân phối ít nhất 75 tỷ USD tiền cổ tức mỗi năm trong vòng 5 năm.
Nhà lãnh đạo này nói: “Bất chấp việc đại dịch COVID-19 đang đẩy thế giới vào thế bế tắc, Saudi Aramco vẫn tiếp tục”.
Tuần trước, tập đoàn công nghệ Mỹ Apple đã "soán ngôi" Saudi Aramco trở thành công ty có giá trị lớn nhất thế giới sau khi giá trị vốn hóa của Apple tăng lên ngưỡng 1.900 tỷ USD so với con số chỉ 1.760 tỷ USD của Saudi Aramco.