Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN - PTNN) đã công bố 4 giống ngô biến đổi gien (BĐG) gồm: Bt 11 và MIR162 của công ty TNHH Syngenta Việt Nam, MON 89034 và NK603 của Công ty TNHH Dekalb Việt Nam (Monsanto). Đây là những giống cây trồng BĐG đầu tiên được công nhận đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam. Sự kiện này được xem là một bước tiến trong quá trình hiện đại hóa nông nghiệp Việt Nam.
Tiếp sau đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ký Quyết định số 1836/QĐ - BTNMT cấp Giấy chứng nhận An toàn sinh học cho ngô biến đổi gien MON 89034. Trước khi được cấp Giấy chứng nhận An toàn sinh học tại Việt Nam, MON 89034 đã được cấp chứng nhận An toàn sinh học tại 8 quốc gia trên thế giới, bao gồm: Canada (2008), Hoa Kỳ (2008), Nhật Bản (2008), Brazil (2009), Argentina (2010), Nam Phi (2010), Phillipines (2010) và Honduras (2010). Như vậy, MON 89034 cũng là giống ngô BĐG đầu tiên và duy nhất nhận được đầy đủ hai Giấy chứng nhận An toàn sinh học và An toàn thực phẩm & thức ăn chăn nuôi tính đến thời điểm này.
Trao đổi kinh nghiệm giữa nông dân và cán bộ kỹ thuật về cây ngô biến đổi gien. Ảnh: Đình Huệ -TTXVN |
Có thể thấy, sau một thời gian dài nghiên cứu, thử nghiệm, những rào cản, mối lo ngại đối với cây trồng BĐG đang dần được gỡ bỏ. Theo Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Cao Đức Phát, Giấy xác nhận phê duyệt được ban hành sau quá trình xem xét kỹ lưỡng và được chấp thuận bởi Hội đồng An toàn Thực phẩm và Thức ăn chăn nuôi. Theo đó, cây biến đổi gen là không có bất kỳ ảnh hưởng bất lợi nào đối với con người và vật nuôi.
Theo tổ chức CropLife Vietnam (Tổ chức toàn cầu hoạt động tiếp cận và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững), một báo cáo khoa học gần đây, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) trên hơn 100 tỉ động vật được nuôi bằng thức ăn có thành phần từ cây trồng BĐG, đã kết luận không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy cây trồng BĐG gây tác động tiêu cực đối với sức khỏe vật nuôi. Trên thế giới hiện nay, các động vật được dùng làm thực phẩm đang tiêu thụ từ 70 - 90% tổng lượng cây trồng BĐG. |
Ông Nguyễn Hồng Chính, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Dekalb Việt Nam cho rằng, quá trình đánh giá an toàn và cấp phép đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi đối với các tính trạng BĐG (tại Bộ NN - PTNT) đánh dấu một bước tiến trong việc triển khai những quy định quản lý nhà nước về các sản phẩm BĐG tại Việt Nam nói riêng và ứng dụng cây trồng công nghệ sinh học nói chung. Ông Chính nhấn mạnh, các sản phẩm này đã được rất nhiều quốc gia khác trên thế giới phê duyệt và sử dụng rộng rãi, nhiều năm qua như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Australia, Canada, Brazil, Argentina và EU.
“Rõ ràng, trong bối cảnh thương mại hóa toàn cầu hiện nay, khi Việt Nam là một quốc gia nhập siêu các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giải pháp tiếp cận thông qua kinh nghiệm quốc tế là rất phù hợp, bảo đảm cơ sở khoa học, chặt chẽ về quy trình quản lý nhà nước, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực đến tiến trình thương mại hóa trong lĩnh vực này”, ông Chính chia sẻ.
Mặc dù vậy, theo ông Chính, để đưa được ra thị trường cũng phải mất một thời gian nữa, các tính trạng chuyển gien này cần được tích hợp vào những giống ngô cụ thể và được Bộ NN - PTNT đưa vào danh mục giống được phép sản xuất kinh doanh.
Tại thời điểm này, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới chỉ cấp phép An toàn sinh học cho tính trạng kháng sâu hại ngô MON 89034 của công ty Dekalb Việt Nam và đang tiếp tục triển khai đánh giá đối với các tính trạng khác như tính trạng quản lý cỏ dại (chống chịu thuốc diệt cỏ). Dekalb Việt Nam hy vọng rằng, sau khi được cấp phép, công ty sẽ triển khai các bước khảo nghiệm đăng ký giống cần thiết theo quy định để có thể giới thiệu các giống ngô chuyển gen của công ty vào thực tế sản xuất sớm nhất trong thời gian tới.
Để chuẩn bị cho bước chuyển đổi trong những năm tới được hiệu quả, Bộ NN - PTNN cũng đã có kế hoạch chuyển đổi cây ngô trên toàn quốc giai đoạn 2015 - 2020. Theo đó, đến năm 2015 chuyển hơn 120.000/418.000 ha lúa kém hiệu quả sang trồng ngô; năm 2020 chuyển hơn 183.000/624.000 ha lúa sang trồng ngô. Bên cạnh các giải pháp về quy hoạch, thủy lợi, bảo vệ thực vật, thị trường... thì giải pháp về khoa học công nghệ được Bộ nhấn mạnh, đặc biệt là việc nhanh chóng hoàn thiện cơ sở pháp lý để đưa giống ngô BĐG vào sản xuất đại trà nhằm nâng cao năng suất và thu nhập cho nông dân.
Hoàng Tùng