Doanh nghiệp cần tăng tính chủ động, nắm bắt cơ hội từ EVFTA

Ngày 29/6, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị “Tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA: Cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam sau cú sốc COVID-19?”. 

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế, thương mại của Việt Nam trong thời gian qua.

Về thương mại, đến hết tháng 5/2020 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước giảm 2,8%, trong đó xuất khẩu giảm 0,9%, và nhập khẩu giảm 4,6%. Nếu tính riêng tháng 4 năm 2020, xuất khẩu giảm 27,1% và nhập khẩu giảm 16,4% so với tháng trước, và lần lượt giảm 13,9% và 11,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Chú thích ảnh
Các đại biểu tọa đàm tại hội nghị.

Trong bối cảnh đó, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) (EVFTA) khi đi vào thực thi sẽ giúp tạo thêm động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam phục hồi và phát triển hoạt động kinh doanh của mình.

Với EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường gần 460 triệu dân với GDP bình quân hơn 35.000 USD, mức thuế bằng 0 ngay từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực cho hơn 85% số dòng thuế. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có thể tham gia các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch COVID-19, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa hơn thị trường xuất nhập khẩu, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng cho rằng, để hiện thức hóa các cơ hội, Chính phủ và các doanh nghiệp còn khá nhiều việc phải chuẩn bị. Về phía Chính phủ, các bộ, ngành và các cơ quan liên quan cần nhanh chóng hoàn tất Kế hoạch thực thi cũng như ban hành các văn bản pháp luật cần thiết, đồng thời tăng cường công tác đối thoại, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu kỹ lưỡng nội dung về Hiệp định, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, tài lực cũng như các điều kiện cần thiết khác để có thể đáp ứng được các yêu cầu không chỉ của Hiệp định mà của cả thị trường EU.

“Dự kiến ngày 1/8, EVFTA sẽ được thực thi, hiệp định này kỳ vọng sẽ tạo ra cơ hộ mới cho doanh nghiệp đôi bên, giảm bớt tác động tiêu cực của COVID-19. Để hiện thực hóa cơ hội, Chính phủ và doanh nghiệp còn nhiều việc phải làm, doanh nghiệp cần tăng tính chủ động tìm hiểu và nắm bắt cơ hội. Muốn có vụ mùa bội thu phải dậy sớm để đi ra đồng”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Lê Thị Nụ, Công ty cổ phần Đầu Tư Wood Alliance cho biết, đối với doanh nghiệp đồ gỗ, khó khăn nhất là vấn đề giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa - C/O.

“C/O là khó khăn nhất của doanh nghiệp khi xuất khẩu đi thị trường Mỹ, Trung đông, Châu phi… doanh nghiệp đều phải làm CO thông qua VCCI và Bộ Công Thương, C/O qua Bộ Công Thương mất 2 - 3 ngày nhưng với hồ sơ nộp qua VCCI phải mất 2,5 tháng mới lấy được. Có những lô hàng chúng tôi lỗ toàn bộ vì không lấy được C/O. Hiện tại doanh nghiệp chúng tôi đang xúc tiến xuất khẩu sang châu Âu, chúng tôi nghiên cứu rất nhiều về EVFTA nhưng thấy khó khăn nhất vẫn là xuất xứ C/O”, bà Lê Thị Nụ cho biết.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký của Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, theo đánh giá, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu của ngành da giày bị sụt giảm tới hơn 10%, tháng 4 giảm 21% và tháng 5 giảm sâu 50%, chính vì vậy mà Hiệp định được thực thi càng sớm thì sẽ càng giúp giúp doanh nghiệp của chúng ta đẩy nhanh được xuất khẩu, đặc biệt vào thị trường châu Âu khi thị trường này chiếm gần 30% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. 

“Chúng tôi kỳ vọng từ nay đến cuối năm, bù đắp của thị trường châu Âu sẽ giúp cho ngành tăng trưởng trở lại và duy trì mức tăng trưởng 10% cho những tháng cuối năm. Tuy nhiên, chúng tôi nhìn nhận rõ với doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam, thì EVFTA là cơ hội lớn nhưng tiềm lực và nội lực của các doanh nghiệp hiện nay cần phải cải thiện thì mới tiếp cận được thị trường xuất khẩu có cam kết rất sâu rộng cũng như điều kiện gia nhập thị trường cao như châu Âu”, bà Phan Thị Thanh Xuân cho biết.

Theo đại diện Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, về lâu dài, cần phát triển công nghiệp hỗ trợ vì với doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính không đủ để tự chủ trong sản xuất nguyên phụ liệu tại Việt Nam. Chính vì vậy chiến lược và khu công nghiệp phục vụ nguyên phụ liệu cho sản xuất là cần thiết. Đồng thời, doanh nghiệp cần tham gia chuỗi liên kết trong và ngoài nước, liên kết chặt chẽ hơn với nguồn cung trong và ngoài nước để có được những ứng phó kịp thời với biến động xảy ra.

Tin, ảnh: Thu Trang/Báo Tin tức
Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA
Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA

Sau khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký ban hành Thông tư số 11/2020/TT-BCT ngày 15/6/2020 quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN