Lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Giao thông Đường bộ

Sáng ngày 2/6 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải tổ chức hội thảo "Lấy ý kiến doanh nghiệp hoàn thiện dự thảo Luật Giao thông Đường bộ".

Sự kiện thu hút đông đảo mối quan tâm của dư luận xã hội, đại diện các bộ, ngành chức năng như: Bộ Công An, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các hiệp hội ngành nghề và cộng đồng doanh nghiệp. 

Chú thích ảnh
Cảnh sát giao thông Hà Nội xử lý vi phạm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội. Ảnh : Doãn Tấn/TTXVN

Khai mạc sự kiện, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận định, Luật Giao thông Đường bộ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Qua nhiều năm triển khai, dù đã được sửa đổi nhưng Luật Giao thông Đường bộ hiện thời đã bộc lộ một số bất cập nhất định, chưa theo kịp với sự phát triển của đời sống kinh tế hiện đại. Theo đó, vẫn tồn tại sự chồng chéo giữa các quy định và thủ tục dẫn tới sự chồng lấn về mặt quản lý giữa các cơ quan Nhà nước và gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.

Liên quan tới vấn đề giấy phép và cấp phép thi công nhiều công trình giao thông còn chưa rõ ràng, khiến cho việc thi công nhiều công trình khá tùy tiện, không bị ràng buộc bởi bất kỳ yêu cầu nào, làm ảnh hưởng tới an toàn cho người đi bộ và người tham gia giao thông... Thêm vào đó, các thể chế, quy định để vận hành luật còn yếu, chi phí vận tải ở Việt Nam được xếp ở mức cao trong khu vực; trong đó, khả năng vận tải đường bộ hoặc kết nối giữa đường bộ với đường sắt, đường thủy và hàng không còn rất hạn chế. Số người chết vì tai nạn giao thông trong thời gian qua đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao so với trên thế giới. 

Một trong những nguyên nhân dẫn tới bất cập nói trên xuất phát từ sự thiếu đồng bộ của hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về giao thông đường bộ. Đặc biệt là trước diễn biến mới của khoa học công nghệ, Chính phủ đã đề ra yêu cầu phải siết chặt lại việc quản lý các hoạt động về giao thông.

Theo đó, đầu tiên là xây dựng dự thảo Luật Giao thông Đường bộ để tạo ra hành lang pháp lý phù hợp để điều chỉnh các hoạt động giao thông vận tải đường bộ; nâng cao ý thức chấp hành giao thông của người dân và đảm bảo an toàn giao thông, sự thân thiện của môi trường...

Từ những yêu cầu đó, ông Lộc cho rằng, dự thảo Luật Giao thông Đường bộ lần này cần được xây dựng theo hướng mở hơn, rõ ràng, minh bạch và chi tiết hơn trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu, nhất là cộng đồng doanh nghiệp - những người vừa là chủ thể và cũng vừa là đối tượng chịu tác động của Luật Giao thông Đường bộ sắp ban hành.

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, Luật này đã được triển khai hơn 10 năm qua và có nhiều ý kiến cho rằng, đây là bộ luật được xây dựng chất lượng nhất, có tầm nhìn và ổn định nhất trong suốt nhiều năm. Đặc biệt là đã được sửa đổi cụ thể, chi tiết vào năm 2018 để phù hợp với điều kiện Việt Nam và tương xứng với sự phát triển của các quy tắc, quy chuẩn so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Ông Thọ đề nghị việc xây dựng dự thảo và hoàn thiện Luật Giao thông Đường bộ lần này "Cố gắng làm sao ổn định luật ít nhất đến 10 năm tới; tránh sửa đi sửa lại nhiều lần gây khó khăn cho xã hội và cho những đối tượng chịu chi phối bởi luật".

Với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thì việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông cần phải được ưu tiên để đi trước 1 bước, ông Thọ cho rằng, dự thảo Luật Giao thông

Đường bộ cần tạo nên hành lang pháp lý cho vấn đề đầu tư, các cơ chế chính sách và chủ trương phát triển; việc huy động nguồn lực đóng góp của các thành phần kinh tế song song với ngân sách Nhà nước. Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang tiến hành hoàn thiện dự thảo để trình Chính phủ. Vừa qua, Kỳ họp thứ 9, Quốc Quốc hội khóa XIV đã chấp thuận lộ trình đến tháng 10 năm nay sẽ trình lấy ý kiến trong kỳ họp tiếp theo.

Liên quan tới nội dung dự thảo Luật Giao thông Đường bộ, bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng, Vụ Pháp chế Bộ Giao thông Vận tải cho biết, dự thảo lần này được sửa đổi toàn diện nhiều nội dung. Theo đó, sau khi đánh giá những bất cập và tổng hợp những ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp và người dân, cơ quan soạn thảo đã bổ sung một số khái niệm mới như: giao thông thông minh, phương tiện giao thông thông minh... Đồng thời, chi tiết hơn một số quy định liên quan tới nồng độ cồn để đưa vào nội dung cấm.

Bên cạnh đó, bổ sung thêm các nguyên tắc về việc thắt dây an toàn, đảm bảo vị trí của người cần được ưu tiên khi tham gia giao thông; nguyên tắc nhường đường cho người đi bộ, người già, trẻ nhỏ, người yếu thế... quản lý xe đưa đón học sinh...

Ngoài ra, dự thảo cũng đưa vào các quy định về đèn nhận diện, tín hiệu đèn giao thông, các quy định về tốc độ giao thông, khoảng cách đảm bảo an toàn giao thông. Điều chỉnh các quy định về cơ chế đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, làm rõ quy định về quản lý tài chính đối với các công trình hạ tầng giao thông như đường cao tốc... Bổ sung các điều kiện về tham gia giao thông của các phương tiện cơ giới, cấp biển số cho phương tiện giao thông cơ giới, trách nhiệm của các chủ phương tiện...

Đại diện các doanh nghiệp logistics, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam cho rằng, trước tiên cần phải sửa tên gọi "Luật Đường bộ Việt Nam" thành "Luật Giao thông Vận tải đường bộ Việt Nam" phạm vi điều chỉnh áp dụng với cả việc giao thông đi lại, vận chuyển hàng hóa, kết cấu hạ tầng đường bộ và các phương tiện vận tải.

Thêm nữa, dự thảo lần này chỉ mới tập trung vào các nội dung về Quy tắc an toàn giao thông đường bộ là chính chứ chưa chú trọng tới các vấn đề khác có liên quan như vận tải hàng hóa... Vấn đề hợp tác quốc tế cũng chưa được thể hiện rõ trong dự thảo luật, trong khi Việt Nam đã tham gia các hiệp định khu vực có liên quan về vận tải đường bộ như Hiệp định tạo thuận lợi vận tải người và hàng hóa qua lại biên giới của các nước tiểu vùng Mê Kông mở rộng hay Hiệp định ASEAN về tiêu chuẩn đường bộ tham gia mạng đường bộ ASEAN; Hiệp định quy định tiêu chuẩn đường bộ tham gia mạng đường bộ châu Á; Hiệp định Khung ASEAN về tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa...

Đi vào cụ thể, ông Nguyễn Tương góp ý, cơ quan soạn thảo nên quy định rõ các nội dung về vận chuyển hàng hóa, hợp đồng vận chuyển, tình trạng hàng hóa và quy định trách nhiệm của tập thể, cá nhân người vận chuyển. Ngoài ra, cần quy định cụ thể về vận tải đa phương thức và các cơ chế chính sách phát triển loại hình dịch vụ này.

Đồng thời, quy định về bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với người vận tải đường bộ và quy định giới hạn miễn trách cho người vận tải đường bộ cũng cần phải được luật hóa trong văn bản pháp luật này. Khách hàng nước ngoài, nhất là trong vận tải xuyên biên giới rất quan tâm quy định này trong Luật Giao thông Đường bộ của Việt Nam.

Ở góc độ nghiên cứu, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương, Viện Nhà nước và Pháp luật cũng nêu những ý kiến đánh giá về các điều kiện kinh doanh, quy định quản lý trong dự thảo Luật Giao thông Đường bộ. Cụ thể, việc xác định các điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô chưa có tiêu chí rõ ràng; nhiều quy định quản lý không xuất phát trực tiếp từ yêu cầu bảo đảm lợi ích của xã hội và hành khách mà chỉ phục vụ cho sự thuận tiện của công tác quản lý.

Quan điểm của nhà quản lý khi xây dựng dự thảo luật này còn quá cứng nhắc và dựa nhiều vào các mô hình quản lý cũ, chưa có tư duy đổi mới để phù hợp với tình hình phát triển của khoa học công nghệ. Điển hình như cách tiếp cận đối với việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực vận tải hay các quy định quản lý đối với xe vận tải hành khách theo hợp đồng... Theo ông Dương, cần có sự cá biệt hóa các điều kiện kinh doanh phù hợp với từng dịch vụ trong chuỗi cung ứng dịch vụ vận tải hành khách bằng xe ô tô.

Đại diện Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam PGS.TS Dương Đăng Huệ bình luận, dự thảo luật lần này đã cho thấy sự dày công và tâm huyết của cơ quan soạn thảo. Tuy nhiên, chất lượng chưa cao, dự thảo luật cần được nghiên cứu xây dựng và nâng tầm hơn nữa bởi phiên bản lần này còn rất phức tạp, rắc rối, nhiều nội dung chưa rõ ràng và cụ thể.

Dự thảo luật chưa xác định đúng mối quan hệ giữa Luật Giao thông Đường bộ với Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), dẫn tới sự chồng chéo và mâu thuẫn lẫn nhau. Vì lẽ đó, bên cạnh việc phải đơn giản hóa các quy định trong luật, thì các khái niệm đưa ra cũng cần phải được sắp xếp theo đúng thứ tự ưu tiên, đảm bảo sự thống nhất trong việc sử dụng các thuật ngữ chuyên môn của Luật Giao thông Đường bộ, lẫn Luật PPP.

Đây là một đạo luật quan trọng, có nhiều quy định liên quan tới hoạt động của các nhà đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ theo phương thức đối tác công tư. Do đó, đại diện Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam đề xuất được bổ sung vai trò thành viên Ban soạn thảo luật để từ đó có những sáng kiến đóng góp cụ thể, rõ ràng hơn không chỉ cho việc xây dựng luật mà còn nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp, nhà đầu tư thành viên thuộc hiệp hội.

Thạch Huê (TTXVN)
Một số điểm mới trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)
Một số điểm mới trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)

Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) được xây dựng thay thế Luật Giao thông đường bộ năm 2008, nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực đường bộ. Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có nhiều điểm mới đáng chú ý.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN