Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào thị trường EU (Liên minh châu Âu), thực thi hiệu quả hiệp định EVFTA do Bộ Công Thương phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 30/6.
Cơ hội mở rộng
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có hiệp định thương mại tự do với EU. Trong khi đó, EU là thị trường có kim ngạch nhập khẩu đứng thứ 2 thế giới, chiếm 14,9% tổng giá trị nhập khẩu toàn cầu.
Dù EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, nhưng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào EU mới chiếm khoảng 2% thị phần trong tổng giá trị nhập khẩu hàng năm của EU. Hiệp định EVFTA có hiệu lực tạo điều kiện giúp nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tiếp cận được một thị trường đầy tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người và GDP đạt 15.000 tỷ USD.
Theo ông Trần Tuấn Anh, EVFTA là hiệp định thương mại tự do có mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong số các FTA đã được ký kết với hơn 99% dòng thuế nhập khẩu giữa hai bên được xóa bỏ trong lộ trình từ 7 - 10 năm; trong đó, một số mặt hàng nông sản mà ta có thế mạnh sản xuất và xuất khẩu như gạo, thủy sản, cà phê, rau quả, ca cao, dầu cọ được cắt giảm ngay hoặc trong lộ trình ngắn.
Việc ký kết và thực thi Hiệp định EVFTA không chỉ mang đến cơ hội về tăng trưởng xuất khẩu mà còn giúp cho ngành nông nghiệp nước ta đẩy mạnh tái cơ cấu hướng sâu vào vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc. Từ đó, góp phần đưa hàng hóa nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Điểm nhấn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU là hai thị trường có cơ cấu hàng hóa bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau. Trong khi Việt Nam có lợi thế về sản xuất, xuất khẩu nông, lâm thủy sản thì EU đang nhập khẩu một lượng lớn các mặt hàng này với giá trị nhập khẩu chiếm 8,4% tổng giá trị nhập khẩu hàng năm. Do đó, dư địa tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt là đối với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản vào EU vẫn còn rất lớn.” Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhấn mạnh, EVFTA được thực thi ngay trong giai đoạn Việt Nam nổ lực phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch COVID-19 thực sự là cơ hội vàng, cú hích lớn cho xuất khẩu nông lâm thủy sản, đặc biệt với các sản phẩm thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh như thủy sản, rau quả, gạo, điều, cà phê, tiêu và các sản phẩm đồ gỗ.
Một cơ hội khác đó là tăng cường hoạt động đầu tư từ EU vào Việt Nam đi kèm với chuyển giao công nghệ và nâng cao trình độ kỹ năng quản lý, lao động. Điều này sẽ giúp tăng trưởng sản lượng, chất lượng nông lâm sản nhằm đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của EU.
Không phải là chìa khóa vạn năng
Ông Trần Tuấn Anh chia sẻ, việc bước vào “sân chơi” lớn cùng EU cũng đồng nghĩa với việc nông, lâm thủy sản Việt Nam phải chấp nhận đương đầu với các khó khăn, thách thức mới. Trước tiên là rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nông, lâm, thủy sản nhập khẩu từ phía EU rất chặt chẽ.
Cho đến nay, EU vẫn là thị trường có yêu cầu về hàng rào kỹ thuật thuộc loại cao nhất thế giới, đặc biệt là về kiểm dịch động, thực vật; quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); khai báo nguồn gốc gỗ hợp pháp.
Việc thực thi Hiệp định EVFTA không giúp giảm bớt các tiêu chuẩn định sẵn mà thậm chí còn có phần kiểm soát chặt chẽ hơn và chế tài xử lý vi phạm cũng nặng hơn. Do đó, để phát triển xuất khẩu một cách bền vững, ngành nông nghiệp của Việt Nam cần phải tổ chức lại sản xuất để đảm bảo nguồn hàng có chất lượng, giá trị gia tăng cao, tăng cường hơn nữa việc quản lý, giám sát từ khâu sản xuất đến chế biến, bảo quản sau thu hoạch, truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương khuyến nghị, EU là thị trường xuất khẩu quan trọng nhưng có nhiều rào cản kỹ thuật. Muốn tiếp cận và khai thác hiệu quả người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu đều phải xây dựng kế hoạch dài hạn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào canh tác, thu hoạch lẫn chế biến. Đặc biệt phải chủ động hợp tác, liên kết để xây dựng chuỗi giá trị có quy mô lớn, đáp ứng được yêu cầu số lượng lẫn chất lượng hàng hóa.
Một vấn đề khác mà nông nghiệp Việt Nam phải chú trọng khắc phục để chinh phục thị trường EU là nâng cao mức độ hiểu biết và tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chuẩn về lao động và môi trường, đảm bảo tính bền vững của hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cơ hội thị trường mà EVFTA mang lại là rất lớn nhưng đây không phải là chìa khóa vạn năng giúp nông, lâm, thủy sản Việt Nam ồ ạt xuất khẩu vào EU mà chỉ tạo điều kiện để hàng hóa có đủ điều kiện, tiêu chuẩn nâng cao năng lực cạnh tranh nhờ giảm thuế, giảm giá thành so với trước khi có hiệp định.
Muốn tận dụng được ưu đãi về thuế, hàng hóa, nông sản phải đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe về nguồn gốc sản phẩm, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn phát triển bền vững về lao động, môi trường…
Vì vậy, nông dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản phải năng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam chứ không đơn thuần là gia tăng sản lượng xuất khẩu.
Để hỗ trợ ngành nông, lâm, thủy sản tận dụng cơ hội mà EVFTA mang lại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung tăng cường phổ biến quy định kỹ thuật trong thương mại nông lâm thủy sản để định hướng người dân doanh nghiệp, địa phương kịp thời nắm bắt, điều chỉnh sản xuất, kinh doanh đáp ứng theo yêu cầu của thị trường.
Đồng thời, tổ chức nâng cao chất lượng sản phẩm theo các quy định quốc tế, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của thị trường EU.
Về tổ chức sản xuất, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông lâm thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ sẽ phối hợp, hỗ trợ các địa phương thúc đẩy việc xây dựng mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, chất lượng và an toàn thực phẩm; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu
Song song đó, ngành nông nghiệp cũng sẽ xây dựng cùng lúc hai chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản vào EU và thu hút đầu tư FDI từ EU vào nông nghiệp Việt Nam để gắn nông nghiệp Việt Nam với chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu, tận dụng tốt nhất lợi thế của hai bên trong quan hệ thương mại và đầu tư.