Loại bỏ các loại “giấy phép con” cản trở doanh nghiệp

Trong quá trình rà soát điều kiện kinh doanh, Bộ nào muốn duy trì các ‘giấy phép con’sẽ phải chứng minh sự cần thiết của điều kiện đó”, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), đồng thời đứng đầu nhóm công tác liên ngành rà soát các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và kinh doanh có điều kiện (được Bộ trưởng Bộ KH&ĐT thành lập trong tháng 8 vừa qua), đã khẳng định như vậy tại cuộc tọa đàm chiều 6/10 về “Kết quả sơ bộ rà soát các ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện”.


Làm thui chột ý định kinh doanh của doanh nghiệp

Ông Lê Duy Bình, chuyên gia rà soát độc lập đến từ Công ty cổ phần Tư vấn Quản lí Kinh tế Economica Việt Nam, cho biết qua rà soát tổ liên ngành đã liệt kê được có 110 ngành nghề yêu cầu phải có giấy phép kinh doanh với 171 loại giấy phép kinh doanh và 83 ngành nghề yêu cầu có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh với 62 loại giấy chứng nhận. Bên cạnh đó, có 44 loại ngành nghề cần có chứng chỉ hành nghề với 53 loại chứng chỉ hành nghề. Ngoài ra còn có 345 ngành nghề yêu cầu phải có chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Giải quyết thủ tục hành chính tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.
Ảnh: Danh Lam - TTXVN



Với 68 điều kiện kinh doanh thuộc những ngành nghề kinh doanh do Bộ Công Thương quản lý và ban hành, Bộ này đã trở thành "nhà vô địch" về ban hành “giấy phép con”. Tiếp theo là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với 58 điều kiện kinh doanh... Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Bộ Tư pháp là hai bộ ít đặt điều kiện kinh doanh nhất, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 4 điều kiện, còn Bộ Tư pháp có 7 điều kiện kinh doanh.

“Các giấy phép này được ban hành rất đa dạng, phong phú. Rất nhiều điều kiện khắt khe với việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp. Thậm chí, chỉ một thông tư đã làm thui chột hàng ngàn ý định kinh doanh”, ông Lê Duy Bình nhấn mạnh.

TS Nguyễn Đình Cung cho rằng cần công khai hóa danh mục các ngành, nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện theo phương án: Luật đầu tư sẽ quy định về danh mục tên; còn các điều kiện kinh doanh tương ứng sẽ do Chính phủ công bố, công khai trước khi Luật Đầu tư có hiệu lực...

Ông Phan Đức Hiếu, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của CIEM, thường trực nhóm rà soát đã đưa ra nhiều ví dụ bất cập về điều kiện kinh doanh. Chẳng hạn, những điều kiện kinh doanh trong ngành bảo hành, bảo dưỡng ô tô hoàn toàn có thể do thị trường giải quyết, như vậy Nhà nước không cần đưa ra điều kiện kinh doanh trong ngành này. Hoặc kinh doanh dịch vụ việc làm phải có địa điểm đặt trụ sở ổn định từ 3 năm trở lên, tại sao lại là 3 năm, ông Hiếu cho rằng điều kiện này không hợp lý bởi vì áp đặt quá mức.

Đối với yêu cầu phải có một số lượng phương tiện tối thiểu nào đó mới được kinh doanh vận tải, ông Phan Đức Hiếu cũng đánh giá là rất bất cập. “Nếu người dân bắt đầu kinh doanh với một xe ô tô cũng rất tốt, miễn sao bảo đảm an toàn và nếu phát triển được thì nâng lượng xe lên. Nếu tôi có một xe bốn chỗ mà không cho tôi kinh doanh taxi thì chỉ có cách là chạy taxi dù”, ông Hiếu nói.

Tương tự, ông Bùi Anh Tuấn, Cục phó Cục Quản lý đăng ký kinh doanh của Bộ KH&ĐT nhận xét, có nhiều ngành quy định điều kiện kinh doanh quá chặt như sản xuất thực phẩm rất chặt, đến bốn trang quy định chi tiết. Để đáp ứng các điều kiện này thì doanh nghiệp rất khốn khổ nhưng để giải quyết vấn đề ngộ độc thực phẩm thì vấn đề là hậu kiểm mới quan trọng.

Cải cách mạnh mẽ thủ tục kinh doanh


Ông Lê Duy Bình đề xuất cần chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, bởi quá chú trọng vào tiền kiểm điều kiện kinh doanh sẽ làm lệch trọng tâm và mục tiêu quản lý, dẫn tới thực trạng nhiều cơ quan chỉ chú trọng vào việc kiểm tra điều kiện kinh doanh, trong khi điều kiện kinh doanh không đủ hoặc không hiệu quả để giải quyết vấn đề.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, bà Phạm Hoàng Ngọc Linh, Công ty Tư vấn Luật, nêu lý do vì sao cần phải cải cách thủ tục kinh doanh. Bà Linh giải thích cải thiện môi trường kinh doanh nói chung và cải thiện hình ảnh chất lượng về sự minh bạch và hiệu quả của cơ quan Nhà nước.

Đại diện CIEM cũng đã kiến nghị cần bãi bỏ giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; chỉ giữ lại những ngành, nghề thực sự cần thiết phải tiền kiểm và hậu kiểm như dịch vụ khám chữa bệnh... Bên cạnh đó, cần chuyển phương thức quản lý bằng điều kiện kinh doanh dưới hình thức phương tiện, nhân lực... sang quản lý theo kết quả, tức là quy định tiêu chuẩn sản phẩm, dịch vụ, khuyến khích doanh nghiệp, tự xây dựng và áp dụng thực hành sản xuất tốt ISO, GMP...

Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng không hẳn cứ bớt được nhiều điều kiện kinh doanh là tốt. Điều kiện nào cần thì phải giữ, cái gì không cần thì bỏ, mục tiêu cuối cùng là làm thế nào để giảm bớt gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, rõ ràng.

Nhắc lại tinh thần của Thủ tướng trong thông điệp đầu năm mới 2014 về “nhà nước kiến tạo”, ông Đông cho rằng trong cải cách thủ tục hành chính, các cơ quan nhà nước phải ngồi lại với nhau để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, chứ không phải doanh nghiệp đi từng cửa đến từng cơ quan. Tức là chỉ nên có một cơ quan thống nhất đặt ra điều kiện kinh doanh với một ngành nghề.

Đức Kiên


Thu hồi 4 giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông

Nguyên nhân là do những doanh nghiệp này chưa triển khai trên thực tế nội dung quy định trong giấy phép viễn thông được cấp sau thời hạn 2 năm kể từ ngày được cấp phép, theo quy định tại điểm d, Khoản 1, Điều 39 của Luật Viễn thông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN