Lô vải thiều đầu tiên của Bắc Giang xuất khẩu sang Nhật Bản

Sáng 26/5, lô vải thiều sớm của huyện Tân Yên (Bắc Giang) được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn về thực phẩm và phòng dịch COVID-19.

Tin vui từ tâm dịch Bắc Giang

Ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại (thuộc Sở Công Thương Bắc Giang) cho biết, sáng 26/5, tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang diễn ra Lễ xuất hành lô vải thiều sớm Tân Yên đi thị trường Nhật Bản. Có khoảng 20 tấn vải thiều được các Công ty CP Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu… được xuất sang Nhật Bản trong dịp này. Đây là năm thứ 2 trái vải thiều Bắc Giang xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

“Năm nay khó khăn do dịch COVID-19 nên chuyên gia Nhật Bản không thể sang Việt Nam để giám sát hoạt động thu hái, xông hơi và khử trùng theo tiêu chuẩn quy định. Tuy nhiên, phía Nhật Bản đã ủy quyền cho Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện việc này nên mọi thủ tục xuất khẩu sang Nhật vẫn được đảm bảo thuận lợi”, ông Nguyễn Văn Thọ cho biết.

Đại diện Sở Công Thương Bắc Giang cho biết thêm, tất cả những lô vải xuất đi Nhật Bản đều được trồng tại vườn được phía Nhật Bản cấp mã số vùng trồng đáp ứng tiêu chuẩn để xuất sang Nhật Bản.

Về mặt giá cả, giá thu mua vải xuất khẩu sang Nhật Bản tại vườn nằm trong khoảng 22.000 - 30.000 đồng/kg, tương đương năm ngoái, cao hơn giá thu mua ngoài chợ khoảng 7.000 - 10.000 đồng/kg.

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Bắc Giang đã chủ động xây dựng kế hoạch về sản xuất vải thiều an toàn dịch bệnh với với nhiều biện pháp đồng bộ.

Chú thích ảnh
Lô vải đầu tiên của Bắc Giang được xuất khẩu sang Nhật Bản. Ảnh: NT.

Ba kịch bản cho quả vải

Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, theo thống kê, năm 2021, diện tích vải của tỉnh đạt 28.100 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020). Thời gian thu hoạch bắt đầu từ khoảng 20/5 đến cuối tháng 7 (vải chín sớm bắt đầu thu hoạch từ 20/5; vải thiều chính vụ từ 10/6). Mùa thu hoạch vải 2021 đang cận kề, trong khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, không để sản xuất đứt gãy, tỉnh đã ban hành kế hoạch với 3 kịch bản tiêu thụ vải thiều, cùng nhiều giải pháp hỗ trợ việc mua, bán vải cho bà con.

Bên cạnh xây dựng kịch bản ứng phó theo tình hình của dịch COVID-19, ngay từ đầu tháng 5, tỉnh đã thành lập các tổ chốt, trạm tại các tuyến đường, cửa ngõ ra vào vùng vải tập trung của các vùng trồng vải như Tân Yên, Lục Ngạn để kiểm soát công tác phòng, chống dịch COVID-19. Các chốt chặn giúp đảo đảm an toàn vùng sản xuất vải thiều, không có trường hợp F1 ở khu vực các vùng vải tập trung. Người dân cũng được vận động không đi ra nơi khác.

"Đồng thời, các đơn vị như Công Thương, Nông nghiệp, Y tế sẽ phối hợp để lập hồ sơ và giấy xác nhân lô hàng vùng sản xuất an toàn dịch bệnh COVID-19 với các nội dung liên quan đến chủ lô hàng, ngày xét nghiệm và kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2; xuất xứ lô hàng, khối lượng lô hàng, cơ sở đóng gói... và cả thông tin về lái xe vận chuyển kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV -2... Việc thiết lập vùng nông sản an toàn sẽ tạo tâm lý yên tâm cho khách hàng”, ông Trần Quang Tấn cho biết.

Liên quan tới tiêu thụ nông sản Bắc Giang, trong đó có vải thiều, tại Hội nghị trực tuyến giữa Bộ Công Thương và lãnh đạo tỉnh Bắc Giang ngày 25/5, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương chia sẻ mong muốn Bộ Công Thương ủng hộ tỉnh Bắc Giang, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chính thức với các tỉnh, thành phố về việc tạo điều kiện cho hàng hóa nông sản Bắc Giang được lưu thông tiêu thụ khi đảm bảo các điều kiện về an toàn dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương làm đầu mối kết nối Bắc Giang với các chi nhánh ở nước ngoài hỗ trợ, tạo điều kiện tuyên truyền, quảng bá và thúc đẩy kết nối, tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều Bắc Giang ở thị trường các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Singapore...

Về tiêu thụ nông sản, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, không nên quá phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu truyền thống, cần tập trung tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa. Điều này có ý nghĩa quan trọng, không chỉ trong năm nay mà còn trong thời gian tới.

Lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị tỉnh Bắc Giang lưu ý, theo quy định hướng dẫn thu mua, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, Bắc Giang nên cử một đầu mối là Sở Công Thương hay một đơn vị trực thuộc cấp các giấy tờ chứng nhận theo quy định về phòng, chống dịch đối với nông sản, giúp cho sản phẩm từ Bắc Giang thuận lợi qua các tỉnh, thành phố và tiêu thụ trong thời gian sớm nhất, tránh bị ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm…

Chú thích ảnh
Thu Trang/ Báo Tin tức
Trên 3.600 tấn quả vải tươi đã được xuất qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai
Trên 3.600 tấn quả vải tươi đã được xuất qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai

Sáng 25/5, lãnh đạo Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, Cục hải quan tỉnh Lào Cai cho biết, tính từ 8/5 đến hết ngày 24/5 đã có trên 3.600 tấn quả vải tươi từ các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Vĩnh Phúc được xuất khẩu sang Trung Quốc qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành, Lào Cai; trung bình mỗi ngày từ 200-250 tấn quả tươi với trị giá gần 2,1 triệu USD.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN