Lo 'gà nhà đá nhau', ngành đường sắt vội hợp nhất vận tải hành khách

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã có phương án tổ chức sắp xếp lại công tác vận tải đường sắt, trong đó điểm đáng chú ý là hợp nhất 2 Công ty vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn lại để hạn chế tối đa cạnh tranh nội bộ nhằm vực dậy ngành đường sắt.

“Gà nhà đá nhau!”

Trước đó, vào ngày 1/1/2015 Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội và Sài Gòn đi vào hoạt động theo mô hình Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nắm giữ 100% vốn điều lệ. Đến ngày 1/1/2016, các đơn vị này chính thức hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần với tổng số lao động lên tới hơn 7.600 người.

Vận tải đường sắt đang phải cạnh tranh quyết liệt với hàng không và đường bộ. Ảnh: TTXVN

Theo lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thừa nhận, sau một năm thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa 2 công ty trên bị sụt giảm nghiêm trọng cả về sản lượng, doanh thu, thị phần vận tải và tiền lương, thu nhập đời sống của người lao động.

Lý giải rõ hơn, phía VNR rằng, vận tải đường sắt phải cạnh tranh quyết liệt với hàng không và đường bộ về vận tải hành khách trong khi hệ thống kết cấu hạ tầng và công nghệ vận tải cũ kỹ, lạc hậu, nhiều năm không được quan tâm đầu tư nên năng suất lao động thấp.

Hơn nữa, 2 công ty này cùng cung cấp một loại sản phẩm trên thị trường, vì vậy không tránh khỏi cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh, gây khó khăn cho nhau, làm suy giảm nguồn lực chung và giảm khả năng cạnh tranh với các phương tiện vận tải khác, dẫn đến kìm hãm sự phát triển và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất kinh doanh chung của ngành đường sắt.

Dẫn chứng, tại mỗi ga, địa điểm kinh doanh, cả 2 công ty đều bố trí lao động, thuê trụ sở, văn phòng làm việc và kho bãi...nên đã làm phát sinh tăng bộ máy quản lý, tăng lao động, tăng chi phí, phân tán nguồn lực, cơ sở vật chất và vốn; bộ máy quản lý, lao động lớn, cồng kềnh, năng suất lao động thấp, ảnh hưởng đến chất lượng vận tải...

“Công tác quản lý, điều hành, vận dụng toa xe hàng, khách giữa 2 Công ty khó khăn, phức tạp, kém hiệu quả, hiệu suất sử dụng phương tiện thấp dẫn đến lãng phí tài nguyên chung trong việc sử dụng toa xe, làm tăng giá thành vận tải và chất lượng dịch vụ, giảm đáng kể năng lực cạnh vận tải đường sắt,” lãnh đạo VNR cho biết.

Bên cạnh đó, do có nhiều đầu mối tổ chức kinh doanh vận tải hành khách và hàng hoá nên khi khách hàng muốn tiếp xúc để ký kết hợp đồng vận chuyển, tìm hiểu để liên doanh, liên kết hoặc giải quyết các vướng mắc... rất khó khăn, đó cũng là nguyên nhân mà ngành đường sắt chỉ ra việc khách hàng ngày càng ít đến với đường sắt, làm giảm thị phần vận tải đường sắt.

Hai giai đoạn “lột xác”


Tham khảo mô hình tổ chức kinh doanh của các Tập đoàn, Tổng công ty trong nước và đặc biệt là ngành đường sắt một số nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Đức, Pháp, Italy, Indonesia, Malaysia... cho thấy, các doanh nghiệp vận tải trong nước hầu hết chỉ kinh doanh một sản phẩm là vận tải hành khách hoặc vận tải hàng hoá. Thậm chí, đường sắt các nước Nhật Bản, Nga, Đức, Pháp, Italy... tách bạch giữa kinh doanh vận tải hàng hóa và vận tải hành khách.

Ngành đường sắt sẽ tách bạch vận tải hàng hóa và hành khách. Ảnh: TTXVN

Nhấn mạnh việc gộp 2 công ty lại làm một sẽ tạo ra động lực để vận tải đường sắt không ngừng đổi mới và phát triển, Tổng công ty Đường sắt cho rằng, nguyên tắc sắp xếp với mục đích hạn chế tối đa xáo trộn về tổ chức, đặc biệt giảm thiểu việc điều chuyển lao động từ địa bàn này sang địa bàn khác; đảm bảo mục tiêu tái cơ cấu mô hình tăng trưởng; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của vận tải đường sắt; thu hút cổ đông chiền lược tham gia kinh doanh vận tải đường sắt…

Vì thế, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề xuất phương án tái cơ cấu vận tải làm 2 giai đoạn.

Trong đó, giai đoạn 1 (dự kiến hoàn thành trong năm 2017) sẽ hợp nhất 2 Công ty cổ phần Vận tải Sài Gòn và Hà Nội thành một Công ty cổ phần Vận tải đường sắt có chức năng tổ chức kinh doanh vận tải hành khách, hành lý và các dịch vụ gia tăng trong vận tải hành khách trong nước và Liên vận quốc tế; sở hữu toàn bộ toa xe khách, toa xe hàng, các phương tiện thiết bị khác nhằm phục vụ hành khách, cứu viện và sữa chữa phương tiện vận tải…

Doanh nghiệp hợp nhất này sẽ thực hiện nhiệm vụ kinh doanh vận tải hành khách đồng thời thành lập một Công ty cổ phần vận tải hàng hóa (bước đầu là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên do Công ty Cổ phần vận tải đường sắt nắm giữ 100% vốn, được giao quản lý và khai thác toàn bộ toa xe hàng, trang thiết bị và phương tiện phục vụ vận tải hàng hoá và cứu viện đường sắt; quản lý tất cả các trạm khám chữa toa xe).

Giai đoạn 2 (dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2019 - 2020), sau khi ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng, hiệu quả, ngành đường sắt thực hiện cổ phần hóa Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên kinh doanh vận tải hàng hóa đường sắt theo hình thức Công ty cổ phần Nhà nước không chi phối.

Đặt câu hỏi về hiệu quả của phương án tổ chức sắp xếp lại công tác vận tải đường sắt, lãnh đạo VNR đưa ra giả định trong trường hợp hiệu suất sử dụng phương tiện và năng suất lao động ở mức độ trung bình thấp thì vẫn nâng hệ số sử dụng chỗ của tàu khách lên bình quân khoảng 75% (năm 2016 là 60%), tiết kiệm chi phí chạy tàu khách khoảng 5-6%; giảm đầu mối tổ chức, giảm định biên lao động và các chi phí về trụ sở văn phòng làm việc tại các Chi nhánh và các ga.

Theo khảo sát tính toán với khối lượng công việc thời kỳ cao nhất chỉ cần tối đa không quá 60% lao động hiện có của cả 2 Công ty. Như vậy, giảm 40% lao động chuyển sang làm các dịch vụ gia tăng như vận chuyển đường ngắn, Logictics... đồng thời tương ứng giảm được 40% diện tích thuê văn phòng làm việc và các chi phí khác như điện, nước...

Cùng với việc đa dạng hóa dải vé khi tung ra hàng nghìn vé giá rẻ, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, khai thác an toàn tối đa kết cấu hạ tầng hiện có, đóng mới toa xa, đưa đoàn tàu chất lượng cao vào hoạt động ở các cự ly ngắn… Tổng công ty Đường sắt đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ nhằm xóa bỏ hình ảnh trì trệ về tư duy, nhằm kéo lại thị phần hành khách vốn đã rời bỏ ngành này trong thời gian qua.

Theo vietnamplus.vn
Yếu kém của ngành đường sắt là do ‘độc quyền kéo dài’
Yếu kém của ngành đường sắt là do ‘độc quyền kéo dài’

Sáng 30/5, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật đường sắt (sửa đổi). Chỉ ra yếu kém của ngành đường sắt là do “độc quyền kéo dài”, các đại biểu cho rằng cần có chính sách cụ thể để thu hút doanh nghiệp ngoài nhà nước tham gia đầu tư kinh doanh vận tải đường sắt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN