Từ những phế liệu của chiếc xe đạp và một miếng tôn hay đoạn lưỡi cưa…, một lão nông trình độ học vấn 4/10 ở Quảng Nam đã sáng chế ra chiếc xe đạp cày đa năng sử dụng cho đất màu, có thể gieo, xới cỏ và vun đất, giúp người nông dân thảnh thơi hơn trên đồng ruộng.
Ông là Lương Minh Đồng, 55 tuổi, ở thôn Ngọc Thạch, xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam. Giới thiệu chiếc xe đa năng của mình, người lính của Tiểu đoàn R20, Tỉnh đội Quảng Nam ngày nào chỉ cho chúng tôi về phát minh đặc biệt này. Ông cho biết, với nông cụ này, người nông dân có thể giải phóng đất kịp thời vụ, gieo trồng đúng kỹ thuật và giảm tới 50% sức lao động. Chiếc xe có giá khoảng 180.000 đồng/chiếc.
Xuất thân từ một xã nghèo của huyện Đại Lộc, nơi người dân chủ yếu sống bằng nghề nông. Ở xã có khoảng hơn 430 ha đất nông nghiệp thì đến 95% là đất màu, bồi thuộc lưu vực sông Vu Gia. Bà con nông dân làm đất chủ yếu bằng sức kéo của trâu, bò hoặc máy cày nhưng không phải nhà nào cũng có các phương tiện đó. Mỗi khi đến vụ, nông dân lại tất tả thuê mướn cày bừa, có khi còn phải tranh chấp nhau mới kịp giải phóng đất, xuống giống đúng lịch. Gia đình ông cũng vậy, nếu không thuê được trâu bò kéo, cả nhà phải vất vả cuốc đất, nhiều khi làm không kịp thời vụ. Ông trăn trở tìm cách giúp gia đình bớt khổ.
Một lần, nhìn chiếc xe đạp cũ nằm ở xó nhà một người bạn, ông nảy ra ý nghĩ phải biến thành chiếc xe đạp…cày, vừa tận dụng được phế phẩm, vừa giải quyết nhu cầu sức kéo. Với chút vốn liếng nghề rèn học được khi mới giải ngũ, ông miệt mài bắt tay vào việc thực hiện ý tưởng. Năm 1985, ông đã sáng chế thành công chiếc xe đầu tiên, giúp giải phóng được sức lao động cho nông dân và giải quyết đáng kể sự thiếu hụt về sức kéo ở địa phương. Một sào đất màu, chỉ tính riêng công rạch hàng tỉa đậu, vun hàng khi đậu lớn và xới cỏ chăm bón… ít nhất cũng lợi được 5 công. Từ chiếc xe đạp cũ, ông Đồng giữ lại cái ghi-đông và một bánh trước của xe đạp. Bánh này có tác dụng làm lực đẩy cho xe, lực của chiếc bánh xe sẽ giảm bớt được 50% sức đẩy của 1 người. Thay thế cho bánh xe sau là một lưỡi cày gắn với sườn xe, các lưỡi cày thiết kế theo chức năng, nhiệm vụ riêng, cày sâu cạn, xa gần đều có thể như ý. Chỉ cần dùng sức đẩy nhẹ, người nông dân có thể cày đất, vun đất, gieo giống hay xới cỏ hoàn toàn theo thời gian và quy trình của mình. Vì dùng sức để đẩy nên có người còn gọi xe đạp cày của ông là máy cày đẩy.
Hồi mới xuất xưởng, giá một chiếc xe đạp cày ở mức 50.000 đồng/chiếc. Sau hơn 20 năm, xe đạp cày của ông giá 180.000 đồng/chiếc; nếu khách hàng muốn có thêm các loại lưỡi rạch hàng, vun hàng… chỉ phải trả thêm 40.000 đồng. Thử nghiệm cày đất thành công, ông lại nghĩ ra cách để xe đạp cày có thêm nhiều công năng hơn gieo giống, vun đất, xới cỏ… trên đất cát pha, đất thịt nhẹ. Tiếng lành đồn xa, từ chỗ chỉ dùng sản xuất trong gia đình, dần dần nhiều người trong xã, rồi nông dân làm đất màu thuộc lưu vực sông Vu Gia, Thu Bồn và ở các tỉnh lân cận đều tìm đến đặt làm. Một ngày ông chỉ có thể làm được 2 chiếc hoàn chỉnh nên nhiều người phải đặt trước. Đến ngày mùa, cái xưởng nhỏ của ông lại tất bật và rộn ràng khách qua lại.
Ông Phan Văn Chín, Chủ tịch Hội nông dân xã Đại Hồng cho biết: từ trước đến nay người dân thường sử dụng trâu bò làm sức kéo, sau đó thì các loại máy cày hiện đại hơn xuất hiện nhưng việc gieo trồng đúng thời vụ rất khó thực hiện. Máy cày của lão nông Lương Minh Đồng đã giúp bà con nông dân hoàn toàn có thể giải phóng đất kịp thời vụ, gieo trồng đúng kỹ thuật, giảm tới 50% sức lao động trong các vụ mùa và có giá thành tương đối rẻ. So với các phương tiện làm đất khác, chiếc xe đạp cày này khá gọn gàng, có thể vận chuyển, mang vác cơ động dễ dàng, phục vụ cho nhiều địa hình. Hiện tại, không chỉ 100% nông dân ở xã Đại Hồng đều sử dụng chiếc xe đạp cày mà hầu hết bà con làm đất màu ở các vùng lân cận đều tìm đến để mua sản phẩm này.
Hứa Chung