Linh hoạt nhiều giải pháp tiếp sức cho doanh nghiệp nhỏ

Thị trường bán lẻ, dịch vụ tại TP Hồ Chí Minh trong những tuần gần đây đã trở lại nhịp kinh doanh, bán buôn bình thường.

Tuy nhiên, sau thời gian tạm đóng cửa và sức mua sụt giảm, không ít đơn vị kinh doanh siêu nhỏ, nhỏ và vừa phải chuyển hướng kinh doanh sang ngành hàng mới. Đặc biệt, một số đơn vị kinh doanh cho biết đang chịu áp lực về chi phí vận hành, duy trì và phục hồi hoạt động.

Làn sóng chuyển ngành hàng mới

Trao đổi với phóng viên TTXVN, anh Thành Phong, chủ quán cà phê trên đường Ngô Thời Nhiệm, Quận 3 cho hay, trước thực trạng số lượng khách đến quán ngày càng thưa thớt mà chi phí đầu vào để duy trì hoạt động kinh doanh vẫn rất cao, nên anh đang suy nghĩ phương án trả mặt bằng để chuyển sang kinh doanh ngành nghề khác. Đặc biệt, cửa hàng cũng chịu áp lực trước dự báo lĩnh vực kinh doanh này cần thời gian ít nhất khoảng 1 năm để phục hồi vì hiện tại người dân chỉ tập trung mua sắm những mặt hàng thiết yếu, tiết kiệm chi phí sinh hoạt kể cả du lịch, vui chơi, giải trí...

Cùng quan điểm, chị Quỳnh Anh, chủ cửa hàng chuyên kinh doanh thời trang trên Quốc lộ 13, quận Bình Thạnh cho biết, hiện tại cửa hàng đã chuyển sang kinh doanh đa dạng thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến sẵn và nông sản. Bởi vào thời điểm này, thời trang là một trong những ngành thuộc nhóm có sức mua giảm sút nên người kinh doanh khó duy trì hoạt động trước sức ép của chi phí thuê mặt bằng, thanh khoản dòng vốn...

"Trong khi đó, ngành hàng thực phẩm lại có nhiều cơ hội kinh doanh hơn, vì sau dịch bệnh đã có một bộ phận người tiêu dùng ưa chuộng những món ngon nhà làm và quen với việc mua sắm online - giao hàng tận nơi. Điển hình, hiện nay tại TP Hồ Chí Minh đang vào mùa nóng nên những sản phẩm như sữa chua, kem chuối, trà sữa, nước ép... bán rất chạy với giá bình dân từ 5.000 - 20.000 đồng/sản phẩm, tùy theo loại và trọng lượng", chị Quỳnh Anh chia sẻ.

Mặt khác, các tỉnh, thành khu vực phía Nam đã và đang vào mùa thu hoạch nông sản và trái cây đặc sản, nên nhiều đơn vị kinh doanh chuyển hướng kinh doanh sang những mặt hàng này. Tuy vậy, muốn có lợi nhuận và cạnh tranh về giá, các đơn vị kinh doanh cho biết, họ không thuê, mướn mặt bằng mà bán buôn theo phương thức thương mại điện tử và giao hàng tận nơi.

Theo đó, đơn vị kinh doanh khai thác đa dạng nền tảng công nghệ, mạng xã hội như zalo, facebook, viber... để len lỏi vào cộng đồng cư dân nhằm tiếp thị, giới thiệu sản phẩm. Với phương thức kinh doanh này, giá cả hàng hóa thấp hơn giá thị trường như siêu thị, chợ truyền thống từ 10% - 20% do tiết kiệm chi phí mặt bằng, qua khâu trung gian, thuê người lao động...

Cụ thể, những mặt hàng được người tiêu dùng ưa chuộng trong thời điểm hiện tại là sầu riêng có giá từ 65.000 - 80.000 đồng/kg, măng cụt từ 57.000 - 70.000 đồng/kg, bơ 50.000 - 60.000 đồng/kg... Hay những hàng hóa đặc sản vùng miền, gồm: mật ong, khô cá sặc, bò tơ Củ Chi, gạo ST 25, chả nem Bình Định, trà hoa cúc đường phèn...

Ghi nhận thực tế trên thị trường tiêu dùng, không chỉ ngành hàng thời trang (như quần áo, giày dép, túi xách...); ẩm thực, vui chơi, giải trí; hóa mỹ phẩm... có sức mua giảm sút, hầu hết đơn vị kinh doanh đều phải đang nỗ lực để duy trì và phục hồi hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ.

Đặc biệt, từ những cửa hàng kinh doanh siêu nhỏ và nhỏ... cho đến những chuỗi cửa hàng đều triển khai nhiều hoạt động kích cầu tiêu dùng như khuyến mãi, giảm giá, mua 1 tặng 1, tặng phiếu mua hàng... cho khách hàng thân thiết và khách hàng mua sắm trong giai đoạn này.

Cần phương thức kinh doanh linh hoạt

Chia sẻ kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit cho hay, đơn vị kinh doanh phải luôn luôn cập nhật thông tin, bám sát diễn biến thị trường... từ đó mới có những giải pháp giảm chi và tăng thu trong hoạt động kinh doanh khi xuất hiện những nguy cơ, rủi ro. Bên cạnh đó, đơn vị kinh doanh không nên chỉ quan tâm đến vấn đề lợi nhuận nhiều hay ít, mà phải tập trung đẩy mạnh doanh số và chi tiêu thắt lưng buộc bụng.

Theo ông Nguyễn Lâm Viên, đơn vị kinh doanh cũng nên lựa chọn phương thức kinh doanh linh hoạt trong bán hàng, tăng doanh số, bảo tồn vốn... Đồng thời, muốn giữ chân khách hàng thân thiết và thu hút khách hàng mới, đơn vị kinh doanh cần đảm bảo ổn định chất lượng sản phẩm.

Còn ở góc độ chuyên gia, bà Lâm Thị Ngọc Hảo, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam cho rằng, mỗi đơn vị kinh doanh luôn phải có một kế hoạch kinh doanh và trong giai đoạn khủng hoảng kế hoạch càng phát huy được vai trò quan trọng giúp ổn định hoạt động. Nếu đơn vị kinh doanh có kế hoạch kinh doanh với định hướng rõ ràng, thì sẽ hạn chế được rủi ro và không gặp ít khó khăn hơn khi tiếp cận các tổ chức tài chính, cũng như nguồn vốn vay.

Báo cáo của ngành ngân hàng tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, ngành này đã và đang đẩy mạnh chương trình hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tiểu thương... để có vốn duy trì hoạt động. Tính đến ngày 20/4, kết quả cơ cấu nợ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh khá khả quan, với tổng số mức vay nợ là 63.000 tỷ đồng. Đối với việc miễn giảm lãi khoản vay của doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng cũng đã thực hiện giảm lãi trên tổng dư nợ 12.300 tỷ đồng.

Về giảm lãi suất cho vay với khoản dư nợ hiện đang còn ở các tổ chức tín dụng cũng mới 940.000 tỷ đồng. Theo đó, tại TP Hồ Chí Minh đã có 168.000 khách hàng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, từ trước tới nay không phải đơn vị kinh doanh lỗ mà ngân hàng không cho vay. Ngân hàng cần có đủ cơ sở để đánh giá được là lỗ ngắn hạn hay không và doanh nghiệp chứng minh được khả năng bù đắp được những khoản lỗ này hay không thì sẽ được cho vay. Bên cạnh đó, đơn vị kinh doanh có kế hoạch kinh doanh và quản trị tài chính như thế nào để phục hồi phát triển cũng là một trong những yếu tố ngân hàng ra quyết định cho vay.

Dẫn chứng cụ thể, ông Nguyễn Hoàng Minh chỉ ra rằng, nhận biết được thách thức của doanh nghiệp ngành du lịch, nhất đơn vị lữ hành, công ty du lịch, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã làm việc với Sở Du lịch thành phố để nắm bắt lại thông tin về những kiến nghị của doanh nghiệp trên địa bàn, nhằm phối hợp đưa ra giải pháp hỗ trợ tài chính phù hợp. Trên thực tế, trong bất cứ ngành nghề nào cũng không thể toàn bộ doanh nghiệp đều có lãi; đồng thời, dịch bệnh tác động đến toàn bộ nền kinh tế trong và ngoài nước.

Riêng tại TP Hồ Chí Minh, khoảng 8 năm qua đã thực hiện Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, để hỗ trợ giải pháp vốn cho đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, nhất là những đơn vị kinh doanh nhỏ và vừa. Tính hết năm 2019, chương trình đã cho vay kết nối gần 6.600 khách hàng doanh nghiệp, tổng vốn vay đạt gần 206.000 tỷ đồng. Đồng thời, lãi suất cho vay của chương trình trong năm 2019 phổ biến ở mức 6% - 7%/năm đối với vay ngắn hạn; 9% đối với trung và dài hạn.

Tổng dư nợ 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên đạt trên 162.000 tỷ đồng; trong đó, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt trên 117.000 tỷ đồng, Ngoài ra, thực hiện chủ trương của UBND TP Hồ Chí Minh, trong năm 2019 đã có 24 dự án được vay kích cầu với trên 1.700 tỷ đồng, gồm có cho vay khu công nghiệp - khu chế xuất hơn 159.000 tỷ đồng và cho vay bình ổn thị trường với mức dư nợ hơn 366 tỷ đồng.

Mỹ Phương (TTXVN)
Giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức do dịch COVID-19, đón thời cơ, phục hồi kinh tế
Giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức do dịch COVID-19, đón thời cơ, phục hồi kinh tế

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các cơ quan chức năng hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thách thức do dịch COVID-19 gây ra, đón thời cơ, phục hồi kinh tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN