Xử lý “hệ lụy” tăng lương tối thiểu

Lấy thêm ý kiến các bộ, ngành, địa phương

Lo ngại của người lao động về giá cả sẽ tăng theo lương tối thiểu là có cơ sở bởi các đợt tăng giá khi tăng lương tối thiểu trước đây đã xảy ra tình trạng một số giá dịch vụ cơ bản bị đẩy lên theo kiểu “đục nước béo cò” gồm giá thuê phòng, điện nước.

Giá thường bị đẩy lên tại các KCN tập trung đông công nhân. Điều này cho thấy hạ tầng xã hội tại các KCN chưa đồng bộ. Các doanh nghiệp mới chỉ đầu tư vào sản xuất kinh doanh, chưa tập trung xây dựng hạ tầng xã hội, thậm chí để trắng hạng mục này. Theo khảo sát của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, có tới hơn 80% công nhân phải thuê trọ.

Ngay như Hà Nội có 9 KCN, thu hút khoảng 150.000 công nhân, nhưng mới chỉ có KCN Bắc Thăng Long xây dựng được khu nhà ở công nhân tại xã Kim Chung do thành phố Hà Nội đầu tư, đáp ứng được chỗ ở cho 12.000 công nhân. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp xây dựng khu nhà ở cho 3.000 công nhân tại Thạch Thất, Mê Linh. “Như vậy khu nhà ở cho công nhân mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu. Còn lại, công nhân vẫn phải thuê trọ trong những căn phòng nhỏ trong nhà dân. Điều này dẫn đến chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng”, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Công đoàn KCN - KCX Hà Nội cho biết.

Trong khi đó, theo đại diện Tổng công ty điện lực Hà Nội, chính sách hiện hành là bán điện theo giá sinh hoạt cho các hộ công nhân. Để làm việc này, các chủ nhà trọ phải kê khai số hộ công nhân thuê trọ. Tuy nhiên, các chủ nhà trọ thường không làm việc này để né tránh kê khai thuế. Do vậy, để các hộ công nhân được hưởng giá sinh hoạt, cần có sự hợp tác của chính quyền địa phương.

Theo khảo sát của Bộ LĐTBXH mức lương bình quân của người lao động trên thị trường trong các loại hình doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2015 đạt 5,37 triệu đồng/người/tháng, tăng 5,3% so với năm 2014 và ước thực hiện cả năm 2015 khoảng 5,5 triệu đồng/người/tháng, tăng 7,8% so với năm 2014.

Để giải quyết tận gốc vấn đề giá cả, ổn định cuộc sống người lao động KCN- KCX, theo Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, phát triển KCN- KCX phải đi liền với phát triển với khu nhà ở cho công nhân thuê hoặc trả góp theo thu nhập thực tế của người lao động. Có như vậy mới không bị o ép giá theo kiểu điệp khúc “lương tăng giá tăng”.

Còn theo Bộ LĐTBXH, mức tăng lương tối thiểu 2016 được tính toán trên cơ sở bù đủ trượt giá sinh hoạt năm 2015 dự kiến khoảng 4 - 5%; mức tăng năng suất lao động xã hội khoảng 3 - 3,5% và điều chỉnh tăng thêm ở mức khoảng 4 - 5% để thực hiện lộ trình bảo đảm nhu cầu tối thiểu của người lao động. Nếu thực hiện phương án tăng lương 12,4% vừa được Hội đồng lương quốc gia thông qua sẽ đáp ứng khoảng 87- 90% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động tùy theo từng vùng. Về phía doanh nghiệp, Bộ LĐTBXH cho rằng, mức lương thực tế doanh nghiệp trả cho người lao động thực tế cao hơn mức lương tối thiểu vùng nên phương án tăng 12,4% sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. “Mức độ ảnh hưởng lớn nhất của tăng lương tối thiểu 12,4% nhiều nhất ở khu vực sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp vừa và nhỏ”, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết.

Theo đánh giá của Bộ LĐTBXH việc tăng lương tối thiểu sẽ tăng thêm phần đóng bảo hiểm xã hội, trong đó nhiều nhất là lĩnh vực sử dụng nhiều lao động. Để đánh giá tác động của việc tăng lương tối thiểu vùng, dự thảo Nghị định tăng lương tối thiểu vùng áp dụng từ 1/1/2016 đang được Bộ LĐTBXH tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương từ nay cho đến cuối tháng 10, trước khi trình Chính phủ vào tháng 11.

Xuân Minh - TTN
Xử lý "hệ lụy" tăng lương tối thiểu: Thấp thỏm giá tăng
Xử lý "hệ lụy" tăng lương tối thiểu: Thấp thỏm giá tăng

Phương án tăng lương tối thiểu vùng (áp dụng cho khu vực doanh nghiệp) đã được Hội đồng tiền lương quốc gia thông qua vào đầu tháng 9, với mức tăng 12,4%. Tuy nhiên cả phía công nhân và doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều trăn trở.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN