Dự thảo được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân.
Dự thảo Nghị định gồm 10 Chương và 69 Điều, quy định về giám sát, đánh giá chương trình, dự án đầu tư, giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư và giám sát đầu tư của cộng đồng đối với hoạt động đầu tư tại Việt Nam và đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài; chi phí giám sát, đánh giá đầu tư; quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giám sát, đánh giá đầu tư.
Dự thảo quy định việc giám sát và đánh giá hoạt động đầu tư chứng khoán thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán; giám sát và đánh giá các chương trình, dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thực hiện theo quy định tại Nghị định này. Những vấn đề khác biệt do đặc thù của việc sử dụng các nguồn vốn này, thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Theo dự thảo, các chủ thể thực hiện giám sát và đánh giá đầu tư gồm: Cơ quan được giao lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình; cơ quan được giao chuẩn bị đầu tư dự án; chủ chương trình, chủ dự án thành phần, chủ đầu tư, nhà đầu tư; cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; người có thẩm quyền quyết định đầu tư; chủ sử dụng dự án; cơ quan chủ quản, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước…
Nguyên tắc giám sát, đánh giá đầu tư là đúng đối tượng, phạm vi, nội dung giám sát và đánh giá đầu tư theo quy định. Không gây cản trở công việc của các đối tượng chịu sự giám sát và đánh giá đầu tư. Đồng thời, phải có các tiêu chuẩn, tiêu chí và hồ sơ, tài liệu hợp lệ làm cơ sở cho việc giám sát, đánh giá. Các thông tin phục vụ công tác giám sát, đánh giá đầu tư phải đầy đủ, kịp thời, chuẩn xác, trung thực và minh bạch.
Cùng với đó, xem xét toàn diện, đồng bộ các vấn đề liên quan đến quá trình đầu tư. Việc xem xét, đánh giá phải có đủ căn cứ, tài liệu; phải có phương pháp khoa học phù hợp với đối tượng và nội dung đánh giá. Các giải pháp, đề xuất kiến nghị phải thiết thực, cụ thể và bảo đảm tính khả thi. Kết quả giám sát, đánh giá phải được xử lý và phản hồi tích cực và phải được lưu trữ một cách hệ thống.
Dự thảo quy định việc giám sát và đánh giá chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước, gồm giám sát và đánh giá: chương trình đầu tư công; dự án đầu tư công dự án đầu tư sử dụng vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh, vốn vay được bảo đảm bằng tài sản nhà nước, giá trị quyền sử dụng đất, vốn từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định việc giám sát và đánh giá dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư; dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn khác; dự án đầu tư ra nước ngoài; giám sát và đánh giá tổng thể đầu tư; giám sát đầu tư của cộng đồng. Dự thảo cũng quy định rõ chi phí thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư; tổ chức thực hiện giám sát và đánh giá đầu tư.
Về chế độ báo cáo về giám sát, đánh giá đầu tư, dự thảo quy định Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư hằng năm; trong đó, bao gồm nội dung báo cáo tổng hợp giám sát, đánh giá dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A trong phạm vi toàn quốc.
Theo Dự thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện xây dựng, vận hành và hướng dẫn việc quản lý, vận hành và khai thác sử dụng hệ thống; đồng thời, đánh giá việc vận hành hệ thống của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư ở Trung ương và địa phương.
Nghị định số 84/2015/NĐ-CP được xây dựng căn cứ theo quy định của Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13, Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, Luật Đầu tư số 67/2014/QH13. Từ ngày 01/01/2020, Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 đã được thay thế bằng Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14.