Giám sát đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT

Ngày 21/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dẫn đầu, đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND và các sở, ban ngành thành phố Cần Thơ về đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT.

Phó Chủ nghiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Ngọc Thiện/TTXVN

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Đào Anh Dũng cho biết: Việc triển khai hai dự án giao thông theo hình thức BOT bao gồm dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn km14- Km50+889 và Dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp với tổng nguồn vốn hơn 3.869 tỷ đồng đã mang lại hiệu quả rất lớn và được người dân đồng tình hưởng ứng.

Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với nguồn vốn huy động lớn nói trên làm giảm áp lực vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Lưu thông thuận tiện còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng khả năng cạnh tranh hàng hóa trên địa bàn Cần Thơ nói riêng và cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long...

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cũng còn những tồn tại, bất cập như một số phương tiện trốn trạm thu phí để lưu thông trên các tuyến tránh đã làm làm cho người dân, chính quyền địa phương bức xúc vì làm hư hại nhiều tuyến đường, gây mất an toàn giao thông. Một số phương tiện bị ảnh hưởng như lưu thông tuyến An Giang - Kiên Giang chỉ sử dụng một đoạn ngắn nhưng phải đóng phí bằng cả tuyến là bất hợp lý...

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết, khi tiếp xúc với người dân ở khu vực hai dự án BOT đi qua, tuyệt đại đa số người dân đều bày tỏ sự ủng hộ dự án. Sự phối hợp giữa Bộ Giao thông Vận tải, nhà đầu tư và chính quyền địa phương trong việc vận động người dân di dời phục vụ triển khai dự án tốt. Quốc lộ 1 và Quốc lộ 91 là hai tuyến giao thông huyết mạch của Cần Thơ có tính chất quan trọng nhất đối với sự phát triển của thành phố và sức lan tỏa ra toàn vùng để đưa Cần Thơ là trung tâm động lực kinh tế khu vực Tây Nam bộ.

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, chức năng thực hiện quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải của Sở Giao thông Vận tải Cần Thơ còn yếu.

Sự phối hợp giữa Sở với các địa phương như quận Ô Môn, Thốt Nốt, Cái Răng chưa tốt, đã để nhiều phương tiện giao thông tránh trạm làm ảnh hưởng nguồn thu, gây hư hại một số tuyến đường.

Khi phát hiện tồn tại, các cơ quan chức năng triển khai các giải pháp quá chậm đã làm cho một số tuyến đường do thành phố đầu tư bị hư hại, thất thoát, tạo ra sự bức xúc của người dân, làm giảm khả năng thu hút đầu tư của thành phố...


Đối với một số tồn tại như việc các phương tiện từ An Giang đi Kiên Giang phải qua trạm T2 trên Quốc lộ 91 mặc dù chỉ sử dụng khoảng 100 mét đường nhưng phải đóng phí bằng với đi cả tuyến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chủ động phối hợp cùng với địa phương, nhà đầu tư để giải quyết thỏa đáng, phù hợp, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, quyền lợi các phương tiện vận tải và không tạo điểm nóng trên địa bàn.

Ông Nguyễn Đức Kiên yêu cầu Cần Thơ cần xây dựng hoàn chỉnh báo cáo, nhất là những mặt được của thành phố, những kinh nghiệm trong công tác phối hợp thực hiện các dự án BOT để trình với Quốc hội và để triển khai cho các địa phương khác học tập. Cần Thơ cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư các dự án BOT trên địa bàn nhằm góp phần cùng với ngân sách nhà nước triển khai ngày càng hoàn chỉnh hệ thống giao thông.

Trước đó, ngày 20/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đến khảo sát hiện trạng hai dự án BOT, gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của người dân, các nhà đầu tư, chính quyền địa phương, nơi có dự án đi qua thuộc địa bàn quận Ô Môn, Thốt Nốt và quận Cái Răng.

Ngọc Thiện (TTXVN/Tin Tức)
Sẽ thay thế nhà đầu dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn
Sẽ thay thế nhà đầu dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản thông báo dự kiến chấm dứt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang – TP. Lạng Sơn đoạn Km 45+100 – Km 108+500, kết hợp tăng cường mặt đường QL1 đoạn Km 1+800 – Km 106+500 theo hình thức hợp đồng BOT (Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN