Không nên coi doanh nghiệp có sai phạm vì mua hàng của doanh nghiệp đã bỏ trốn
Công văn 1789 yêu cầu các doanh nghiệp giải trình về những hóa đơn đã giao dịch với 524 doanh nghiệp có rủi ro về thuế nêu trong phụ lục, đang “đẩy khó” cho người nộp thuế dù muốn phân loại hành vi của doanh nghiệp là mua bán hóa đơn hay giao dịch thật. Đến nay, số doanh nghiệp phải giải trình lên tới hàng ngàn, do số doanh nghiệp bị liệt vào danh sách rủi ro hóa đơn điện tử là hơn 520 doanh nghiệp.
Một số ý kiến cho rằng: Sau mua bán, doanh nghiệp bán hàng có thể bỏ trốn, mất tích, thậm chí có thể bị điều tra, khởi tố thì không liên quan tới giao dịch đã phát sinh. Khi đó, điều tra, xác minh thuộc về cơ quan có thẩm quyền. Doanh nghiệp mua hàng đã trả tiền sòng phẳng, đã nhận được hóa đơn phát hành hợp lệ thì không phải chịu trách nhiệm về những vấn đề xảy ra sau đó.
Theo một số chuyên gia kinh tế, hàng hóa đã mua cách đây 1 - 2 năm, giờ doanh nghiệp mua hàng phải giải trình là điều không phù hợp. Thay vào đó, doanh nghiệp mua hàng có thể cung cấp, phối hợp với cơ quan thuế để hỗ trợ công tác hậu kiểm của ngành Thuế chứ không thể coi doanh nghiệp có sai phạm vì mua hàng của doanh nghiệp đã bỏ trốn.
Một số doanh nghiệp chia sẻ, thời điểm họ mua hàng từ năm 2020 lúc đó doanh nghiệp bán hàng vẫn hoạt động, nhưng đến năm 2021, doanh nghiệp bán hàng đã không còn ở địa chỉ kinh doanh nữa. Nay cơ quan thuế yêu cầu doanh nghiệp phải loại khỏi chi phí và phạt hành vi khai sai với mức phạt lên tới mấy chục triệu đồng đồng thời đóng tiền chậm nộp.
"Hóa đơn doanh nghiệp tôi chỉ vài trăm ngàn mà mức phạt lên đến vài chục triệu là vô lý. Về nguyên tắc, doanh nghiệp chỉ cần giải trình và cam kết nhưng thực tế nhiều nơi, bên bán bỏ trốn là cơ quan thuế yêu cầu bên mua loại khỏi chi phí, không cần biết là đã mua ở thời điểm nào", đại diện kế toán một doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa thiết yếu than thở.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng: Ngành Thuế cần thu hồi công văn vì "đây là trách nhiệm quản lý của cơ quan thuế, không thể đẩy áp lực nặng nề lên doanh nghiệp mua hàng.
“Trước khi hóa đơn điện tử được xuất ra, doanh nghiệp bán hàng phải gửi hóa đơn lên hệ thống của Tổng cục Thuế để được cấp mã rồi mới xuất cho bên mua. Nên hóa đơn được xuất ra là hợp lệ, khó có thể bắt doanh nghiệp mua hàng phải giải trình rồi loại bỏ hóa đơn này ra khỏi chi phí được. Tại thời điểm mua hàng, giao dịch là bình thường, có mua có bán, có nhận hàng, có thanh toán tiền và xuất hóa đơn có mã của cơ quan thuế thì không thể đẩy trách nhiệm cho doanh nghiệp mua hàng được. Đến nay, nếu phát hiện doanh nghiệp bán hàng đã gian lận, bán hóa đơn cho doanh nghiệp mua hàng lậu để trốn thuế thì trách nhiệm ở đây là của cơ quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp bán hàng”, bà Nguyễn Minh Thảo cho biết.
Thực tế có những doanh nghiệp được lập ra để bán hóa đơn cho những đơn vị khác nhằm hợp thức hóa hàng trôi nổi, hàng buôn lậu và trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách. Phía cơ quan thuế và cơ quan công an đã phối hợp phát hiện và xử lý không ít doanh nghiệp này. Thủ đoạn của các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi. Do đó, cơ quan thuế phải có biện pháp quản lý để phát hiện từ xa, từ sớm, kịp thời ngăn chặn những doanh nghiệp sai phạm, lập ra để gian lận, trốn thuế. Qua đó, ngành Thuế cũng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp làm ăn chân chính chứ không phải quản lý khiến doanh nghiệp thấy bất an, rủi ro.
"Việc giải trình với cơ quan thuế hàng loạt nội dung như: Cung cấp bảng kê hàng hóa, dịch vụ mua vào; hợp đồng kinh tế, phiếu nhập kho, phiếu xuất kho, chứng từ thanh toán; cung cấp chứng từ có liên quan đến việc ghi nhận chi phí được trừ; mục đích sử dụng các mặt hàng của doanh nghiệp bỏ trốn... khiến không ít doanh nghiệp mua hàng rất mất thời gian, công sức và có nguy cơ bị xử phạt oan", luật sư Nguyễn Hoàng Hải cho biết.
Hóa đơn mua bán hàng hóa phải phù hợp với thực tế giao dịch
Trước dư luận xôn xao này, đại diện Bộ Tài chính ngày 9/9 cho biết: Thời gian qua, cơ quan Thuế đã phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước khác để xác định hàng loạt doanh nghiệp có hiện tượng mua bán hóa đơn nhằm hợp thức hóa cho các khoản hàng hóa mua bán trôi nổi trên thị trường, hợp thức hóa các khoản chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) để làm giảm số thuế phải nộp gây thất thu ngân sách Nhà nước (NSNN).
“Cơ quan thuế xác định đây là những doanh nghiệp có rủi ro cao trong việc sử dụng hóa đơn không hợp pháp để kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) làm giảm nghĩa vụ ngân sách về thuế GTGT hoặc làm tăng số thuế GTGT được hoàn… Một trong những vụ án đã được cơ quan chức năng phát hiện là vụ án liên quan đến 524 doanh nghiệp bán hóa đơn không hợp pháp, hóa đơn khống”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.
Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính về tạo thuận lợi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNN&V), thay việc phải tiến hành thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, cơ quan thuế có thể yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế và phối hợp với cơ quan quản lý thuế để thực hiện pháp luật về thuế; căn cứ khoản 8 Điều 17 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định NNT có trách nhiệm chấp hành quyết định, thông báo, yêu cầu của cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế.
Trên cơ sở đó, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 1798/TCT-TTKT ngày 16/5 để các doanh nghiệp có hóa đơn đầu vào của 524 doanh nghiệp bán hóa đơn không hợp pháp nêu trên chủ động rà soát và loại trừ các hóa đơn không hợp pháp, không có hàng hóa kèm theo để điều chỉnh kê khai, hạch toán đúng nghĩa vụ thuế với nhà nước.
Theo Bộ Tài chính, Luật Quản lý thuế số 38 quy định trách nhiệm, quyền lợi của người nộp thuế (NNT) liên quan đến hóa đơn như sau: Trường hợp người mua hàng hóa, dịch vụ sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp chứng minh được lỗi vi phạm sử dụng hóa đơn không hợp pháp thuộc về bên bán hàng thì bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định tại Điều 142 Luật Quản lý thuế. Trường hợp phát hiện NNT sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn thì bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế theo quy định tại Điều 143 Luật Quản lý thuế.
Các doanh nghiệp có hóa đơn mua bán hàng hóa phù hợp với thực tế giao dịch thực hiện kê khai nộp thuế theo quy định hiện hành. Danh sách doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh được đăng tải kể từ ngày cơ quan thuế có thông báo doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh quy định tại Điều 29 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản thuế; kể từ ngày cơ quan thuế ban hành thông báo NNT không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký; hệ thống hóa đơn điện tử của cơ quan Thuế sẽ tự động chặn xuất hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh. NNT có thể tra cứu danh sách doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh tại địa chỉ: https://www.gdt.gov.vn.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng: Không chỉ vì một số doanh nghiệp vi phạm mà phải bắt hàng ngàn doanh nghiệp tuân thủ pháp luật phải giải trình.
Trong khi Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành đang có những giải pháp quyết liệt nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp, ngành Tài chính cần tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ như giảm thuế để tiếp sức cho doanh nghiệp thì nay nhiều doanh nghiệp phải ở trong tình cảnh "dở khóc, dở cười" do mất thời gian, công sức đi giải trình, thậm chí phải nộp phạt vì công văn 1798 của ngành Thuế.