Trong bối cảnh đó, hệ thống thuế Việt Nam đã đẩy mạnh cải cách thể chế chính sách thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thực hiện quyết liệt chuyển đổi số... nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch cho người nộp thuế.
Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 theo Quyết định số 508/QĐ-TTg đề ra mục tiêu Chiến lược “Xây dựng ngành thuế Việt Nam hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; công tác quản lý thuế, phí và lệ phí thống nhất, minh bạch, chuyên sâu, chuyên nghiệp theo phương pháp quản lý rủi ro, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, trọng tâm của quản lý thuế dựa trên nền tảng thuế điện tử và ba trụ cột cơ bản là thể chế quản lý thuế đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập; nguồn nhân lực chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới; công nghệ thông tin hiện đại, tích hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh nền kinh tế số”.
Sau một thời gian triển khai chiến lược này, ngành thuế đã thực hiện đổi mới phương thức quản lý trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro xuyên suốt có hệ thống từ cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu nghiệp vụ quản lý thuế. Cùng đó, đẩy mạnh cung ứng các dịch vụ thuế điện tử và công cụ hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế…. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy người nộp thuế tuân thủ tự nguyện và giảm chi phí.
Ngành thuế cũng rà soát, sửa đổi bổ sung và tự động hoá các quy trình nghiệp vụ trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt các quy trình có liên quan trực tiếp. Điều này nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế và nâng cao trách nhiệm của công chức trong thực thi công vụ.
Năm 2009, ngành thuế đã triển khai khai thuế; nộp và hoàn thuế điện tử vào năm 2017 để hỗ trợ người nộp thuế nhanh chóng, thuận tiện giúp giảm thời gian thực hiện thủ tục về thuế. Tính đến ngày 31/10/2023, đã có 99,92% doanh nghiệp khai thuế điện tử; 99,09% doanh nghiệp nộp thuế điện tử...
Tháng 6/2023, ngành thuế triển khai định danh các khoản thu hỗ trợ người nộp thuế tra cứu, xác định các khoản nộp theo tính chất, thứ tự thanh toán theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Nhờ đó, ngành thuế đã có một số kết quả nổi bật trong chuyển đổi số là từ ngày 1/7, toàn bộ 100% doanh nghiệp, tổ chức và hộ, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai trên toàn quốc đã chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử. Việc triển khai hóa đơn điện tử góp phần đẩy mạnh sự phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phù hợp xu hướng phát triển chung của thế giới. Từ đó, mang lại nhiều lợi ích chung cho xã hội, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng cho doanh nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan thuế.
Tiếp đó, ngành thuế triển khai Hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý hóa đơn điện tử phục vụ cho quản lý rủi ro trong toàn ngành; bước đầu áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào phân tích rủi ro xác định gian lận hóa đơn...Điều này nhằm minh bạch và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp và người nộp thuế.
Cùng với triển khai thành công hóa đơn điện tử, ngành thuế đã triển khai ứng dụng thuế điện tử cho thiết bị di động (eTax Mobile) từ ngày 21/3/2022 hỗ trợ cá nhân, hộ cá nhân kinh doanh trong tra cứu, nộp thuế… và đã hoàn thành triển khai tích hợp eTax Mobile, iCaNhan xác thực bằng VneID.
Cũng trên ứng dụng eTax Mobile, ngành thuế triển khai bản đồ số hộ kinh doanh, hỗ trợ cơ quan thuế quản lý người nộp thuế một cách trực quan, nắm bắt tốt địa bàn, chống thất thu ngân sách. Bên cạnh đó, ngành thuế triển khai cổng thông tin thương mại điện tử hỗ trợ tổ chức, cá nhân kinh doanh qua sàn thương mại điện tử kê khai, nộp thuế, tra cứu thông tin. Đồng thời, vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài nhằm hỗ trợ họ đăng ký, kê khai, nộp thuế vào ngân sách nhà nước Việt Nam tại bất cứ đâu trên thế giới đối với khoản thu nhập nhận được từ Việt Nam từ ngày 21/3/2023.
Trong giai đoạn tới, ngành thuế sẽ tiếp tục chủ động đẩy mạnh cải cách thể chế quản lý thuế phù hợp yêu cầu Chính phủ điện tử, Chính phủ số, tạo điều kiện ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong quản lý thuế, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, đơn giản hoá các thủ tục hành chính, rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá thành phần hồ sơ đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, miễn giảm thuế và thực hiện các giao dịch trong lĩnh vực thuế trên môi trường điện tử phù hợp thông lệ quốc tế.
Cùng với đó, để thực hiện chuyển đổi số thành công, ngành thuế cũng sẽ kiến trúc lại tổng thể hệ thống công nghệ thông tin với phương châm "lấy người nộp thuế là trung tâm" để thiết kế các ứng dụng tập trung xoay quanh các nghiệp vụ cốt lõi. Từ đó, đảm bảo tăng tính linh hoạt, tích hợp của hệ thống và hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược dài hạn của ngành thuế, nâng cao tính phục vụ người nộp thuế. Đồng thời, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ thuế điện tử, tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Với những mục tiêu, giải pháp tổng thể đã đề ra tại Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến 2030 và dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp, UBND các tỉnh thành phố và bằng những kinh nghiệm đã có của toàn thể cán bộ công chức toàn ngành với một quyết tâm cao, tin rằng ngành thuế sẽ hoàn thành tốt mục tiêu Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và tiến trình chuyển đổi số. Đồng thời, hoàn thành tốt nhất trọng trách to lớn mà Đảng, Nhà nước và Bộ Tài chính đã tin tưởng giao phó, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.